QĐND - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 sẽ tạo ra lưới an sinh xã hội rộng hơn và bền vững hơn. Làm gì để luật sớm đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra với không chỉ các cơ quan liên quan mà còn cần đến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi riêng với ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân. Ảnh: Trần Minh

Phóng viên (PV): Luật BHXH năm 2014 được thiết kế theo hướng vì lợi ích lâu dài của người lao động. Tuy nhiên, trong khi luật chưa có hiệu lực thi hành đã vấp phải sự phản ứng của một bộ phận người lao động. Thứ trưởng có nhận định gì về sự việc này?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Việc người lao động Công ty TNHH PouYuen Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp ngừng làm việc để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 ở thời điểm cuối tháng 3-2015 vừa qua, có thể nhìn nhận ở một số điểm như sau:

Thứ nhất, quy định tại Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 về hạn chế nhận BHXH một lần là quy định mới theo hướng có lợi hơn cho người lao động, nhằm khuyến khích người lao động khi còn trẻ, có việc làm, có thu nhập thì đóng BHXH và bảo lưu, tích lũy thời gian đã đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng, góp phần bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi về già. Đây cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhằm hướng đến an sinh lâu dài cho người lao động; thể hiện tư tưởng của chính sách không chỉ là trước mắt mà còn tính đến quá trình 15, 20 năm sau. Quá trình lấy ý kiến, đại đa số đều đồng thuận với quy định này. Chỉ một số ít cho rằng, nên giữ như quy định cũ để tăng tính lựa chọn cho người lao động, tuy vậy khi trao đổi, thảo luận, phân tích thì đều đi đến thống nhất.

Thứ hai, quy định tại Điều 55 của Luật BHXH năm 2006 cho phép người lao động lựa chọn lĩnh một lần, hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để tính hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời và số năm đóng BHXH, cho thấy chủ yếu người lao động chọn hưởng BHXH một lần. Thống kê cho thấy, trong số giải quyết chế độ hưu trí hằng năm có 80% hưởng BHXH một lần, chỉ 20% hưởng chế độ hưu trí hằng tháng. Trong giai đoạn 2007-2014, trung bình mỗi năm có khoảng 500 nghìn người lao động hưởng BHXH một lần, trong đó một bộ phận lớn quay trở lại làm việc và lại tham gia BHXH mới, còn một bộ phận người lao động không có điều kiện và cơ hội để tiếp tục làm việc và tham gia BHXH bắt buộc. Số này khi mất khả năng lao động sẽ không có lương hưu nên không bảo đảm an sinh khi về già. Tình trạng trên cho thấy, nhận thức về an sinh xã hội lâu dài của một bộ phận người lao động chưa cao. Công tác tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu rõ lợi ích lâu dài khi bảo lưu thời gian tham gia BHXH chưa thực sự tốt. Mặt khác, do đời sống còn khó khăn nên người lao động muốn lĩnh BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt mà chưa chú ý đến lâu dài. Số khác không muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nên họ muốn có vốn để về quê làm ăn sinh sống, lĩnh BHXH một lần.

PV: Qua sự việc nhiều công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh phản đối Điều 60 của luật này cho thấy Luật BHXH mới vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2015, Chính phủ sau khi xem xét đề nghị của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhất trí kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Nếu người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần như quy định của Luật BHXH năm 2006, hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động, giải thích để người lao động hiểu rõ chính sách. Đồng thời, Chính phủ đang chỉ đạo cơ quan BHXH nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, minh bạch thông tin, tạo sự yên tâm, thuận lợi cho người tham gia BHXH. Tôi tin chắc rằng, nếu công việc này được thực hiện tốt thì sẽ có nhiều người lao động lựa chọn phương án bảo lưu thời gian đóng BHXH, tiếp tục tham gia để sau này được hưởng lương hưu hằng tháng.

PV: Qua sự việc trên, có thể thấy từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá xa. Theo ông, trong thời gian tới, bộ và các cơ quan liên quan có những giải pháp gì để thu hẹp khoảng cách này?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Bài học rút ra từ sự việc trên chính là công tác thông tin, truyền thông cần phải được đẩy mạnh không chỉ sau khi một chính sách mới ra đời, một văn bản pháp luật mới được thông qua, mà ngay từ khâu xây dựng, soạn thảo chính sách, qua đó để lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía người lao động, các đối tượng chịu sự tác động điều chỉnh bởi chính sách, giúp cơ quan soạn thảo có những cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Hiện tại, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH năm 2014, các nghị định và thông tư trong quá trình xây dựng đã và đang được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động, tổ chức đại diện người lao động và toàn xã hội có cơ hội tham gia và đóng góp ý kiến phản biện; giúp cơ quan soạn thảo có cách nhìn đa chiều để từ đó nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện, để chính sách khi ra đời sẽ được thực tiễn đón nhận một cách trọn vẹn.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo quy định, mức đóng BHXH bắt buộc hiện nay là 26% tiền lương tháng. Trong đó 22% là quỹ hưu trí, tử tuất (người lao động đóng góp 8%); còn lại là quỹ ốm đau, thai sản 3%, quỹ tai nạn lao động 1% đều được chủ sử dụng lao động đóng góp. Cũng theo quy định, mức nộp Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 3% thì Nhà nước đóng 1%, chủ sử dụng lao động đóng 1% và người lao động đóng góp 1%. Đây là quy định buộc Nhà nước và chủ sử dụng lao động có trách nhiệm với người lao động, đồng thời cũng bắt buộc người lao động phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

 

MINH MẠNH (thực hiện)
Bài 1: Khắc phục những bất cập của thực tiễn
Bài 2: Vì sao luật chưa đi vào cuộc sống?