Hạn hán kéo dài hơn nửa năm nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân khu vực Nam Trung Bộ. Bên cạnh nỗ lực ứng phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, các địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng, đồng thời triển khai nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Quắt quay trong cơn khát dài
Giữa tháng 6-2020, khi mà nhiều vùng ở phía Nam đã xuất hiện những cơn mưa lớn kèm theo lũ nhỏ thì tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, trời vẫn nắng như đổ lửa, những cánh đồng mênh mông khô khốc, bạc phếch và dần trở nên hoang hóa. Tại khu vực hồ Phước Trung, xã Phước Trung (Bác Ái, Ninh Thuận), chúng tôi gặp 3 bố con anh Trần Thanh Tuấn đang lùa đàn cừu gầy rạc xuống giữa lòng hồ khô cạn để tìm những giọt nước cuối cùng sót lại. Cách đó không xa, vợ chồng chị Ka-tơ Thị Dung (dân tộc Ra Glai) ở thôn Đồng Dày buồn bã nhìn ra khu ruộng gần 2ha của gia đình vừa gieo vừng, đậu ván và cao lương nhưng không một cây nào sống nổi vì nắng hạn. “Đã 6 tháng nay không một giọt mưa, suối hồ, ruộng đồng khô nẻ. Đến nước uống cho người còn khó nói chi tới chuyện gieo trồng”, chị Nguyễn Thị Kim Tuyển, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phước Trung cho biết.
Nhiều tháng qua, xã Tân Phúc (Hàm Tân, Bình Thuận) không có mưa. Khu vực này có nhiều vườn bạch đàn trồng hơn 3 năm đã khô héo do nắng hạn kéo dài; người dân cố tìm mọi nguồn nước để tưới nhưng đều bất lực. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng thôn 5, khô hạn kéo dài làm gần 40% diện tích hoa màu, cây công nghiệp trong thôn bị thiệt hại 80% diện tích trở lên; 90% giếng đào, giếng khoan trong thôn khô cạn, có nơi khoan đến 150m vẫn không có nước.
Năm 2015 được coi là đỉnh điểm của hạn hán tại các tỉnh Nam Trung Bộ trong vài chục năm trở lại đây nhưng mức độ hạn trong mùa khô 2019-2020 còn khốc liệt hơn nhiều. Ở tỉnh Ninh Thuận, dung tích tại 21 hồ, đập chỉ còn 12% so với thiết kế, trong đó 9 hồ xấp xỉ mực nước chết, 11 hồ dưới mực nước chết, 1 hồ hết nước. 17 hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ còn khoảng 6% lượng nước so với dung tích thiết kế; 3 hồ gồm: Trà Tân, Tà Mon và Sông Dinh 3 đã cạn trơ đáy. Tại Khánh Hòa, các hồ chứa cũng chỉ còn 25% lượng nước so với dung tích thiết kế… Đặc biệt, từ tháng 3 đến tháng 5-2020, một số vùng tại các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận); Ninh Sơn, Bác Ái (Ninh Thuận) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, phải chở nước từ vùng khác tới tiếp tế… Các đơn vị quân đội và lực lượng dân quân tự vệ đã chuyên chở hàng trăm xe nước sạch với hơn 10.000m3 hỗ trợ người dân có nước sinh hoạt.
Do ảnh hưởng của hạn hán, khoảng 26.650ha diện tích phải dừng sản xuất hoặc phải chuyển đổi cơ cấu vụ đông xuân 2019-2020 ở khu vực Nam Trung Bộ. Vụ hè thu năm nay, diện tích đất nông nghiệp phải dừng sản xuất do thiếu nước tại Ninh Thuận là 15.360ha, Khánh Hòa khoảng 14.480ha, Bình Thuận hơn 13.900ha. Hạn hán sẽ làm nguy cơ thiếu đói kỳ giáp hạt của một bộ phận người dân rất cao, nhất là tại một số khu vực đã dừng sản xuất 3-4 vụ liên tục thuộc các huyện: Thuận Nam, Bác Ái (Ninh Thuận), Bắc Bình, Hàm Tân (Bình Thuận).
 |
Hồ Phước Trung tại xã Phước Trung (Bác Ái, Ninh Thuận) đã cạn kiệt. Ảnh: Đình Duy
|
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Hạn hán kéo dài và liên tục “lập đỉnh mới” trong vài năm trở lại đây khiến mùa vụ cũng như cơ cấu vật nuôi, cây trồng tại Nam Trung Bộ cần phải thay đổi để thích nghi. Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, khẳng định: “Bên cạnh dịch chuyển mùa vụ chậm khoảng nửa tháng so với thường lệ thì chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng vừa là giải pháp, vừa là yêu cầu cấp bách nhằm sống chung, lâu dài với khô hạn”.
Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hạn hán tại Ninh Thuận, từ năm 2016 đến nay, huyện Bác Ái đã chuyển đổi 1.300ha, trong đó có 234ha lúa sang các loại cây trồng cạn, gồm: Đậu, lạc, cao lương, ngô, sắn; 1.066ha các loại cây hoa màu sang trồng cỏ và cây ăn quả. Có mặt tại xã Phước Bình, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy những vườn bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm xanh mướt, trĩu quả giữa vùng nắng cháy. Ông Phạm Hùng Bảo Châu, Chủ tịch UBND xã Phước Bình, cho biết: “Trước đây, người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề trồng bắp, chuối, điều. Từ năm 2015 đến nay, nhờ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững của Chính phủ, bà con mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây ăn trái với tổng diện tích 290ha, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Anh Ka-tơ Thiên ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, có 3ha đất chủ yếu trồng lúa, do hạn hán ngày càng nặng nề nên anh quyết định chuyển sang trồng ngô, mè (vừng), cao lương. Đặc biệt, anh đã chuyển hơn hai sào lúa sang trồng cỏ làm thức ăn cho cừu và bò, nhờ vậy có thu nhập và đỡ phần khó khăn.
Tính đến hết tháng 5-2020, tỉnh Ninh Thuận đã chuyển đổi được gần 7.000ha, trong đó chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây dài ngày được 2.000ha; tỉnh Bình Thuận chuyển đổi hơn 5.480ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng ngắn ngày hiệu quả hơn, như: Ngô, sắn, dưa hấu, vừng; tỉnh Khánh Hòa chuyển đổi 8.231ha, trong đó giai đoạn 2019-2020 là 5.364ha...
Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không chỉ là yêu cầu khách quan nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị. Trên thực tế, so với các loại cây trồng truyền thống như cây lúa thì các loại cây hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp... nhu cầu sử dụng nước, chi phí phân bón, nhân công chăm sóc thấp hơn, hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Đơn cử như trồng táo hiệu quả kinh tế gấp 4,7 lần, thanh long gấp 7 lần, măng tây xanh gấp 15 lần so với trồng lúa.
Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi đã trở thành nhiệm vụ chính trị, là chiến lược quan trọng của các địa phương Nam Trung Bộ trong phát triển kinh tế-xã hội. Chuyển đổi ở đây không chỉ dừng lại ở định lượng về diện tích mà phải gắn liền với chuyển đổi phương thức sản xuất từ lạc hậu lên hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị, tăng cường liên kết. Năm 2015, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; HĐND tỉnh Khánh Hòa ban hành Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Năm 2018, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1584/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến năm 2020… Đó là những cơ sở cho quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trở nên đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu vật nuôi, cây trồng tại Nam Trung Bộ vẫn còn không ít khó khăn. Tại nhiều địa phương, tốc độ chuyển đổi chưa đạt kế hoạch đã đề ra; số lượng chưa đi cùng chất lượng; thói quen canh tác của một bộ phận người dân khó thay đổi, nguồn vốn, kỹ thuật, nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi còn nhiều hạn chế.
(còn nữa)
Nhóm phóng viên Cơ quan đại diện phía Nam