Đại tá, Anh hùng La Văn Cầu rất vui và tự hào khi từ năm 1952 đến cuối năm 2015, ông vinh dự là đại biểu đi dự cả 9 lần Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất với ông là những lần được gặp Bác; đặc biệt đầu năm 1955, La Văn Cầu và mẹ cùng được gặp Bác Hồ kính yêu.

Hơn 65 năm đã qua nhưng ông vẫn nhớ như in và kể lại tường tận: “Trong trận Đông Khê tháng 9-1950, mở màn Chiến dịch Biên Giới, khi chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào, lô cốt địch, tôi bị thương ở mặt, còn tay phải gãy nát. Không chút chần chừ, tôi nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị gãy cho khỏi vướng, rồi tiếp tục ôm bộc phá áp sát lô cốt địch, giật liền cả hai nụ xòe. Sau tiếng nổ lớn, tôi ngất đi; các đồng chí khác tiếp tục ôm bộc phá lao lên đánh các lô cốt tiếp theo. Trận Đông Khê giành thắng lợi hoàn toàn, nhưng nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh”-kể đến đây, giọng ông trầm hẳn xuống, rưng rưng xúc động.

Anh hùng La Văn Cầu và mẹ tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội trong lần được về gặp Bác Hồ, đầu năm. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Tổng kết Chiến dịch Biên Giới, chiến sĩ La Văn Cầu (thuộc Trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng) được Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương: “Anh La Văn Cầu là lá cờ đầu phong trào thi đua giết giặc lập công”. Tháng 5-1952, La Văn Cầu cùng 6 đồng chí khác được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động đợt đầu tiên và được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ I.

Ngày cuối năm, trong ngôi nhà nhỏ ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, TP Hà Nội, Anh hùng La Văn Cầu xúc động ôn lại kỷ niệm lần đầu được gặp Bác Hồ tại ATK Tân Trào, Tuyên Quang; được ăn cơm cùng Người và các đồng chí Trung ương. Ông kể: Tháng 5-1951, với thành tích trong Chiến dịch Biên Giới, cấp trên thông báo tôi được về gặp, báo cáo thành tích với Bác Hồ. Cùng đồng chí liên lạc đi bộ hai ngày từ thị xã Lạng Sơn, xế chiều, chúng tôi đến ATK Tân Trào. Đồng chí liên lạc vào báo cáo, lát sau, Bác cho mời tôi vào. Trước khi đi, chỉ huy trung đoàn giao nhiệm vụ cho tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ chúc sức khỏe Bác, nhưng được gặp Bác, tôi xúc động quá, chưa kịp nói gì thì Bác đã ân cần thăm hỏi, động viên:

- Cháu Cầu từ Lạng Sơn về đây, đường sá xa xôi, năm trước cháu lại bị thương nặng, mất máu nhiều, chắc là mệt. Giờ cháu đi nghỉ, tối ăn cơm cùng Bác.

Tối hôm đó, chiến sĩ La Văn Cầu được dùng bữa tối cùng Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Đến giờ ông vẫn nhớ như in, trước khi ăn, Bác vui vẻ giới thiệu:

- “Thực đơn” hôm nay có thịt gà do Bác tự nuôi, rau Bác tự trồng, mắm muối thì nhờ các cô chú cấp dưỡng mua. Cháu Cầu ăn tự nhiên, không ăn hết khẩu phần là lãng phí đấy!

La Văn Cầu cố tranh thủ khoảng thời gian ngắn trong bữa cơm để được ngắm nhìn Bác. Bỗng Người nở nụ cười hiền hậu, hỏi:

- Cháu Cầu hôm nay ăn cơm với Bác và các đồng chí Trung ương có ngon không?

Dù chưa nói thạo tiếng Kinh, nhưng La Văn Cầu thoáng nghĩ nhanh rồi trả lời:

- Thưa Bác, cháu ăn cơm ở đơn vị cũng ngon, nhưng hôm nay được ăn cơm cùng Bác và các đồng chí Trung ương, cháu thấy ngon hơn ạ!

Bác hướng sang đồng chí Trường Chinh và có lời khen:

- Cháu Cầu trông hiền thế kia mà trả lời “chính trị” đáo để!

Sau bữa cơm tối hôm đó, chiến sĩ La Văn Cầu báo cáo thành tích với Bác Hồ và các đồng chí Trung ương. Khi biết bà Lục Thị Quý chỉ có một con trai duy nhất là La Văn Cầu, nhưng vẫn động viên con đi chiến đấu, Bác rất xúc động. Người nói, đại ý: Nhiều bà mẹ có đông con, đã động viên các con lần lượt đi đánh giặc. Bà mẹ Lục Thị Quý, thân sinh của cháu Cầu, chỉ có một con trai duy nhất, cũng động viên con đi chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh. Vậy thì cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta nhất định thắng lợi! 

Một niềm vui lớn đối với Anh hùng La Văn Cầu: Đầu năm 1955, Chính phủ và Bác Hồ mời các gia đình tiêu biểu có công với cách mạng về gặp mặt tại thủ đô Hà Nội. Anh hùng La Văn Cầu và mẹ cùng được về gặp Bác, được ăn cơm cùng Bác và các đồng chí Trung ương. La Văn Cầu và mẹ gặp nhau tại Sân bay Gia Lâm, khi các đoàn đại biểu tới đây tham quan. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau trong niềm vui, hạnh phúc dâng trào.

ANH QUÂN