Đêm đầu nghỉ lại ở Tú Lệ, một thị trấn với mấy phố lèo tèo. Sớm ra lên đèo Khau Phạ. Nghe kể, hồi kháng chiến chín năm, vùng này có bảy anh du kích bị giặc Pháp bắt giải về Nghĩa Lộ trong một trận càn-con đường lúc ấy đang còn rải đá dăm, một xâu tù chân cùm tay gông lê bước. Những gương mặt thanh xuân im lặng vừa đi vừa ngẩng mặt nhìn lên những ngọn núi, những đám mây thân thuộc. Tới đỉnh đèo, họ bỗng hô lên một tiếng rồi cùng lao xuống vực sâu. Là tự ném mình xuống vực. Nơi ấy giờ đã xây một tấm bia tưởng niệm các anh. Hằng năm vào dịp lúa nương chín, ngành du lịch địa phương lại đứng ra tổ chức hội mùa. Khách các ngả đổ về chật đường, có năm còn huy động được cả máy bay lên thả dù. Máy bay lướt vè vè, dù bung ra từng chuỗi như pháo hoa, lơ lửng trên không một lúc, rồi rơi xuống thung lũng. Cánh nhiếp ảnh, quay phim chạy sấp chạy ngửa khắp cánh đồng. Đám con gái cũng nhảy dù, lắm cô gan cóc tía sắp chạm đất mà dù còn chưa chịu mở.

Minh họa: Quang Huy

Rời Khau Phạ, gặp La Pán Tẩn, rồi Chế Cu Nha, đêm thứ hai ngủ ở bản Mù Cang Chải. Buổi sớm dậy muộn vì còn muốn đợi cho đèo Ô Quy Hồ sương kịp tan. Một con đèo dài và cao nhất nước, bốn mươi cây số, bên này là Lai Châu, bên kia đã Lào Cai.

Dừng chân trước dãy quán sơ sài ở đỉnh đèo, chuyện trò dăm câu ba điều với cô chủ quê Thái Bình, mỗi người ăn một quả trứng vịt luộc, nhấp một chén trà nóng và ngắm một ngôi nhà lớn xây theo kiểu lâu đài nằm đúng vào điểm mốc chia hai tỉnh. Chủ quán chép miệng, huyệt mạch gì không rõ, xây xong là khóa cửa bỏ đấy, mất hút luôn, gọi không ai thèm mua.

Dưới chân đèo Mường Hum ngập trong sương, sương đặc như mây phủ và trước mặt là Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Một dải núi kỳ thiêng xứng đáng được mệnh danh là mái nhà nước Việt mà nóc của nó là Phan Xi Păng ngất trời, ngồi đây còn phải ngẩng mặt lên mới thấy mờ mờ lúc ẩn lúc hiện.

Hỏi đường vào Y Tý, cô chủ cười, không xa lắm đâu, cứ thong thả đi chập tối đến thôi à. Chiều đang xuống, một vệt nắng rộng làm rạo rực lên sắc thu, khắp rừng đỏ lá phong. Đúng là một vùng trời vùng đất của thi ca và hội họa.

Lúc đứng dậy, tôi nói với chủ quán, mới vài năm lên sống trên này mà giọng em đã phảng phất tiếng đồng bào, nên sắm một cái áo cánh màu chàm mà mặc cho thêm gần gụi. Tôi cũng rất thích một cái áo như thế. Cô ấy cười phé lên, em đang muốn theo các anh về xuôi đây, ở đây đơn chiếc, lắm bận phải nấp vào bụi ôm mặt khóc.

Dọc đường nghĩ mãi về mấy câu của Chế Lan Viên: Ai đi biên giới cho lòng ta theo với/ Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình/ Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi/ Suốt một đời cùng với gió giao tranh. Quả là hay. Nhưng có lẽ ông đã làm nó trong tâm thức một thuở nào xa lắm thì phải, với hôm nay thì không thể. Cảnh và người hôm nay đã khác nhiều, mấy ngày trên đường đủ để tôi thấy thế. Và hình như chính tôi cũng đang muốn khác tôi.

*

*    *

Đặt chân lên đất Y Tý lúc chập tối. Dọc đường mấy bận dừng lại hỏi thăm, cả nước đang đổ ra làm đường, lắm ngã ba ngã tư, nhiều ngã năm ngã bảy. Xe lắc lư khiến tôi mệt nhoài, không sao nhớ nổi địa hình địa vật những nơi vừa đi qua. Sau tất cả, giờ đây chiếc xe nát cũng đang dằn ga leo lên đỉnh quả núi, trên ấy đang có ánh đèn ánh lửa, trên ấy là bản Y Tý, là Đồn Biên phòng Y Tý.

Qua cổng đồn, qua một rặng đào già, qua một mảnh sân lát gạch, trước mặt đã là một sĩ quan trực ban đứng đợi, bên anh còn có thêm một chú béc-giê ngông nghênh lậm lừ.

Chúng tôi được mời vào ngồi phòng khách. Ghế mềm ấm áp, trên bàn là bộ ấm chén sạch sẽ, cái gạt tàn sạch sẽ. Cái điếu hút thuốc lào ống bương đặt dưới góc nhà khiến tôi lấy làm may mắn.

Sĩ quan trực ban nói mình là Quắc. Tôi nói mình là ai rồi rút chứng minh thư gửi anh. Mất hút một lúc anh quay lại cùng một chàng trai dáng thanh thoát mạnh mẽ, khuôn mặt ưa nhìn, nhã nhặn và điềm tĩnh. Quắc giới thiệu đây là anh Hiệp đồn phó, rất tiếc anh Sơn trưởng đồn mấy hôm nay lên họp trên tỉnh chưa về.

Tôi đứng dậy bắt tay Hiệp rồi nói luôn, mai chúng mình xin phép về sớm, cho được gửi lời chào tới anh Sơn khi anh ấy về.

Hiệp mời tôi ngồi rồi nhanh chóng vào việc. Hẳn đoàn chưa dùng cơm chiều, vậy bên dưới cổng có hai quán ăn, đều là của gia đình cán bộ, giá phải chăng, mở cửa từ sáng tới khuya. Đoàn dùng cơm xong thì quay lại trên này sẽ có người đưa xuống nghỉ ngơi ở nhà khách, cũng là còn đang tre nứa, xin được thông cảm. Trưa mai là phiên chợ Y Tý, chợ mới lập còn nhỏ bé nhưng cũng đã có khách mua bán từ bên bạn sang, từ dưới xuôi lên, mời đoàn nán lại tới thăm chợ cho vui thêm.

Mấy cháu nhà tôi xin phép đi đặt cơm, tôi ngồi lại cùng hai anh, thì ra Hiệp là trai Hà Nội. Gia đình ở quận Long Biên, cô vợ là giáo viên một trường gần nhà. Anh cũng vừa mới được thuyên chuyển ra ngoài này ít lâu, sau nhiều năm lăn lộn trong địa bàn Tây Nguyên, với các anh như thế cũng đã là gần.

Như đã hiểu nhau hơn, Hiệp rút trong túi áo ra một chiếc di động cầm tay bấm loáng thoáng mấy chỗ thế là cô giáo của anh hiện ra liền. Ngắm người trong ảnh một lát tôi gật đầu tỏ ý bằng lòng. Hiệp cũng gật đầu mỉm cười. Làm sao còn phải nói nữa nhỉ, đó là một cô bé trung hậu, khuôn mặt sáng, nụ cười vành trăng, sách tướng nói đấy là một người đàn bà vượng phu ích tử.

Vẫn chưa thôi, Hiệp lại tiếp tục bấm, đến lượt tôi hiện ra. Một bức chân dung từ lâu rồi, ai chụp không nhớ, tôi mặc áo chàm thổ. Tôi kêu lên, các cậu moi đâu ra chứ, thật tài tình.

Đã kịp pha xong ấm trà, Quắc ngẩng lên nói chêm vào, đấy là lấy từ mạng chủ, năm phút có ngay. Tôi nói mình rất lóng ngóng, kỵ mọi thứ máy móc, đã từng được một anh bạn tặng chiếc điện thoại cầm tay y thế này, giữ ít hôm để rơi đâu mất, cũng không tiếc. Giả dụ lúc này đặt trước mặt một chiếc xe hơi và một cây mận nho nhỏ, hỏi lấy thứ nào thì mình phải xin nhận cây mận. Nhà mình bên Bắc Ninh vẫn đang thiếu một cây mận trong vườn.

Cũng là lúc chiếc máy điện thoại của Quắc rung lên. A lô Quắc đây, ờ ờ, mời anh Hiệp cùng xuống hả, tốt tốt, thôi nhé. Quay sang chúng tôi, dưới kia đang đợi ông và anh.

Một già một trẻ đi sóng đôi. Hỏi quanh đây chỗ nào hay để mai xuống chơi. Trả lời, chỗ nào cũng vậy, đói thì không đói nhưng nghèo rất đông. Cùng một dòng sông Hồng bên này là mình bên kia là láng giềng hàng xóm, không thể không biết nhịn nhau mà giữ lấy sự yên ấm làm ăn. Ta là nhà đất trình tường, còn họ mang gạch ngói đến từng làng xây nhà cho dân chúng, hỏi đến bao giờ ta làm nổi như thế. Mấy tháng trước hai đồn đã gặp nhau kết nghĩa, có hai cô bé đi chợ bị bọn xấu bên đó lừa mang bán, gọi điện sang đề nghị họ tìm giúp, chỉ mươi hôm đã có điện gọi ta sang nhận người trả cho các gia đình.

Bữa tối cũng có chén rượu, để ý thấy Hiệp chỉ chạm ly nhấp môi qua quýt cho phải phép, suốt bữa không đụng đến bát đũa. Lại ít lời-nghĩ bụng nó ít tuổi hơn con mình mà đã ra dáng một cán bộ đứng đắn, còn thằng bé nhà mình không khéo thành rượu chè say xỉn thì khổ vợ, khổ con.

Trở về phòng khách, Hiệp vui vẻ buông một câu, đúng là đêm không hẹn mà gặp. Muốn hỏi ông trên này đang có một cây đào tháng Chín ra hoa, thế là chuyện vô duyên hay có tin mừng. Tôi trả lời, chả phải điềm lành điềm dữ gì đâu, nó là dấu hiệu rối loạn thời tiết ngày một nặng nề khắp hành tinh đấy thôi.

*

*    *

Đêm ở Y Tý là một đêm khó ngủ, lan man thức. Nghiệm ra những chuyến đi cuối năm thường để lại nhiều ấn tượng khó quên. Đời con người mang trên vai chiếc ba lô tinh thần ngày một nặng.

Mùa đông 1974, từ mảnh sân rải sỏi Hội Nhà văn, tôi ngồi chiếc com-măng-ca đi lên Cao Bằng đến Đoàn địa chất 28 đang tìm thiếc, vài tuần sau qua Lào Cai đến Bát Xát vào Đoàn 4 đang tìm đồng. Cuối chuyến đi quay về ăn nghỉ tại nhà khách tỉnh, đợi ngày một ngày hai sẽ có anh Mầu Văn Thỉnh đến đón đi vài nơi. Khi ấy tôi chỉ mới biết anh đang là Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai chứ hai anh em chưa hề giáp mặt nhau. Có chuyến đi cùng anh cũng là nhờ ở sự gợi ý của mấy ông lãnh đạo tỉnh.

Dạo ấy rất lạnh, trời không mưa mà sao ướt át, quần áo ẩm, giày dép nhớp nháp. Lúc qua chợ Mường Khương anh bảo, cứ ngồi nguyên trên xe để tao vào mậu dịch kiếm cái này. Quay ra anh choàng lên vai tôi tấm áo bông cổ lông cừu, nhẹ nhàng trách lên miền núi mà không chuẩn bị kỹ, đây là quà của biên phòng tặng chú. Tôi chỉ còn biết cảm ơn. Ở lại đồn Mường Khương một đêm, hôm sau đi tiếp lên đồn Pha Long. Anh làm việc suốt hai ngày với anh em trên đó. Đêm cuối của chuyến đi anh nói với liên lạc tìm củi làm đống lửa giữa phòng khách để hai anh em thức khuya trò chuyện. Thật ra là anh nói tôi nghe. Đó là một buổi tối khó quên. Anh nói thủ thỉ mà lôi cuốn, có một lúc đặt thêm thanh củi vào lửa, giọng trầm hẳn như khuyên bảo tôi, chim mạnh bay cao, cá khỏe lặn sâu, một cán bộ gương mẫu không thể không biết chịu khó lăn lộn gánh vác. Còn trẻ, công lao đóng góp chưa là bao đã vội sán đến vinh hoa phú quý là có lúc tất phải nhận nhiều sương giá, xấu hổ biết chừng nào.

Những người như anh thuộc về thế hệ vàng, lịch sử sinh ra họ và họ làm nên lịch sử. Khó mà có hai cuộc kháng chiến thắng lợi nếu thiếu họ. Anh Mầu Văn Thỉnh quê Vĩnh Phúc, nhập ngũ 1946, vợ con sống ở làng, năm thỉnh mười thoảng trên đường công tác mới có dịp tạt về một vài ngày, có khi chỉ ngồi được một chốc rồi đi luôn. Mấy năm sau tôi biết tin anh đã được điều về Bộ tư lệnh làm cán bộ tổ chức, đâu như cục trưởng, giờ thì anh mất rồi. Được tin tôi buồn bã trong lòng. Người ta nói gặp một ngày để nhớ một đời là vậy.

Đêm Y Tý yên ả. Tôi bước ra sân lững thững. Đằng xa rặng đào sắp đến kỳ trút lá chuẩn bị một mùa hoa đúng hẹn. Liệu Tết này, anh chàng Hiệp của chúng ta có về phép thăm nhà hay ở lại đây với đồng đội. Dù là về hay ở, dù là bất kỳ thế nào, suy cho cùng vẫn là để giữ gìn bình yên cho một nụ cười vành trăng mà anh vẫn luôn mang trong mình.

Có một ô cửa sổ vẫn đang mở rộng trên ngôi nhà chỉ huy, ánh sáng hắt đến chỗ tôi đang đứng. Y Tý đấy.

Tùy bút của ĐỖ CHU