Hội nghị thành lập Đảng năm 1930: Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng diễn ra vào đầu năm 1930, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Sau này, Đảng ta lấy ngày 3-2-1930 - một ngày trong thời gian diễn ra Hội nghị hợp nhất là ngày thành lập Đảng. Đây là một bước ngoặt hết sức quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng: Được tổ chức từ ngày 27 đến 31-3-1935 tại Ma Cao, Trung Quốc. Dự đại hội có 13 đại biểu đại diện cho các tổ chức Đảng trong nước và ngoài nước. Đại hội thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết về công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, về công tác mặt trận phản đế, đội tự vệ, cứu tế đỏ…
Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng: Diễn ra từ ngày 11 đến 19-2-1951, tại Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đây là Đại hội Đảng được tổ chức lần đầu tiên ở trong nước trong điều kiện mới. Về dự đại hội có 158 đại biểu chính thức. Do yêu cầu của cuộc kháng chiến, giai cấp công nhân và nhân dân mỗi nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia cần có một đảng lãnh đạo. Ở Việt Nam, Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên mới là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Việc đề ra cương lĩnh và đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành những thắng lợi ngày càng to lớn hơn.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng: Đại hội diễn ra từ ngày 27 đến 31-3-1982. Tham dự đại hội có 1.033 đại biểu thay mặt cho hơn 1,7 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội đã thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng.
Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng: Diễn ra từ ngày 12 đến 19-1-2011, tại Hà Nội, khi đất nước ta đã trải qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng: Diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016, có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là nhìn lại, đánh giá thành tựu 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và những năm tiếp theo; tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.
Nhìn lại một số kỳ Đại hội của Đảng diễn ra vào mùa Xuân, có thể thấy đó là những sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc. Hội nghị thành lập Đảng (1930) đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức trong mấy thập niên đầu của thế kỷ 20. Đại hội đại biểu lần thứ II (1951) của Đảng, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo thêm sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011) của Đảng diễn ra khi nước ta trải qua 25 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng; khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Thực tế 86 năm qua đã khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng, chúng ta càng thêm tin tưởng, Đảng ta sẽ tiếp tục vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, lãnh đạo toàn dân phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
NGUYỄN VĂN BIỂU