QĐND - Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới sự việc hàng nghìn công nhân ở TP Hồ Chí Minh đồng loạt ngừng làm việc, phản ứng về việc hạn chế giải quyết Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, theo quy định tại Điều 60, Luật BHXH năm 2014. Trước khi được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2014, Luật BHXH đã được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi rất kỹ, thế nhưng tại sao luật chưa kịp đi vào cuộc sống thì đã xảy ra hiện tượng này?

Lợi lâu dài nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trước mắt

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công nhân trong các ngành dệt may, da giày chưa đồng tình với quy định này trong Luật BHXH 2014 vì những người làm việc trong lĩnh vực này khó có điều kiện để làm việc lâu dài ở các doanh nghiệp, thời gian đóng BHXH không đủ để nhận lương hưu. Thực tế, họ chỉ làm việc được khoảng 5-10 năm thì chủ sử dụng sa thải và tuyển dụng những lao động khác trẻ hơn, tay nghề cao hơn. Bị sa thải, những người lao động này buộc phải về quê làm ruộng hoặc chuyển sang nghề khác, rất cần có một khoản tiền để bắt đầu cuộc sống mới. Nếu xét về lâu dài, Điều 60 Luật BHXH 2014 rất có lợi cho người lao động, tuy nhiên lại chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt, sát sườn, cụ thể của đối tượng nên đã dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Công nhân Công ty 711, Binh đoàn 15 thi công đường tuần tra biên giới. Ảnh: Vũ Quang Thái

Lý giải về việc luật mới còn chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã vấp phải sự phản ứng của người dân, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: Quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật BHXH hoàn toàn đúng quy trình. Trong quá trình làm luật, ủy ban được Quốc hội phân công thẩm tra dự án luật này. Tờ trình số 28 của Chính phủ ngày 7-2-2014 có đưa ra trong dự thảo là hạn chế BHXH một lần cho đối tượng chưa đủ điều kiện là rất thuyết phục. Mục tiêu là thực hiện theo quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Trong quá trình hoàn thiện luật cũng đã lấy ý kiến người lao động, người sử dụng lao động, không có người lao động nào có ý kiến về vấn đề này. Sự việc xảy ra xuất phát từ những khó khăn thực tiễn của người lao động. "Điều 60 quy định như trên là để hướng đến mục tiêu người lao động khi hết tuổi lao động có lương hưu, tránh được rủi ro khi về già. Tuy nhiên, thị trường lao động ở nước ta đang trong quá trình hoàn thiện, việc làm chưa bền vững, đời sống người lao động khu công nghiệp rất khó khăn. Chính phủ quy định lương tối thiểu ở 4 vùng nhưng mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu người lao động, trong khi đó, 80% người lao động ở các khu công nghiệp là lao động nông nghiệp, vào đô thị để tìm kiếm việc làm. Người lao động mong mỏi có việc làm ổn định trong một thời gian, sau đó tích lũy tiền lương cộng thêm tiền BHXH một lần để có khoản tiền sinh kế, lập nghiệp ở quê hương"-Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi bày tỏ.

Chính sách nên linh hoạt, hài hòa

Vấn đề nêu trên, suy cho cùng có liên quan trực tiếp đến lợi ích trước mắt của nhóm người lao động. Đại bộ phận người lao động vẫn muốn được tham gia đóng tiếp BHXH. Có không ít trường hợp sau khi nhận BHXH một lần đã trả lại để tiếp tục đóng, cộng dồn thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, khi người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần sẽ không ảnh hưởng gì đến quỹ BHXH, nhưng lại gây thiệt thòi cho chính người lao động đó. Theo quy định, tiền đóng BHXH mỗi năm để trả cho hưu trí đã tích lũy cho người lao động được 2,6 tháng lương. Nếu sau 10 năm đóng mà người lao động nhận BHXH một lần thì chỉ được hưởng mức tương đương 20 tháng lương, như vậy họ sẽ mất đi 6 tháng lương.

Chính phủ vẫn khuyến khích người lao động hạn chế nhận BHXH một lần nhưng để giải quyết những khó khăn trước mắt, cần có những chính sách ưu đãi về tín dụng để người lao động có thể vay vốn giải quyết khó khăn, vừa tiếp tục tham gia đóng BHXH. Mặt khác, chính sách cũng được thiết kế theo hướng linh hoạt, hài hòa. Nếu người lao động bảo lưu tiền đã đóng BHXH thì có thể đóng nhiều lần ở nhiều nơi, nhiều năm, khi cộng dồn vẫn đủ điều kiện để nhận lương hưu.

Qua sự việc đáng tiếc xảy ra ở TP Hồ Chí Minh, có thể thấy các địa phương vẫn chưa tuyên truyền để người lao động hiểu thấu đáo chính sách. Quy trình xây dựng pháp luật của Quốc hội cũng chưa thật sự chặt chẽ, khi những đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật vẫn chưa được lấy ý kiến đầy đủ. Để luật đi vào cuộc sống, bên cạnh việc phải đẩy nhanh công tác soạn thảo, ban hành văn bản hướng dẫn, thì công tác tuyên truyền, giáo dục cần được coi trọng hơn. Người lao động, đặc biệt ở các khu công nghiệp cần được tiếp cận đầy đủ luật mới ban hành để nắm rõ hơn quyền và lợi ích của mình, từ đó hạn chế được những sự việc đáng tiếc.

Hiện cả nước có khoảng 50 triệu người trong độ tuổi lao động; khoảng 16 triệu lao động ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động), trong đó 11,6 triệu người tham gia BHXH; 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Như vậy, còn hơn 4 triệu người trong khu vực chính thức vẫn chưa tham gia vào lưới an sinh xã hội. Với những người nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ đã ra khỏi lưới an sinh. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước phải mất một khoản lớn để trợ cấp xã hội, mua bảo hiểm y tế cho người già (từ 80 tuổi trở lên) không có thu nhập. Đây chính là nghịch lý khi người lao động còn trẻ lại tiêu phí những khoản được tích lũy, khi về già thì đời sống khó khăn do không có lương hưu, dồn gánh nặng lên gia đình và xã hội.

MINH MẠNH (Tiếp theo)
Bài 1: Khắc phục những bất cập của thực tiễn
Bài 3: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền