Ai về đợi với em cùng

     Thân em nay bắc mai đông một mình

     Chi bằng ruộng tốt rừng xanh

     Vui cha, vui mẹ, vui anh em nhà

    (Ca dao)

Như là một thói quen, buổi sáng đầu tiên của mỗi năm mới, sau khi bóc tờ lịch cuối cùng của năm cũ, tôi thường ngồi vào bàn, mở máy tính, vào email của mình để viết một vài dòng gửi tới bạn bè. Sáng nay, vừa mở email đã hiện ra bức thư dài của người bạn tôi. Anh là một nhà khoa học ứng dụng, đang sống và làm việc ở một đất nước xa xôi, bên kia bán cầu. Chỉ cần đọc vài dòng đầu cũng nhận ra anh ngồi viết cho tôi lúc nửa đêm. Cách nhau nửa vòng Trái Đất, khi anh đặt tay trên bàn phím hẳn anh đang mơ về quê nhà. Giờ ấy, Việt Nam quê hương anh đang vàng rực nắng, cái nắng sóng sánh như mật ong của một ngày chớm xuân.

Năm Ất Mùi 2015 là một năm nhiều ngày kỷ niệm lớn của Đất Nước: Ngày Đảng ta tròn 85 tuổi; Đất Nước tuổi 70; Bốn mươi năm non sông Việt Nam nối liền một dải, Bến Hải không còn là dòng sông ngày đêm khắc khoải nỗi đau chia cắt… Rồi anh điểm lại nhiều ngày, nhiều sự kiện nữa khiến tôi càng ngạc nhiên về anh. Anh còn khuyên tôi: “Cậu đã từng có một thời xa xứ, đừng quên nỗi khát khao của những người xa xứ, nhất là khi mùa Xuân đã gõ cửa mọi nhà…”.

*

*     *

Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “hòa giải, hòa hợp dân tộc” lại được nhắc nhiều như năm Ất Mùi vừa qua. Không chỉ hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài mà ngay cả những người Việt Nam đang sinh sống, đang thành nghiệp, thành danh ở chính trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Bốn mươi năm ngày non sông thu về một mối là cái cớ để người Việt ta nhìn lại, nói với nhau và để cùng nhau hướng về một tương lai của Đất Nước. Cho dù trong trái tim của mỗi người Việt vẫn nhận ra rằng “hòa hợp, hòa giải dân tộc” là truyền thống, là đạo lý ngàn năm của dân tộc ta. Truyền thống ấy đã thấm vào máu thịt của người Việt Nam ta. Không chỉ ngày này chúng ta nhìn lại bốn mươi năm đã qua mà trong dòng thiên di, bão táp của lịch sử dân tộc, người Việt rời Tổ quốc ra đi với trăm ngàn hoàn cảnh khác nhau nhưng trái tim vẫn đau đáu nặng niềm Tổ quốc…

Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Tôi nhớ một buổi tối tháng 4 năm 1999, khi đang đi thực tập tại tờ báo Barometern, một tờ báo lớn xuất bản tại thành phố Kalma (Thụy Điển). Đã gần nửa đêm, tôi chợt nhận ra trong mưa tuyết nhạt nhòa ánh đèn phố có một tiệm “Phở Việt Nam” còn sáng đèn. Dù không còn bóng thực khách nhưng vì đói, vì rét tôi cứ mạnh dạn lách cửa vào. Chỉ còn mình ông chủ đang ngồi yên như pho tượng mắt đăm đăm nhìn ra phố. Thấy tôi lách cửa vào ông vẫn ngồi yên không hề nhúc nhích. (Sau này, ông nói với tôi, nhìn dòng chữ trên túi da tôi khoác, ông tưởng tôi là một người châu Á chứ không phải người Việt Nam). Tôi hỏi: “Còn phở nữa không bác?”. Bỗng nhiên đôi mắt ông sáng lên, ông bật khỏi ghế như một chiếc lò xo, ông áp sát vào người tôi: “Anh là người Việt Nam à?”. Cái giọng của ông nghe run run như xúc động, như vỡ òa, như không còn tròn vạnh tiếng mẹ đẻ sau gần một đời người bôn ba kiếm sống nơi đất khách. Thế là ông lật bàn lên, bật bếp, gõ dao lách cách gọi về nhà bắt vợ con, dâu rể ra tiệm phở gặp “người nhà”. Chỉ một lát vợ con, dâu rể của ông đủ mặt. Cả nhà ông làm phở cho tôi ăn. Ông hỏi Hà Nội bây giờ ra sao, Sài Gòn bây giờ ra sao…  Thì ra ông sinh ở Hà Nội, theo bố mẹ vào Sài Gòn, trước năm 1975 thì rời Đất Nước… Chưa bao giờ tôi được ăn một bát phở mà cả tiệm phở chỉ phục vụ mình! Đêm ấy, tôi về đến ký túc xá thì người đưa báo đã đặt số nhật báo Barometern vào hộp báo trước cửa phòng nghỉ của tôi.

Lại nhớ, tháng 6 năm 2008, tôi đi theo đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm và làm việc tại Hoa Kỳ. Buổi tối gặp mặt với đồng bào Việt kiều tại Mỹ, đồng bào đến chật kín cả hội trường. Tôi ngồi lùi sau hàng ghế cuối cùng, bên cạnh tôi là một vị giáo sư tuổi đã ngoài lục tuần. Ông giới thiệu với tôi, quê gốc của ông ở Nam Định, nơi ông định cư có khi cả năm không gặp một bóng người Việt. Vì vậy, cứ mỗi lần có đoàn khách từ Việt Nam sang là ông bay đến. Ông nói từ khi có Internet, thế giới trở thành một mặt phẳng, nhưng ông muốn chính ông được trực tiếp gặp người Việt, nói với nhau bằng tiếng Việt. Ông nói một câu rất hình ảnh mà tôi còn nhớ mãi: “Tôi muốn trái tim tôi phải trực tiếp thốt ra những tiếng Việt với những trái tim Việt!”. Càng nói chuyện với ông, tôi càng không lý giải được giữa nước Mỹ hoa lệ lại có những người Việt cả một đời xa nước vẫn rất Việt như thế!

Sáng nay, khi tôi đọc những dòng chữ này, có lẽ anh bạn tôi không còn ngồi trước màn hình máy tính nữa. Internet đã "kết nối" mọi người trên thế giới gần nhau hơn; đã hô biến thế giới nằm gọn trong lòng bàn tay. Thư anh viết rằng, có những lúc anh xòe bàn tay đặt lên màn hình máy tính là che trọn cả một thế giới. Vậy mà có lúc, có thời điểm bàn tay anh như bị bật ra, như bị lửa đốt, như chạm phải mạch điện… Ấy là khi anh nhận ra bàn tay anh đã chạm vào Biển Đông của Tổ quốc. Đó là những ngày biển của Tổ quốc nổi cơn giông tố, cuồng phong… Cảm ơn “thời công nghệ”, chỉ cần một cú nhích chuột, ở xa xứ, người Việt Nam bật dậy trước những cơn bão táp Biển Đông ùa về trên màn hình phẳng như trang giấy!

*

*       *

Mùa Xuân Bính Thân này, Đất Nước ta đang chào đón một sự kiện trọng đại: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Triệu triệu trái tim con dân Đất Việt chào đón sự kiện trọng đại này không chỉ bằng niềm hân hoan mà với một hy vọng lớn lao. Hy vọng bởi ta tin vào Đảng ta, tin vào vận mệnh tươi sáng của Tổ quốc được minh chứng suốt gần một thế kỷ qua Đảng đã dẫn dắt dân tộc ta vượt trên chông gai vạn dặm cập bến vinh quang. Hơn 85 năm qua, trong cuộc chiến đấu sinh tử giành Độc lập, Tự do cho dân tộc, không một ngày Đảng ta không là Dân, là Nước. Cái ý nghĩ ấy khiến tôi liên tưởng Đảng ta là sinh mệnh Dân tộc, là sinh mệnh Tổ quốc! Còn lý do gì để ngăn ta không tụ hội quanh Đảng, để ta có quyền nói với Đảng về hòa hợp, hòa giải dân tộc mà 40 năm qua trong ta vẫn còn có người e ngại, vẫn còn có người “kính nhi viễn chi”. Đảng ta tin vào dân ta và chính Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới như là một luồng sinh khí tiếp thêm cho ta niềm tin mà cởi mở, mà trang trải lòng mình.

Trong Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước ta (2-9-1945/2-9-2015), lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: “… Xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến về quá khứ, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước”. Nhớ lại 40 năm trước, sáng 1-5-1975, ngay từ khi bước xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong phát biểu của mình, đã nhấn mạnh đến vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Và ngay cả khi trả lời BBC ngày 30-4-2007 về hòa hợp, hòa giải dân tộc, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “…Nhìn ra thế giới càng nghiệm thấy rằng, tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng được quy tụ. Con người mà không quy tụ thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng…”. Một trong những bài học tuyệt vời về hòa hợp, hòa giải trong lịch sử dân tộc ta là sau chiến thắng lừng lẫy giặc Nguyên Mông, Hoàng đế Trần Nhân Tông bước vào những ngày hòa bình thịnh trị bằng chính hòa giải và hòa hợp dân tộc. Việc đầu tiên trở về Thăng Long, Hoàng đế đã đốt hết toàn bộ sổ sách ghi chép những con người đã trót phản bội, đầu hàng giặc, để yên lòng người… Bởi vậy, hòa hợp, hòa giải dân tộc là truyền thống ngàn đời của ông cha ta mà Đảng ta đã kế thừa, đã cụ thể bằng chủ trương, đường lối, chính sách của mình.

Ai trong chúng ta còn do dự, còn lưỡng lự, còn chưa tin, hãy tĩnh tâm lại, hãy lắng nghe chính lời của trái tim mình biết bước qua mặc cảm, biết bỏ lại đằng sau những hận thù. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói với báo giới nhân kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày Đất Nước thống nhất. “Chúng tôi chỉ mong tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về”. Hẳn khi thốt ra lời mời gọi đó, trái tim của vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quặn thắt lại!

Khi cầm bút ghi lại câu chuyện này, tôi lại nhớ đến một nhà văn đã viết: “…Hãy mở lòng đón lấy cơ hội, sử dụng cơ hội vì đại nghĩa của dân tộc, vì nói cho cùng cộng đồng Việt Nam chúng ta dù ở đâu, dù chính kiến nào đều là những người thực lòng yêu nước, khát khao cho Đất Nước một tương lai bình yên, hạnh phúc…”.

*

*       *

Mùa xuân đã về, mùa xuân của đất trời giao thoa cùng mùa xuân của lòng người. Từ trong khốc liệt của những năm chiến tranh, trước khi ngã xuống, nhà thơ Lê Anh Xuân đã nhìn thấy Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân. Sáng nay, tôi nhìn thấy trên bầu trời Ba Đình trong xanh lá cờ Tổ quốc, lá cờ Đảng đang sãi cùng ngọn gió. Trong mênh mang của gió tôi nghe thấp thoáng một câu Kiều: Trời còn có để hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời(*). Đại thi hào Nguyễn Du đã tiên tri từ trăm năm trước hay sự hiện diện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữa thủ đô Oa-sinh-tơn khiến cho ngài Phó tổng thống Hoa Kỳ, Giô Bai-đân đọc được từ Nguyễn Du? Tôi chợt nghĩ, rào cản lớn nhất giữa người và người chính là ta. Ta đã vượt qua, cùng dân tộc thẳng tiến tới tương lai. Bởi ta là con Rồng cháu Tiên, ta là đồng bào, đồng bào của một Tổ quốc, của một mái nhà Việt Nam.

Quỳnh Đôi, Xuân Bính Thân 2016

Tùy bút của HỒ ANH THẮNG 

 (*) (Trong cuộc chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm và làm việc tại Mỹ ngày 7-7-2015, Phó tổng thống Mỹ Giô Bai-đân đã lẩy Kiều: Trời còn có để hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời)