Hoàn thuế giá trị gia tăng còn bất cập

Theo Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc, một trong những chuyên đề quan trọng của KTNN thực hiện trong năm 2018 vừa qua là kiểm toán việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của cơ quan thuế. Qua công tác này, KTNN đã phát hiện nhiều điểm bất cập trong việc hoàn thuế GTGT. Có tình trạng thực hiện hoàn thuế GTGT không đúng đối tượng, hoàn cho đối tượng không đủ điều kiện, hoàn thuế cho những hồ sơ có hóa đơn và chứng từ không hợp lệ, hoàn cho chi phí vượt định mức hoặc không phục vụ cho dự án đầu tư, hoàn thuế cho các dự án BOT không hình thành tài sản của nhà đầu tư.

Cũng trong năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán chuyên đề về hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý thu ngân sách Nhà nước của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Qua đó, cơ quan này đã phát hiện một số thủ đoạn gian lận của doanh nghiệp (DN) trong công tác kê khai và nộp thuế xuất khẩu, một số “lỗ hổng” từ hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam. Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị Tổng cục Thuế rà soát các thông tin số liệu và thu nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 380 tỷ đồng.

Giải đáp chính sách thuế cho người nộp thuế tại văn phòng Cục Thuế Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN.

TS Nguyễn Đình Hòa, quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho biết: “Sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng trong chống chuyển giá đã tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. Tình trạng thanh toán dùng tiền mặt còn phổ biến ở nước ta là mảnh đất màu mỡ, thuận lợi để các tổ chức trốn thuế, không khai báo đầy đủ các giao dịch mà các cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát được”.

Theo báo cáo của Tổ chức ActionAid Việt Nam, tại Việt Nam thời gian qua đã xảy ra tình trạng "né" thuế. Hành vi “né” thuế không phải là bất hợp pháp mà là người nộp thuế biết tận dụng kẽ hở để giảm thiểu nghĩa vụ nộp thuế. DN có thể "né" thuế bằng cách chọn quốc gia, nơi đầu tư. Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng tại Việt Nam thuế có 20%, trong khi đó tại Nhật thì thuế phải chịu là 37%. Như vậy, thay vì đầu tư tại Nhật, họ sẽ là lựa chọn Việt Nam là điểm đến để giảm nghĩa vụ thuế. DN cũng có thể “né” thuế bằng cách tận dụng tối đa quy định của chính sách ưu đãi sau đó tuyên bố phá sản, giải thể.   

Nan giải việc thu hồi nợ đọng thuế

Một trong những nội dung trọng tâm Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trong tuần qua là cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, số thu hồi nợ đọng thuế trong thời gian qua năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ năm 2011 đến 2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-12-2017 là 78.466 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, Luật Quản lý thuế quy định tiền phạt chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên, do người nộp thuế bị coi là chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian. Tổng số tiền chậm nộp trên sổ sách kế toán cơ quan thuế của các đối tượng nêu trên là 10.465 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

“Lỗ hổng” từ đội ngũ cán bộ thuế

Cuối năm 2018, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý thuế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đại đa số cán bộ thuế hiện nay được đào tạo cơ bản, phẩm chất đạo đức tốt, nhưng vẫn còn có cán bộ thuế tiếp tay cho DN gian lận thuế. “Thậm chí chính cán bộ thuế tư vấn, hướng dẫn DN trốn thuế. Thỏa thuận kiểu này DN có lợi, đa số DN không kêu, không phản ánh, chỉ Nhà nước và người dân bị thiệt”, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh phân tích. Để bịt “lỗ hổng” này, luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ thuế vào luật theo hướng nghiêm cấm cán bộ thuế hướng dẫn, thỏa thuận với đối tượng nộp thuế để trốn thuế; cán bộ thuế có trách nhiệm hướng dẫn DN thực hiện nộp thuế đầy đủ, nhanh chóng, tiện lợi.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành thuế thời gian qua đã mang lại nhiều thuận lợi cho DN, nhưng đồng thời cũng bị một số đối tượng làm ăn không chân chính cố tình lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trục lợi cho bản thân.

Gần đây hoạt động thương mại điện tử tăng nhanh nhưng việc quản lý các giao dịch điện tử, trong đó có vấn đề quản lý và thu thuế phát sinh từ các giao dịch này vẫn là một vấn đề còn khá mới mẻ đối với các cơ quan Nhà nước. Trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền còn tỏ ra lúng túng trong việc quản lý, hướng dẫn kê khai và nộp thuế đối với các đối tượng có liên quan, dẫn đến phát sinh những kẽ hở để các DN, cá nhân kinh doanh qua internet lợi dụng, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

PHÚ THỌ - TRẦN YẾN

(còn nữa)