Đây chính là mảnh đất mà ông đã một thời gắn bó và có gia đình người mẹ nuôi từng nhường cơm sẻ áo, che chở cho ông cùng các lưu học sinh Lào trong những ngày chiến tranh loạn lạc.
Đoàn xe đưa Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi chầm chậm lăn bánh trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn vào thôn Phúc Đình, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Nhiều năm sau khi chiến tranh đã lùi xa, quê hương Tân Yên giờ đây như đắm mình trong màu xanh ngút ngàn của lúa đồng, cây trái… Xe dừng bánh trước một ngôi nhà nhỏ, bao quanh là những khóm vải mới cao hơn đầu người. Ở đó, một cụ bà vận áo bà ba cùng đông đảo chòm xóm đã chờ sẵn. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào tất tả bước tới ôm chầm lấy bà cụ rồi nghẹn ngào gọi:
- Mẹ!
Cả Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi và người mẹ già đều lặng đi vì xúc động. Có lẽ, họ đã chờ đợi rất lâu để có được giây phút đầy thiêng liêng ấy.
Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi và mẹ nuôi Ngô Thị Hùng trong ngày gặp lại. Ảnh: Khổng Minh Khánh
Năm 1972, máy bay Mỹ điên cuồng ném bom các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi khi đó mới 10 tuổi và đang theo học tại Trường T2 (nay là Trường Trung cấp Biên phòng) ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Hầu hết học viên quốc tế của trường đều sơ tán về các địa phương, riêng Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi và hai người bạn Lào khác được bố trí về thôn Phúc Đình, ở trong gia đình bà Ngô Thị Hùng (thường gọi là bà Tiến-tên của con trai cả). Sau hơn 40 năm, nhờ sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng Việt Nam và địa phương, Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi mới tìm được địa chỉ và trở lại thăm gia đình mẹ Hùng.
Trong căn nhà giản dị, ngăn nắp, Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi ngồi cạnh, nắm chặt bàn tay đã dày đặc nếp nhăn của người mẹ nuôi. Cố kìm nén xúc động, ông bắt đầu hỏi thăm tình hình sức khỏe và cuộc sống của mẹ Hùng cùng gia đình.
- Con nghe nói mẹ vừa phải vào viện, giờ mẹ đã khỏe hơn chưa?-Trung tướng hỏi, bàn tay cứng cáp vẫn nắm chặt tay mẹ Hùng.
- Mẹ khỏe rồi. Thấy con được như ngày hôm nay, mẹ mừng lắm!
Đến thăm nhà bà Ngô Thị Hùng hôm đó còn có vợ, con gái, con rể của Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi cùng nhiều tướng lĩnh, sĩ quan quân đội hai nước Việt Nam-Lào và chính quyền, nhân dân địa phương… Giọng trầm trầm, chậm rãi, Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi nói với những người có mặt bằng tiếng Việt:
- Hôm nay, được trở về quê hương thứ hai của mình, tôi rất xúc động. Mẹ tôi đã già rồi, các em cũng trưởng thành. Tôi còn nhớ những tháng ngày sống với mẹ, mặc dù khó khăn, thiếu thốn, mẹ luôn an ủi chúng tôi. Tôi còn nhớ câu nói của mẹ: “Các con xa bố mẹ, xa quê hương, đến với đất nước Việt Nam để học tập, sau này có kiến thức trở về giải phóng, xây dựng đất nước to đẹp”. Khi đó chúng tôi còn nhỏ, chưa hiểu hết ý nghĩa lớn lao trong câu nói của mẹ. Nhưng sau này trưởng thành, câu nói ấy đã trở thành động lực thúc đẩy chúng tôi vượt mọi khó khăn để vươn lên.
Câu chuyện giữa người đi xa và người ở nhà bắt đầu rôm rả. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về trong tâm thức vị sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Lào: Chỗ này trước kia có cây trám, còn ngôi nhà cũ nay đã được phá đi để trồng vải. Trò chuyện với con trai của mẹ Hùng, Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi hỏi thăm về những người bạn cùng lối xóm thuở thiếu thời…
Sau những giây phút đầy quyến luyến với lời hẹn: “Rồi con sẽ lại về thăm mẹ và các em”, Trung tướng Sụ-von Lương-bun-mi và Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Lào rời nhà mẹ Hùng để đến thăm Trường Trung cấp Biên phòng-nơi ông từng được nuôi dưỡng và học tập cách đây gần nửa thế kỷ. Tại đây, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng một lần nữa không giấu nổi niềm xúc động và tự hào khi được nghe lãnh đạo nhà trường giới thiệu về quá trình phát triển của trường. Trong số những lưu học sinh Lào được đào tạo tại trường cách đây hàng chục năm, nhiều người giờ đã trở thành lãnh đạo Trung ương và Quân đội nhân dân Lào. Hiện nay, nhà trường đã đưa tiếng Lào trở thành chương trình đào tạo chính khóa và trường đã được Chủ tịch nước Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị…
VŨ HÙNG