Chưa rõ câu thành ngữ “Thăng Long phi chiến địa" ra đời tự bao giờ khiến nhiều người đinh ninh đó là một nét đặc trưng của lịch sử Thủ đô chúng ta. Hơn nữa, Hà Nội đã được UNESCO tôn vinh là “Thành phố vì hòa bình”. Và mỗi khi giới thiệu về Hà Nội, câu chuyện “trả gươm” của Vua Lê mà chứng tích vẫn hiển hiện qua bóng dáng “Cụ Rùa” khi nổi khi chìm trong bóng nước Hồ Gươm vẫn luôn là câu chuyện đặc sắc nhất. Rồi đọc sử, ai cũng biết đến 3 lần quân Nguyên- Mông đánh chiếm nước ta là cả ba lần Vua Trần bỏ ngỏ thành Thăng Long... về quê, hội quân chờ cơ phá tan thế giặc. Đến cuộc kháng chiến chống giặc Minh đô hộ thì kế sách “tâm công” của các bậc Anh hùng Lê Lợi và Nguyễn Trãi giúp quân ta sau một thời gian vây hãm và "địch vận" đã giải phóng Thăng Long không có cảnh máu chảy đầu rơi mà hai bên đánh nhau lại lập “hội thề” nguyện đôi bên chấm dứt binh đao muôn đời hòa hiếu, rồi cấp thuyền, cấp ngựa, cấp lương cho kẻ xâm lược hồi hương...
Nhưng có điều chắc chắn, trong ngót hai thế kỷ từ cuối thế kỷ 18 bắc cầu qua thế kỷ 20, Thăng Long-Hà Nội đã cho thấy không còn là phi chiến địa nữa. Trận quyết chiến chiến lược khởi nổ từ Chiến thắng Ngọc Hồi cho đến Đống Đa vào mùa Xuân Kỷ Dậu (1789) đã kết thúc trận thần tốc đại phá quân Thanh, để lại một hình ảnh hùng tráng đầy thi vị: Anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ khoác áo vải, dưới cờ đào còn vương mùi thuốc súng, cưỡi trên lưng voi, cùng đại quân Tây Sơn tiến vào giải phóng Thăng Long.
Rồi những trận đánh dữ dội với sức mạnh của hỏa khí Tây phương, nay còn lưu dấu trên mặt thành Cửa Bắc khiến Hà Nội hai lần thất thủ và hai vị tổng đốc đều hy sinh lẫm liệt cách nhau không đầy một thập kỷ. Và một trận chiến dữ dội kéo dài tới 60 ngày đêm (1946-1947) giành giật từng con đường, góc phố của Thủ đô giữa những kẻ chiếm đóng không chịu buông bỏ thuộc địa với những con người mới trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập mang tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Và trận chiến cách nay mới hơn bốn thập kỷ (1972). Đó là một kỳ tích mà chỉ có cách định danh, bằng sự so sánh "Điện Biên Phủ trên không" mới nói được hết tầm mức của sự kiện. Nếu "Chín năm làm một Điện Biên" trên chiến trường Tây Bắc với bao nhiêu hy sinh xương máu để giành toàn thắng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khiến ngày tiếp quản Thủ đô (1954) là ngày khải hoàn không tiếng súng; thì cũng gần bằng một thời gian tương tự, cuộc đương đầu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không" với kỳ tích mà cho đến nay chưa một lần lặp lại ở bất kỳ đâu ngoài Việt Nam, đó là cảnh những chiếc máy bay chiến lược B-52 bị bắn hạ. Điều đó đúng với lời tiên đoán của Bác Hồ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ có trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội. Chính "Điện Biên Phủ trên không" đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri (1973) chấm dứt sự có mặt tại chiến trường Việt Nam, tạo tiền đề hoàn thành sứ mệnh lịch sử thống nhất quốc gia.
Nhưng chiến tranh cũng sẽ qua đi. So với bề dài của lịch sử, chiến tranh chỉ là khoảnh khắc. Có lẽ vì thế mà dấu tích của chiến tranh dễ bị phai lạt cùng thời gian và trong tâm thức con người? Hay đó lại là một nét riêng của Thủ đô chúng ta càng trải qua nhiều thử thách của chiến tranh lại càng mong muốn nói lên khát vọng hòa bình?
Cả cuộc kháng chiến chống quân Tống của triều Lý nay chỉ còn để lại bài thơ "thần” vang trên mặt sông Như Nguyệt "Nam quốc sơn hà Nam đế cư...". Cả 3 lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông, ngoài vài áng văn chương tựa "Đoạt sáo Chương Dương độ..." thì may mắn còn dấu tích một bãi cọc Bạch Đằng từng 3 lần chồng chất chiến công từ Ngô Quyền chống quân Nam Hán, Lê Đại Hành chống quân Tống và Trần Hưng Đạo nhấn chìm giặc Nguyên-Mông. Cả một chiến dịch thần tốc của Quang Trung nay chỉ còn lại một gò đất tương truyền là mồ chôn xác giặc và một ngôi đền "ngoại giao" để giữ mối hòa hiếu với phương Bắc sau khi đánh tan một cuộc chiến tranh xâm lược. Bước vào các bảo tàng ở nước ta dễ cảm thấy những khoảng trống lớn không hiện vật, dường như không tương xứng với tầm vóc vẻ vang được ghi trong sử sách và ký ức nhân dân.
Với một chiến tích hoành tráng cách đây hơn 40 năm (1972), cho tới nay "không nơi nào có được" vì chưa đâu trên thế giới này hạ nổi một chiếc B-52, đã thấy lo là liệu còn giữ được bao nhiêu và bao lâu nữa những hiện vật liên quan?
Đội ngũ những người duy nhất trên thế giới hạ gục B-52 bằng máy bay hay tên lửa sẽ thưa dần mà ký ức của họ chưa phải đã được khai thác hết. Chắc chắn, một ngày không xa, chỉ dăm ba thế hệ nữa không chừng lại giống như trận đánh thần tốc của thời Tây Sơn cũng chỉ còn lại một cái gò và những địa danh liên quan đến những điều được viết trong sử sách? Ấy vậy mà chưa chắc đã bằng. Vì Tây Sơn còn có ngày Giỗ trận vào mỗi mồng 5 Tết. Ít ai biết rằng, lễ hội này vốn là ngày giỗ những kẻ xâm lăng kể từ khi nước nhà độc lập (Xuân Bính Tuất 1946) mới được chế độ ta "chuyển" thành ngày kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa của triều Tây Sơn và Anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ...
Tôi cứ ao ước và hình dung rằng trong mỗi năm hãy chọn lấy một ngày. Ngày ấy có thể là ngày đầu hay ngày cuối hoặc một trong chuỗi 12 ngày đêm đã diễn ra trận "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Trong ngày ấy hãy dành lấy một thời điểm. Vào thời điểm ấy, tại những địa điểm gắn bó với chiến tích năm xưa hoặc bên xác máy bay dưới chân Cột Cờ (nay là khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) hay bên hồ Hoàn Kiếm từng tràn ngập ánh sáng pháo hoa trong đêm Giao thừa hòa bình đầu tiên (1972-1973), ta hạ ánh sáng tối đi một chút như ánh đèn phòng không năm xưa, người ta cho nổi lên một hồi còi và những âm thanh quen thuộc của năm xưa: “Đồng bào chú ý... máy bay địch cách Hà Nội... cây số...", cùng những lời cảnh báo, lời cổ vũ, những bài hát của một thời đã qua. Những ai có ký ức sẽ hồi tưởng, những người trẻ sẽ tìm về những trải nghiệm của thế hệ đi trước, mọi người sẽ tưởng nhớ đến những người đã khuất vì bom đạn và tự hào về chiến công giữa ánh pháo hoa rực sáng gợi lại những đường bay của “Rồng lửa Thăng Long” và hệ thống phòng không thần kỳ của Hà Nội năm xưa từng được thế giới thán phục.
Chỉ một vài phút trong một năm thôi, cũng có thể bảo tồn mãi mãi, như bao đời nay ta được dự Hội Gióng, hay được dự Giỗ trận Đống Đa. Đấy là sức mạnh của lễ hội, của một loại hình văn hóa phi vật thể mà chúng ta ít quan tâm và cũng là một nét bảo tồn và phát huy nền văn hiến hòa bình của thủ đô Hà Nội.
DƯƠNG TRUNG QUỐC