Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh ven biển có số lượng tàu cá lớn nhất cả nước. Đây cũng là địa phương xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Mặc dù gần đây, số vụ việc đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Với quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Bà Rịa-Vũng Tàu đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng vi phạm IUU.
Xác định rõ nguyên nhân
Bà Rịa-Vũng Tàu là thủ phủ đánh bắt thủy, hải sản của vùng Đông Nam Bộ với khoảng 5.500 phương tiện nghề cá, trong đó 50% tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ với sản lượng hơn 315.000 tấn/năm. Số lượng tàu khai thác vùng khơi có hơn 2.800 chiếc, vùng lộng khoảng 800 chiếc, số còn lại là tàu khai thác ven bờ. Việc vi phạm IUU thường xảy ra ở những tàu đánh bắt cá vùng khơi.
 |
Ngư dân TP Vũng Tàu chuẩn bị phương tiện trước khi ra khơi. Ảnh: YẾN LONG |
Theo bà Phạm Thị Na, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, so với những năm trước đây, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài giảm đáng kể, nhưng vẫn còn xảy ra. Năm 2021 và quý I-2022, có 5 vụ/8 tàu cá/92 ngư dân trên địa bàn tỉnh bị lực lượng chức năng Indonesia và Malaysia bắt giữ do đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Về nguyên nhân dẫn đến vi phạm, theo khảo sát của địa phương, phần lớn do ngư dân hiểu biết pháp luật còn hạn chế và áp lực về lợi ích kinh tế, mưu sinh; một số trường hợp do sơ ý hoặc do lợi ích trước mắt đã cố tình vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó là tình trạng chủ tàu thuê thuyền trưởng điều khiển và giao tự tổ chức đánh bắt nên một số trường hợp cố tình qua mặt chủ tàu khai thác thủy sản bất hợp pháp để tăng sản lượng. Theo đồng chí Ngô Đăng Hoài, Bí thư Đảng ủy Chi đội Kiểm ngư số 2, các tàu cá thường tập trung thành từng nhóm, tháo thiết bị giám sát hành trình (VMS), hệ thống nhận dạng tự động (AIS) để lắp sang một tàu khác hoạt động trong khu vực của ta nhằm che mắt các lực lượng chức năng rồi tự ý xâm phạm, đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài. Đây chính là lý do EC tiếp tục cảnh báo không gỡ “thẻ vàng” đối với nguồn gốc hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc lập danh sách tàu cá vi phạm nguy cơ cao, giấy xác nhận ghi chép số liệu ra vào cảng có lúc chưa chặt chẽ; công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, sản lượng qua cảng để chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác có thời điểm còn buông lỏng, chưa bảo đảm độ tin cậy, thiếu thống nhất giữa các lực lượng; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe...
Những nguyên nhân này ảnh hưởng tới kết quả chống tàu cá vi phạm IUU trên địa bàn.
 |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có số lượng lớn tàu cá tham gia đánh bắt hải sản. Ảnh: YẾN LONG |
Phối hợp ngăn chặn, xử lý nghiêm sai phạm
Mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm 2022 đòi hỏi Bộ NN&PTNT cùng 28 tỉnh, thành phố ven biển phải thực hiện quyết liệt các biện pháp chống đánh bắt hải sản trong vùng biển nước ngoài.
Để thực hiện mục tiêu đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch yêu cầu các ban, ngành, địa phương phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cả trước mắt và lâu dài; phát huy vai trò của bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân triển khai đồng bộ các biện pháp hữu hiệu, cứng rắn để chủ động ngăn chặn vi phạm IUU.
Một trong những biện pháp được đẩy mạnh thực hiện là phối hợp các lực lượng rà soát, kiểm tra phương tiện ra khơi, xử lý nghiêm những sai phạm, nhất là các trường hợp cố ý.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: "Từ đầu năm đến nay, chi cục tích cực phối hợp với các địa phương rà soát danh sách từng trường hợp tàu cá còn hoạt động, yêu cầu lắp đặt ngay thiết bị giám sát hành trình. Những tàu không còn hoạt động thì xóa khỏi danh sách; những tàu tạm ngưng hoạt động phải báo cáo lý do chưa lắp đặt để chi cục có biện pháp xử lý theo quy định".
Chung tay cùng chính quyền địa phương, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực phối hợp quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm bắt địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những tàu cá xâm phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Trong đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT tiếp tục lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện hoạt động ra vào trên các cửa sông, cửa biển; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát biên phòng, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các tàu cá, ngư dân có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; không cho rời cảng nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ; xử phạt nghiêm các trường hợp tự ý ngắt kết nối giám sát hành trình, không thực hiện kẹp chì, chuyển đổi thiết bị giữa các tàu, giả mạo đối với thiết bị được lắp đặt. Đồng thời, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Bộ CHQS và chính quyền địa phương thực hiện Chương trình “Ăn sáng cùng ngư dân” để tuyên truyền, nắm bắt tình hình chấp hành quy định trên biển. Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân duy trì hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”.
Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tổ chức đều đặn Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, vừa tặng quà, hỗ trợ bà con, vừa kết hợp tuyên truyền chống vi phạm IUU...
Đi cùng cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 28 (Bộ đội Biên phòng) đến các tàu cá để tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đánh bắt hải sản, chúng tôi chứng kiến các thành viên trong tổ tận tình, tỉ mỉ hướng dẫn, giải thích cặn kẽ cho các thuyền viên về những điều khoản liên quan đến đánh bắt hải sản; trách nhiệm của ngư dân trong việc chung sức gỡ “thẻ vàng” EC.
Ông Trần Nhật Văn, ngư dân ở TP Vũng Tàu bày tỏ: “Được chính quyền, đoàn thể địa phương và các đơn vị bộ đội tuyên truyền, hướng dẫn, chúng tôi hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế liên quan đến đánh bắt hải sản. Từ đó, chúng tôi bảo ban nhau tuân thủ pháp luật để thiết thực góp phần cùng các ngành chức năng nỗ lực gỡ thẻ phạt của EC đối với thủy sản Việt Nam trong thời gian tới”.
Bài và ảnh: YẾN LONG