Vế đối kia rồi
Cụ Tam nguyên Yên Đổ xưa, có vế thách:
Lấy đố cổng chống vào cống đổ
Chả là sau trận bão lụt, cái cống ở làng cụ có nguy cơ bị trôi. Người ta tháo cái đố lim ở cổng làng đã bị sập để chống vào cống ấy. Vế thách bắt nguồn từ việc làm thật: Đố cổng-cống đổ. Câu này cũng không ai đối được.
Một năm sau, nhân đi chơi với mấy học trò, cụ Tam nguyên nhìn ra bờ sông, thấy một người ngồi trên cầu lửng (cầu môi)* ném mồi câu cá, cụ “ồ” lên một tiếng, rồi nói với các trò: “Vế đối kia rồi”. Mọi người còn đang ngơ ngác, cụ đọc ngay:
Đem mồi câu ném xuống cầu môi.
Thế mới biết: Văn chương, chữ nghĩa đến như cụ Tam nguyên vẫn cần phải có vốn sống thực tế, mới có thể sáng tác được.
(*) Cầu bắc có một đoạn từ bờ với ra mặt nước, giống như cầu ao.
Vợ thách chồng đối
Ở TP Thái Bình có đôi vợ chồng Trọng Khuê–Bích Ngọc (chồng là nhà biên kịch, vợ làm thơ, câu đối). Lần ấy (1996), chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu bộ đàn đá nổi tiếng mà Bích Ngọc thì lại yêu văn nghệ, cô đang đắm mình trong những âm thanh mang đậm âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên thì Trọng Khuê gọi, nhờ đi mua thuốc lào. Bích Ngọc nghĩ kế “hoãn binh” bảo Trọng Khuê:
- Anh đối được câu này, em đi ngay!-Rồi cô đọc:
Bê đàn đá, lấy đà đánh
Trọng Khuê khi ấy tay cầm siêu nước chè đang rót “chổng ngược” vào chén, miệng đọc luôn:
Dốc đáy siêu, chờ điếu say*
Lời đối của Trọng Khuê vừa hợp với văn cảnh khi đó, lại hay hơn câu thách đối của Bích Ngọc, cô liền đạp xe ra tận chợ Bo, mua ngay thuốc lào ngon cho chồng.
(*)Tiếng địa phương chỉ ấm pha trà
NGUYỄN VĂN CỰ