Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 được NATO định danh là Blackjack, còn giới quân sự phương Tây mệnh danh là "chiếc dùi cui". Trong khi đó, Tu-160 được các phi công Nga gọi là "Thiên nga trắng" do có lớp sơn màu trắng và thiết kế độc đáo, được chế tạo tại Liên Xô trong thời kỳ "chiến tranh Lạnh" để đối chọi với máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-2 "Spirit" của Mỹ. Tuy nhiên, Tu-160 có mặt đã vượt qua đối thủ của nó.

Chuyến bay đầu tiên của Tu-160 diễn ra ngày 18-12-1981, sau đó được biên chế cho Không quân Xô-viết vào năm 1987. Tu-160 được coi là chiếc máy bay ném bom chiến lược nhanh nhất thế kỷ 21, mang tên lửa xa nhất thế giới, đã trở thành niềm tự hào của Không quân Liên Xô và sau này là Nga. Theo tờ The National Interest, nếu như B-2 dựa trên cơ sở tàng hình, thì lợi thế của Tu-160 là sự kết hợp của tốc độ và tên lửa hành trình tầm xa. Tu-160 có thể đạt tốc độ tối đa 2.200km/h, có khả năng nhanh chóng xuất phát và sử dụng tên lửa hành trình trước khi đối phương kịp phản ứng. Tu-160 cũng có thời gian bay liên tục 15 giờ (không cần tiếp dầu). Nếu được tiếp liệu trên không, nó có thể đạt tới tầm bay là 20.000km. “Nếu B-2 được thiết kế để thâm nhập càng sâu càng tốt vào không phận của đối phương, thì "Thiên nga trắng" là máy bay mang tên lửa, hoạt động bên ngoài tầm kiểm soát của phòng không đối phương”, tờ báo viết.

 “Thiên nga trắng” Tu-160. Ảnh: Sputnik 

Giống như Tu-95MS, Tu-160 cũng được thiết kế để tiêu diệt và phá hủy những mục tiêu quan trọng bằng vũ khí thông thường hoặc hạt nhân từ cự ly xa. Sức mạnh của Tu-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ có thể mang tới 12 tên lửa hành trình chiến lược, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân như Kh-555 hay Kh-101/Kh-102, cùng với các loại bom hạt nhân, bom thông thường…, với tổng trọng lượng tối đa 40 tấn. Tuy nhiên, việc sở hữu hệ thống điện tử mới càng làm tăng ưu thế của Tu-160 trên bầu trời, giúp chiến đấu cơ này “vượt mặt” mẫu máy bay ném bom B1 Lancer của Mỹ.  “Trong quá trình hoạt động quân sự ở Xy-ri gần đây, máy bay Tu-160 đã sử dụng tên lửa hành trình mới nhất X-101, trước đó chưa bao giờ được sử dụng trong chiến đấu. Sự ra đời của loại vũ khí này làm cho Tu-160 trở thành đối thủ đặc biệt lợi hại”, Roi-tơ cho hay.

Nhận định về Tu-160, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Y-u-ri Bô-ri-xốp (Yuri Borisov) chỉ tóm gọn trong hai từ “tuyệt vời”. Ông nói thêm: “Đối với Tu-160, nó có những tính năng kỷ lục, bởi vậy có lẽ nó sẽ có vận mệnh rất vững chắc và lâu dài. Tôi cho rằng, chúng ta đang hiện đại hóa Tu-160 không chỉ để giải quyết vấn đề trong vòng 5-7 năm tới, bởi vì nếu chúng ta khôi phục sản xuất chiến đấu cơ này, vòng đời của nó sẽ được kéo dài ít nhất 40 năm nữa”.

Hiện không quân Nga còn sở hữu ít nhất 15 chiếc máy bay ném bom loại này. Trong kế hoạch cải tạo, hiện đại hóa các máy bay ném bom chiến lược này lên chuẩn Tu-160M2, Thứ trưởng Y-u-ri Bô-ri-xốp mới đây cho hay, ngay từ bây giờ, mẫu cải tiến của Tu-160 đã được đánh giá rất cao với hàng loạt tính năng tiên tiến sau nâng cấp. Các thiết bị tiên tiến trang bị trên Tu-160M2 hứa hẹn sẽ nâng khả năng tác chiến hiệu quả của dòng máy bay này lên hơn 2 lần so với phiên bản cũ. Cũng theo ông Bô-ri-xốp, quá trình sản xuất các máy bay ném bom Tu-160M2 sẽ bắt đầu vào năm 2023. Khi đó, nhờ hệ thống động cơ NK-32 nâng cấp mạnh mẽ hơn, phạm vi hành trình của Tu-160M2 sẽ tăng hơn ít nhất 1.000km so với phiên bản cũ.

PHƯƠNG LINH