Khó khăn từ chính sách "hạn điền"

Thực tế, sau ba năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số vướng mắc về cơ chế, chính sách, cản trở quá trình tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Cụ thể, theo Điều 129, Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực ĐBSCL; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Trong khi đó, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm đối với hộ gia đình và cá nhân (thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, xử lý nợ) không quá 10 lần hạn mức giao đất (tức là 30ha và 20ha với hai khu vực kể trên)… Trong Luật Đất đai năm 2013, không có cụm từ “tích tụ ruộng đất” hoặc “mở rộng hạn điền”.

Với những quy định trên, dù nông dân sản xuất giỏi hoặc có tài quản lý ruộng đất cũng không thể có quyền sử dụng quá mức diện tích đất đai mà luật pháp đã quy định ở trên. Điều này vô tình dẫn đến việc “tích tụ chui” và nếu không khéo léo xử lý thì nguy cơ cho người đầu tư nông nghiệp rất cao, người nông dân vẫn mãi là một “người làm ruộng” quy mô nhỏ và khó trở thành một “doanh nhân nông nghiệp”.

leftcenterrightdel
Mô hình nuôi tôm sạch có diện tích 50ha của ông Võ Hồng Ngoãn, tỉnh Bạc Liêu.        

Được mệnh danh là “vua tôm” xứ sở “Công tử Bạc Liêu”, ông Võ Hồng Ngoãn có hơn 50ha đất chuyên canh tôm. Thế nhưng, số đất được ông đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại không quá 3ha. Phần đất còn lại đều nhờ anh em trong gia đình đứng tên hộ. Đây cũng là thực trạng chung cho những nông dân muốn làm giàu từ nông nghiệp. 

Thống kê từ một số địa phương cho thấy, tỷ lệ đất nhờ người thân đứng tên hộ chiếm khá cao. Tại tỉnh Kiên Giang, có hơn 19.572 hộ nhờ anh chị em đứng tên đăng ký quyền sử dụng đất nông nghiệp, chiếm 10,7% tổng số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp; An Giang có tổng số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong hạn mức là 326.699 hộ (đạt tỷ lệ 99,98%), ngoài ra, có 42 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vượt hạn mức nhận chuyển nhượng (tỷ lệ 0,02%)…

Bên cạnh rào cản về chính sách hạn điền, những quy định chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng là trở ngại không hề nhỏ cho tích tụ ruộng đất. Ông Chu Hồng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng: “Hiện mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp dụng chung như các bất động sản khác, còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp làm cho việc tích tụ đất đai diễn ra chậm”.

Xem xét ở một phạm vi khác, thời gian qua, tích tụ, tập trung đất ở ĐBSCL chủ yếu là liên kết sản xuất để xây dựng cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), nông dân thuê đất của nông dân, doanh nghiệp thuê đất của nông dân và quá trình thực hiện còn chậm.

Đơn cử như mô hình cánh đồng lớn. Dù là giải pháp quản trị để giải quyết tình trạng nông nghiệp manh mún mà không vi phạm sở hữu đất đai, tuy vậy, mô hình này vẫn còn hạn chế. Thống kê từ đại diện GIZ, tính đến nay, số doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn mới chỉ phủ được 3,5% diện tích đất lúa toàn vùng. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn lý giải: “Đối với hình thức tích tụ ruộng đất từ cánh đồng lớn, doanh nghiệp phải đầu tư lớn, khó quản lý liên kết. Còn đối với mô hình HTX thì thiếu đồng bộ trong triển khai luật, chính sách, thiếu vốn, trang thiết bị; mô hình nông dân thuê đất của nông dân thì khó đàm phán với nhiều hộ, rủi ro đòi lại đất trước hạn, chi phí đầu tư lớn, khó rút lao động dôi dư...”.

Ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với hàng chục nghìn hộ nông dân. Và giải pháp đặt ra là phải có đơn vị hay cá nhân nào đứng ra ký kết và HTX là pháp nhân đại diện. Nhưng cũng sẽ rất khó bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đủ để bảo đảm quyền tài sản của người dân đối với đất chứ chưa nói đến vấn đề hạn điền. Ngoài ra, cái khó thứ hai của HTX trong tích tụ ruộng đất chính là nguồn vốn. Chúng tôi không thể lấy đất đai của xã viên làm vật thế chấp mà nếu được thì ngân hàng cũng không đồng ý cho vay”.

Doanh nghiệp cũng “than” khó vì quy định đối tượng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân do đất đai hoàn toàn là sở hữu công, nông dân không có quyền chuyển đổi, bán. Giả sử về đất lúa thì hộ đó phải được công nhận là hộ nông dân. Do đó, hộ có điều kiện muốn đầu tư nhưng lại không có cách nào để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa vì không phải là nông dân.

Đến tâm lý "phòng ngự"

Con đường hướng tới tích tụ ruộng đất là khách quan và tất yếu. Tuy nhiên, con đường đó chắc chắn sẽ không bằng phẳng bởi những trở ngại về chính sách và do tư duy cũ từ những người nông dân. Mặc dù biết thu nhập từ nông nghiệp mang lại thấp, nhưng để thoát ra, tìm kiếm một ngành nghề khác hiệu quả hơn thì lại không dễ dàng. Bà Trần Thị Hiền, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Đem ruộng cho thuê rồi đi làm mướn cho doanh nghiệp, mà tôi hơn 50 tuổi rồi ai chịu thuê chứ. Thử tính toán, một công đất cho thuê một năm 9 triệu, chia cho 365 ngày thì mỗi ngày được khoảng 2.500 đồng, không đủ mua một ổ bánh mì. Cho thuê như vậy thì lấy gì mà sống”.

Tâm lý e ngại tích tụ đất đai của người dân còn xuất phát từ chính sách hỗ trợ đối với các hộ không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp chưa đủ mạnh. Vì thế, họ vẫn có xu hướng giữ ruộng làm vật “bảo hiểm”. Mặt khác, đất được coi là tài sản bảo đảm từ đời trước đến đời sau và họ muốn giữ lại cho con cháu, vì thế rất khó để tích tụ ruộng đất.

Bài và ảnh: NGUYỄN BÁ - THÚY AN