Địa phương lấy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khoa học công nghệ (KHCN) làm động lực đột phá, lấy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý “Môi trường đầu tư hiệu quả-Xã hội nhân văn hài hòa-Chính quyền năng động kiến tạo”.

Định hình thương hiệu thông minh, vùng ĐMST

Cùng với phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy Bình Dương đã lãnh đạo thực hiện chiến lược đô thị hóa phù hợp với việc hình thành các khu đô thị mới, khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị, phát triển đô thị thông minh và khu công nghiệp-đô thị KHCN... Thực tế, Vùng thông minh Bình Dương và sau này là Vùng ĐMST Bình Dương đã và đang tạo ra những động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương cả trung hạn, dài hạn.

Những năm qua, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã 4 lần vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 khu vực (Smart 21) có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Tháng 7-2021, lần đầu tiên ICF đã xếp Vùng thông minh Bình Dương vào tốp 7. Ngày 21-6-2022, tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ vinh danh “TOP 7 Cộng đồng thông minh thế giới ICF” cùng Diễn đàn “Phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi số và ĐMST thúc đẩy sự tăng trưởng trong cộng đồng”. Đây là điểm nhấn khẳng định mô hình thông minh của Bình Dương là chiến lược đúng đắn, nâng tầm “thương hiệu” của tỉnh với quốc tế, tạo niềm tin lớn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển công nghiệp phải gắn liền với phát triển KHCN. Ngay sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội. Đến nay, trung tâm đã hoàn thành gần 20 lĩnh vực (so với kế hoạch ban đầu 14 lĩnh vực) với 28.881 kết nối dữ liệu, hơn 280 triệu bản ghi dữ liệu và 420 biểu đồ. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang phát triển Khu công nghiệp KHCN là một trọng điểm của Vùng ĐMST Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC cho biết: Đây là công trình thuộc lớp 3 (phát triển kinh tế cân bằng) và lớp 4 (chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0) trong mô hình 5 lớp của Vùng ĐMST. Nó được kỳ vọng cho giai đoạn thu hút đầu tư mới với chất lượng cao hơn, đặc biệt là sự phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai được đào tạo ở Trường Đại học Quốc tế miền Đông. Ảnh: Hạ Long 

Tổng công ty Becamex IDC đang xây dựng Trung tâm Sản xuất thông minh và phát triển công nghệ 4.0 là nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước về công nghệ. Doanh nghiệp này cùng các cơ quan, ban ngành của tỉnh phối hợp với các đối tác của Hà Lan, Hàn Quốc và Singapore triển khai các giải pháp đột phá cho Vùng ĐMST, đồng thời sẽ tạo thành một vệt ĐMST trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, đơn vị liên doanh của Tổng công ty Becamex IDC với Quỹ đầu tư Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đang phát triển hệ sinh thái logistics cho thương mại điện tử tại thành phố mới Bình Dương. Để định vị thương hiệu với quốc tế, Bình Dương tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực với 10 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức, đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế lớn: ICF, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA). Tỉnh Bình Dương cũng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng.

Sẵn sàng cho “cuộc đua” mới

Bình Dương đang ở tư thế sẵn sàng cho “cuộc đua” lên đỉnh cao phát triển mới từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó sẽ là một trong những tỉnh đầu tiên cần phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Đây là một thách thức rất lớn, do theo nguyên tắc leo núi, khi càng lên cao thì tốc độ leo càng chậm lại.

 Tỉnh ủy Bình Dương đã chủ trương là tiếp tục dựa trên nền tảng sẵn có về phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hệ thống các khu công nghiệp, quyết tâm nâng dần chất lượng về phát triển, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng KHCN tiên tiến, ít thâm dụng lao động từ nay đến năm 2030. Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin Tổng công ty Becamex IDC thông tin: Becamex IDC đang hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore phát triển mô hình Block71 đặt tại TP Hồ Chí Minh để kết nối nguồn lực vào Bình Dương, từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố mới Bình Dương. Trường Đại học Quốc tế Miền Đông của Becamex IDC cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, chương trình vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng vào các công ty công nghệ, vận hành hiệu quả hơn các phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo...

Ngày 25-3-2022, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình phát triển KHCN và ĐMST phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Bên cạnh tiếp tục duy trì giữ vững thứ hạng cao của ICF, chương trình còn hướng đến các mục tiêu cụ thể như: Nâng cao tỷ lệ đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế thông qua yếu tố tổng hợp khoảng 45% (năm 2025), hơn 50% (năm 2030), tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt hơn 20%/năm, phấn đấu tăng năng suất lao động xã hội bình quân hơn 7% (năm 2025), hơn 7,5% (năm 2030). Tỉnh Bình Dương phấn đấu gia tăng số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KHCN và số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST so với năm 2020. Đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 40%, phấn đấu đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương ứng dụng chuyển đổi số thành công trong cả nước.

Theo Tiến sĩ Ngô Minh Đức, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tỉnh Bình Dương đã khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và các doanh nghiệp để giúp chuyển đổi ý tưởng mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội. Đầu tư cho KHCN cũng thể hiện rõ qua những trung tâm dữ liệu lớn, đạt chuẩn quốc tế. Các phòng Lab thực hành về công nghệ 4.0, dây chuyền sản xuất hiện đại... đang có mặt tại Bình Dương sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phát triển.

Tháo gỡ vướng mắc để tiếp tục bứt phá

Năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Bình Dương đứng vị trí thứ tư trong cả nước (tăng 9 bậc so với năm 2019). Trong 5 tháng đầu năm 2022, Bình Dương thu hút gần 2,5 tỷ USD vốn FDI, duy trì vị thế trong tốp đầu các địa phương thu hút vốn nước ngoài mạnh nhất cả nước. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 có năng suất lao động tăng bình quân từ 7% đến 7,5%/năm. Việc phát triển dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST phải kiên trì thực hiện, có hướng đi đúng và vượt qua được khó khăn, thử thách.

Theo kiến nghị của các chuyên gia, trong quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, cần nâng tầm phát triển các đô thị vệ tinh thông minh và đáng sống có quy mô vừa và nhỏ, có các dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường sống... đạt tiêu chuẩn cao; kết nối đồng bộ với TP Hồ Chí Minh cả về hạ tầng giao thông và hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Để phát triển bứt phá hơn, Bình Dương cũng cần quan tâm đặc biệt đến hoàn chỉnh các chế độ, chính sách thu hút và đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, triển khai thực hiện các mô hình lao động, việc làm mới trên nền tảng công nghệ số và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội...

Đồng chí Võ Văn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã nhấn mạnh rằng: Bình Dương tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tìm tòi, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thách thức, biến “nguy” thành “cơ”. Tỉnh tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lĩnh hội, ứng dụng những thành tựu KHCN hiện đại, tìm kiếm sự cộng hưởng, đồng hành từ các địa phương bạn, các quốc gia và vùng lãnh thổ để tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. Bình Dương phấn đấu thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi đến thăm và làm việc tại địa phương về xây dựng “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhóm phóng viên phía Nam