Bạc Liêu không chỉ có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà các ngành kinh tế biển khác như du lịch, khai thác hải sản, sản xuất muối (diêm nghiệp)... cũng rất nhiều tiềm năng. Mặc dù được tỉnh quan tâm về cơ chế, chính sách, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên mức độ phát triển của các ngành này vẫn ở mức cầm chừng.
Từ chuyện “bình mới rượu cũ”
Những ngày khảo sát tại Bạc Liêu, chúng tôi ghi nhận thực tế, “hình hài” của thủ phủ ngành tôm đang dần hiện hữu ở địa phương này. Đó là cả một quá trình dài nỗ lực vừa đổi mới tư duy, cách làm, vừa quyết tâm, quyết liệt, kiên trì của hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh.
 |
Hoạt động của tàu, thuyền tại Cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải. Ảnh: HỮU THỌ |
Mục tiêu hướng đến trong Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước đó là phát triển Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ cao (CNC).
Xét về tổng thể, quy mô, sản lượng ngành nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu mà chủ lực là ngành tôm tương đối lớn với tổng diện tích 136.000ha. Mặc dù vậy, xét về cơ cấu ngành tôm Bạc Liêu đang phát triển chưa cân xứng. Cụ thể, với tổng diện tích nuôi trồng như trên, đến nay Bạc Liêu mới đạt 3.905ha nuôi tôm siêu thâm canh có áp dụng CNC; nuôi thâm canh, bán thâm canh hơn 19.000 ha.
Trong khi đó, nuôi theo hình thức quảng canh (nuôi thả tự nhiên) cải tiến kết hợp hơn 44.000ha, còn lại là các mô hình tôm-lúa, tôm-rừng theo hình thức hoàn toàn quảng canh.
Tại Bạc Liêu, Tập đoàn Việt-Úc là một trong số ít doanh nghiệp ngành tôm CNC sớm đầu tư vào tỉnh. Tập đoàn đã đầu tư nhiều khu phức hợp sản xuất từ tôm giống, tôm thương phẩm CNC. Mục tiêu cuối cùng của các khu phức hợp này là sản xuất được con tôm hoàn hảo, đáp ứng 3 tiêu chí: Truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm và hoàn toàn không kháng sinh trong suốt vòng đời con tôm. Tập đoàn thường xuyên đồng hành, hỗ trợ người nuôi tôm, từ con giống, kỹ thuật, công nghệ nuôi, tư vấn kỹ thuật...
Tuy nhiên, với đại đa số các hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu, để theo đuổi được cách làm, quy trình nuôi khép kín, ứng dụng CNC như Việt-Úc gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Mô hình hay, cách làm tốt, mang lại lợi nhuận cao nhưng không thể nhân rộng.
Nguyên do bởi suất đầu tư quá lớn, người nuôi tôm nhỏ, lẻ không đủ năng lực tài chính để tham gia theo chuỗi giá trị. Thế nên, đại đa số người nuôi tôm ở Bạc Liêu vẫn duy trì theo hình thức quảng canh, phó mặc cho tự nhiên vì không tốn kém chi phí đầu tư, chi phí quản lý, do đó mặc dù diện tích nuôi trồng lớn, nhưng sản lượng không cao.
Đó là chưa kể đến thực trạng, không ít hộ nuôi tôm sau 1-2 vụ làm ăn thua lỗ, “được mùa mất giá”, hay “được giá thì thất thu”, không đủ khả năng để trả nợ ngân hàng nên bị xếp vào nợ xấu, không thể tiếp tục vay vốn để tái đầu tư.
Một thách thức không nhỏ khác đối với ngành tôm Bạc Liêu đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao trong các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Nguyên nhân do việc đầu tư ứng dụng quy trình xử lý môi trường còn hạn chế, không có ao xử lý nước thải trong các khu tôm nuôi trước khi xả ra môi trường.
Bởi vậy, người nuôi tôm ở đầu nguồn nước, khi tôm nuôi bị bệnh, nhưng nước thải chưa qua xử lý đã xả ra ngoài, các hộ phía cuối nguồn lại lấy nước đó vào ao nuôi, nhưng cũng không có công nghệ xử lý nên khiến tôm nuôi bị bệnh hàng loạt và nguy cơ “trắng tay” là hiện hữu.
 |
Sản xuất muối tại huyện Đông Hải. |
Đến nỗi buồn diêm dân
Muối Bạc Liêu (trước đây gọi là muối Ba Thắc)-một thương hiệu dân gian nổi tiếng rất lâu đời, gắn liền với diêm dân tỉnh Bạc Liêu và đã trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển nơi đây, hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt đến năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vùng muối Bạc Liêu hình thành từ khá lâu, dựa trên yếu tố thuận lợi về thời tiết, vị trí địa lý, mặt bằng tập trung. Sản xuất muối tại Bạc Liêu hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp phơi nước, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Việc tiêu thụ muối của bà con diêm dân cũng gặp nhiều khó khăn do không ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua, chỉ bán muối thông qua các thương lái nên thường bị ép giá.
Ngoài ra, điều kiện sản xuất khó khăn, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chi phí đầu tư lớn dẫn đến giá thành sản xuất cao... Cùng với đó, sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, đặc biệt trước sự biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề sản xuất muối phơi nước hiện nay. Sản lượng muối cung cấp cho các cơ sở chế biến không ổn định, ảnh hưởng đến liên kết giữa diêm dân và các doanh nghiệp.
Chúng tôi đến thăm cánh đồng muối của Hợp tác xã Diêm nghiệp Doanh Điền của huyện Đông Hải giữa trưa nắng bỏng rát. Mặc dù nắng chang chang, nhưng trong căn chòi nhỏ có 6-7 diêm dân đang ngồi chờ đến giờ được nắng, được nước để thực hiện quy trình tháo nước, cào muối, khuôn mặt ai cũng đen cháy vì nắng và gió biển mặn mòi.
Hợp tác xã có hơn 60 thành viên, gom góp được 19ha để làm muối. Trò chuyện với các diêm dân, chúng tôi cảm nhận được phần nào nỗi vất vả, gian truân của nghề làm muối. Vụ muối thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến trước mùa mưa năm sau (tháng 4-5). Trung bình 1ha cho thu hoạch khoảng 60 tấn muối, với mức giá 800-1.000 đồng/kg, nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào thương lái, còn chất lượng muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên giá cả rất bấp bênh. Một vụ muối, nếu được mùa, được giá cho thu nhập 25-30 triệu đồng/người.
Đưa ánh mắt đượm buồn nhìn về phía cánh đồng muối xa tít tắp, ông Nguyễn Tuấn Kiệt, kỹ thuật trưởng của Hợp tác xã Diêm nghiệp Doanh Điền bộc bạch: Nghề làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Sản xuất muối mà gặp phải mưa trái mùa thì xem như thất bát. Nghề muối vất vả, thu nhập thấp nhưng bà con không nỡ bỏ vì nghề truyền thống cha ông để lại.
Thời gian làm muối trong năm chỉ 5-6 tháng, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống nên hết vụ muối, bà con trong hợp tác xã lại “xoay” sang nuôi artemia (nhuyễn thể)-một loại thức ăn cho tôm giống-để duy trì cuộc sống, số khác thì đi làm thuê, làm mướn qua ngày...
Bạc Liêu là vựa muối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tổng diện tích sản xuất muối năm 2021 của tỉnh đạt 1.468ha, sản lượng hơn 37.500 tấn, trong đó có khoảng 7.500 tấn muối trắng. Những ngày khảo sát thực tế, chúng tôi được nghe câu chuyện không mấy vui về hạt muối Bạc Liêu.
Đó là chuyện có địa phương mặc dù không có biển, không sản xuất được muối nhưng lại có sản phẩm muối ớt rất nổi tiếng, lượng tiêu thụ lớn và giá thành cao. Nguyên do là các doanh nghiệp chế biến nhập muối Bạc Liêu và chế biến thành một sản phẩm mới, sau đó dán nhãn thương hiệu. Thương hiệu và chất lượng muối của Bạc Liêu là không phải bàn cãi.
Nhưng khi sản phẩm do địa phương mình làm ra bị gắn mác trở thành thương hiệu sản phẩm của một địa phương khác lại là điều đáng suy ngẫm. Câu chuyện trên đặt ra vấn đề về năng lực sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp, hợp tác xã ngành muối ở Bạc Liêu. Bên cạnh đó là việc xây dựng thương hiệu và các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm muối của Bạc Liêu còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.
 |
Du khách tham quan tại điểm du lịch Mẹ Nam Hải, TP Bạc Liêu. |
Nhiều tiềm năng vẫn bỏ ngỏ
Bạc Liêu có bờ biển dài với 4 cửa biển lớn, trong đó có khoảng hơn 20.000km2 vùng đặc quyền kinh tế biển và ngư trường rộng hơn 40.000km2, trữ lượng hải sản lớn, khai thác quanh năm, thuận lợi để phát triển đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, tỉnh còn có diện tích bãi bồi quy hoạch phát triển rừng phòng hộ ven biển hơn 3.200ha; diện tích có rừng trong mô hình tôm-rừng gần 1.000ha.
Diện tích rừng tập trung tuy không lớn, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn và ngăn chặn sự suy thoái môi trường; tạo điều kiện bồi cao nhanh các vùng đất bãi bồi ven biển, qua đó tạo thêm nhiều dư địa cho địa phương khai thác, phát triển kinh tế biển.
Qua khảo sát tại một số địa phương của tỉnh như TP Bạc Liêu, huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình... ngoài các lĩnh vực năng lượng, nuôi tôm được đầu tư, phát triển mạnh thì các lĩnh vực, ngành nghề khác của kinh tế biển vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.
Tại buổi làm việc với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Hữu Trí, Bí thư Thành ủy Bạc Liêu thẳng thắn nhìn nhận, đóng góp của kinh tế biển vào sự phát triển chung của thành phố còn tương đối khiêm tốn. Thế mạnh phát triển kinh tế biển của TP Bạc Liêu là du lịch và nuôi tôm ứng dụng CNC, còn các lĩnh vực, ngành nghề khác tuy có tiềm năng nhưng đóng góp và phát triển ở mức vừa phải.
Tỉnh có một số điểm du lịch nổi tiếng như: Lăng Ông Duyên Hải, khu du lịch Quán âm Phật đài..., thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, có năm thu hút hơn 3 triệu lượt khách. Mặc dù lượng khách du lịch đông, nhưng ngành du lịch Bạc Liêu chưa khai thác hết thế mạnh vì chưa giữ chân được du khách. Đa phần du khách chỉ đến tham quan, du lịch tâm linh và đi-về trong ngày. Với tuyến ven biển có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái, gắn với du lịch nghỉ dưỡng nhưng chưa thể kêu gọi được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào đây.
Mặc dù diện tích ngư trường và vùng đặc quyền kinh tế trên biển của tỉnh tương đối lớn, nhưng nghề khai thác hải sản xa bờ phát triển còn chậm. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh có gần 1.200 tàu, trong đó có khoảng gần 500 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên, do đó sản lượng khai thác biển khá khiêm tốn.
Trong năm 2021, sản lượng khai thác đạt hơn 110 nghìn tấn, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 30% tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt hải sản toàn tỉnh. Khi ngành nghề chính còn chậm phát triển, cũng đồng nghĩa sẽ kéo theo các ngành khác, như dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, đóng tàu, chế biến hải sản... cũng bị “dồn toa”.
Khảo sát tại Bạc Liêu, chúng tôi cũng ghi nhận thực tế, địa phương có tuyến rừng ngập mặn phòng hộ ven biển tương đối lớn và rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, kết hợp với du lịch tham quan điện gió.
Địa phương rất muốn khai thác giá trị từ tuyến rừng phòng hộ này để phục vụ phát triển du lịch, theo hướng vừa khai thác, vừa bảo tồn, vừa trồng mới gia tăng diện tích. Tuy nhiên, việc đầu tư để khai thác du lịch lại đang gặp khó khăn về những cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến rừng phòng hộ. Theo đó, “đất rừng, đê biển” thì không được khai thác, xâm phạm, nên tiềm năng du lịch này vẫn đang bỏ ngỏ.
(còn nữa)
BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN