Có dịp gặp gỡ và trò chuyện với ông Trịnh Cao Sơn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Na-khon Pha-nom (Thái Lan), chúng tôi hiểu và cảm nhận được tình cảm đặc biệt của kiều bào Thái Lan đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Trịnh Cao Sơn, cách đây gần 105 năm, vào ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành-Văn Ba đã theo tàu Đô đốc Latouche-Tréville rời bến Nhà Rồng sang Pháp, mở đầu hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước. Suốt cuộc hành trình 30 năm, Nguyễn Tất Thành-Văn Ba, sau này là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, đã vượt qua 3 đại dương, 4 châu lục, đến gần 30 quốc gia trên thế giới.
Ông Sơn kể lại: “Từ tháng 7-1928 đến cuối năm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động tại nhiều nơi ở Thái Lan. Người đã đến Băng Cốc, đi Bản Đông, tỉnh Phi-chít, đi các vùng Đông Bắc Thái Lan như: U-đon Tha-ni, Xà Vàng, Sa-kon Na-khon, Na-khon Pha-nom, Nong Khai… Với tên gọi Thầu Chín, Người nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống với kiều bào, thức tỉnh, đoàn kết bà con, đồng thời xây dựng tổ chức, cơ sở trong kiều bào. Người đã mở các lớp tập huấn, dịch sách lý luận, làm tài liệu tuyên truyền và huấn luyện, chỉ đạo mở trường dạy học cho con em Việt kiều. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông Thầu Chín vẫn sống và sinh hoạt như mọi người, cùng đào giếng, dựng nhà, trồng lúa, đắp đường, làm gạch và rất nhiệt tình trong việc học tiếng Thái, dạy trẻ em chữ Việt. Trong các buổi tiếp xúc với đồng bào ở đây, ông Thầu Chín đã khéo léo nhắc nhở con dân mang trong mình dòng máu Việt phải luôn tự hào với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông, yêu thương đùm bọc lẫn nhau và hướng về cội nguồn dân tộc…
Ông Trịnh Cao Sơn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Na-khon Pha-nom (Thái Lan).
Cũng chính những lời dạy, cách sống giản dị của Bác giúp kiều bào tại Thái Lan thêm đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác (19-5 hằng năm), bà con cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về Bác, mà theo lời ông Sơn nói, đó cũng chính là cách để mọi người không quên cội nguồn dân tộc, là để “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.
Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Na-khon Pha-nom cho biết thêm, để nhớ ơn và tôn vinh Người, bà con và nhân dân ở Bản Đông, tỉnh Phi-chít (Thái Lan) đã vận động chính quyền cho phép xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả, ngày 12-12-2014, chính quyền, nhân dân địa phương và đông đảo kiều bào đại diện cho Tổng hội, Hội người Việt Nam tại các tỉnh đã long trọng khánh thành Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Bản Đông trên diện tích 5.500m2 do chính quyền địa phương cấp. Sau đó, tỉnh Phi-chít đã quyết định ủng hộ, cấp kinh phí 14 triệu bạt Thái (tương đương 8,75 tỷ đồng) để tiếp tục xây Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Di tích. Ở các tỉnh như Na-khon Pha-nom hay U-đon Tha-ni, nơi nào cũng có những di tích ghi lại dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống và hoạt động ở đây.
Không chỉ nhớ đến Bác, bà con kiều bào ở Thái Lan còn nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Na-khon Pha-nom, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. “Để hiểu được phong tục tập quán của quê hương, hiểu được tác phong, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì trước hết phải học, phải hiểu tiếng Việt. Thế hệ trẻ sau này học trong trường Thái nên bị hạn chế về tiếng Việt. Đó là vấn đề đáng lo của Hội người Việt Nam tại Thái. Do đó, chúng tôi đang cố gắng đưa môn tiếng Việt vào các trường học của Thái Lan. Ngoài ra, hội sẽ cố gắng tổ chức đào tạo Tiếng Việt ngắn ngày cho các cháu để làm cơ sở giảng dạy về tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Sơn chia sẻ.
Bài và ảnh: LINH OANH