“Gian lận thuế không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ rất lâu. Không phải chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có. Xã hội phát triển thì muôn nẻo đường gian lận thuế cũng phát triển”-một chuyên gia tư vấn thuế đã khẳng định với chúng tôi như vậy.
Sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán
Trong vai người mua hàng gia dụng và mỹ phẩm, chúng tôi đi đến khá nhiều đại lý, cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... Hỏi mua hàng thì người bán đều đon đả mời chào, nhưng đến khi nghe đề nghị được xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì lại xuất hiện nhiều câu trả lời khác nhau. Có người nói: “Ở đây không có hóa đơn thuế”. Có người yêu cầu nếu lấy hóa đơn thì giá bán phải tăng thêm 10%. Có người đồng ý xuất hóa đơn nhưng giá mua ghi trong hóa đơn thì lại giảm nhiều so với số tiền phải trả. Ví dụ, người mua xe máy phải trả 21 triệu đồng cho người bán, nhưng trong hóa đơn thì ghi chỉ có 18 triệu đồng. Thậm chí có người bán hàng còn lẩm bẩm: “Lão này chắc bị hâm mới yêu cầu xuất hóa đơn bán hàng”…
 |
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội tại Giảng Võ, Hà Nội. Ảnh minh họa/TTXVN.
|
Để quản lý, hạch toán và đối phó với cơ quan thuế, các kiểu bán hàng không xuất hóa đơn thuế hoặc viết hóa đơn không đúng với giá bán, chủ của các cơ sở này phải sử dụng đồng thời hai hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế; hệ thống kế toán còn lại chỉ phản ánh một phần các giao dịch kinh tế để khai thuế. Đây chính là một kiểu hoạt động kinh tế ngầm mà môi trường thuận lợi của nó là nền kinh tế tiền mặt.
Rất khó có thể xác định được số thuế thất thu do hành vi trốn thuế này gây ra, vì nếu xác định được thì đã không xảy ra thất thu thuế. Cũng vì gian lận được thuế nên nhiều hộ kinh doanh cá thể, nhiều cửa hàng không muốn phát triển thành DN.
Thành lập "doanh nghiệp ma”, giao dịch bán hàng giả mạo
Công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Hoàng Quang Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển An Phát (Công ty An Phát) về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Công an TP Thanh Hóa xác định: Từ khi thành lập, Công ty An Phát không có kho tàng, bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động phục vụ cho việc kinh doanh. Bản thân Hùng vừa là giám đốc, vừa là kế toán, thông qua các mối quan hệ xã hội để tìm khách hàng và bán hóa đơn cho các công ty, DN trên địa bàn có nhu cầu mua hóa đơn để kê khai báo cáo thuế, để xuất hóa đơn GTGT không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo với giá dao động từ 6% đến 8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn. Từ khi thành lập "công ty ma" đến khi bị bắt, Hùng đã xuất bán tổng 193 hóa đơn GTGT cho 33 công ty và 7 cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá hàng hóa ghi trong hóa đơn gần 26,5 tỷ đồng, thu lời bất chính số tiền hơn 2 tỷ đồng, đồng thời gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước gần 3 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cho biết, với mặt hàng nông, lâm, thủy sản khi nhập khẩu để chế biến thì sẽ không phải chịu thuế GTGT. Nhưng nếu mặt hàng này lưu thông tiêu thụ trên thị trường nội địa thì phải nộp thuế 5%. Một số DN đã nhập khẩu mặt hàng này, nhưng sau đó không đưa vào chế biến mà lại bán trực tiếp ra thị trường, không xuất hóa đơn chứng từ nhằm mục đích trốn thuế. Với chiêu trò thành lập các "công ty ma", nhiều DN đã trốn được khoản thuế lên tới hàng chục tỷ đồng.
Chuyển giá, trốn thuế
Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có gần 50% số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Điều đáng nói là nhiều DN FDI kê khai thua lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất vì họ đã chuyển giá, trốn thuế. Thanh tra thuế đã phát hiện một số nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Bằng cách này đã giúp nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách và bất lợi cho DN trong nước.
Một hình thức chuyển giá khác được các DN FDI áp dụng là bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết với giá thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Đây là hành vi phổ biến nhất. Bởi với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các DN Việt Nam, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài.
Các tập đoàn, công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng SXKD và dịch vụ với các công ty của các nước với đơn giá gia công, sản xuất dịch vụ rất cao. Sau đó, các tập đoàn này giao lại cho các công ty con lập tại Việt Nam thực hiện sản xuất gia công dịch vụ và xuất thẳng cho các đơn vị mà công ty mẹ đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, tiền không thu được trực tiếp từ các công ty đã xuất hàng mà chỉ thu được theo đơn giá gia công, sản xuất dịch vụ do công ty mẹ quy định, đơn giá này rất thấp...
Còn nhiều hình thức gian lận thuế mà các DN hay áp dụng, như: Tạo giao dịch mua hàng giả mạo; hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định; gian lận thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu… Đặc biệt, tình trạng buôn lậu diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất thu thuế cho Nhà nước.
PHÚ THỌ - TRẦN YẾN
----------------------------------------
(còn nữa)