Những kỹ năng sống còn
Qua vài chỗ thân quen, tôi có được địa chỉ email rồi liên lạc với Thiếu tá Trương Anh Tuấn và Đại úy Nguyễn Đức Thắng, hai SQLL Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Xu-đăng. Thư từ qua lại vài lần, tôi bắt đầu tìm hiểu về công việc và cuộc sống của các anh bên đó. Trong câu chuyện của mình, hai anh nhiều lần nhắc đến cụm từ “kỹ năng sống còn”.
SQLL là một trong những kênh kết nối các bộ phận của phái bộ, tiếp xúc với đủ các thành phần như: Dân thường, lãnh đạo, chỉ huy quân sự, chính quyền địa phương, đại diện các tổ chức phi chính phủ... Ngoài ra, SQLL còn phải xử lý hàng loạt vấn đề, từ bảo đảm sự thông suốt cho các chuyến bay thường xuyên và đột xuất của phái bộ đến việc kết nối nhu cầu của dân tị nạn với các tổ chức phi chính phủ, cơ quan phái bộ, LHQ…
Bởi vậy, với các SQLL tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Xu-đăng, việc trang bị cho mình những kỹ năng thực hiện công việc là vô cùng cần thiết, mà trước tiên là nghệ thuật đàm phán. Thiếu tá Trương Anh Tuấn nhớ rất rõ đợt tuần tra bằng trực thăng tới một khu làng phía bờ tây sông Nin Trắng, cách phái bộ anh đang làm việc chừng 30km. Sông Nin Trắng chảy qua thủ đô Giu-ba (Juba) của Nam Xu-đăng, xẻ dọc quốc gia Bắc Phi này, nước khá trong và rất nhiều cá sấu. Sau khi quân Chính phủ Nam Xu-đăng và lực lượng đối lập ký Thỏa thuận Hòa bình toàn diện, phe đối lập co cụm về phía tây con sông. Vì lý do an ninh, quân chính phủ nhất quyết không cấp phép bay cho chuyến bay tuần tra của Phái bộ GGHB LHQ tới khu vực phía tây sông Nin Trắng. Sau rất nhiều nỗ lực, các SQLL đã thuyết phục được Chuẩn tướng, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn quân chính phủ cho phép lực lượng GGHB LHQ thực hiện chuyến bay như đã định. Cũng nhờ đó mà các anh mới hiểu rõ đời sống của cư dân trong làng. Họ phải uống nước sông, thiếu thốn thuốc men, lương thực; sốt rét, thương hàn lan tràn, mùa màng mất trắng...
Đại úy Nguyễn Đức Thắng và các sĩ quan cùng phái bộ chụp ảnh với trẻ em Nam Xu-đăng trong một chuyến tuần tra.
Dĩ nhiên, để bảo đảm thành công cho mỗi cuộc thương thảo như thế, ngoài tiếng Anh thành thạo, các SQLL cần nhanh nhạy, quyết đoán, đồng thời thể hiện thái độ tự tin, thân thiện và mềm dẻo trong lời ăn tiếng nói.
Bên cạnh đó, các SQLL tại Nam Xu-đăng cũng được yêu cầu phải biết lái thành thạo xe ô tô đa dụng 2 cầu (4x4) để phục vụ những chuyến tuần tra vào mùa mưa, khi tất cả các con đường tại Nam Xu-đăng biến thành những thửa ruộng sình lầy. Và đã là đi tuần tra, dù dài hay ngắn ngày thì trong hành trang cũng phải đầy đủ vật dụng cần thiết như: Điện thoại vệ tinh, thuốc men, viên lọc nước, lương thực thực phẩm, thuốc chữa rắn cắn, hay thậm chí là một con dao…
Tự hào là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Ở một đất nước loạn lạc như Nam Xu-đăng, cái tên Việt Nam không phải là xa lạ. Hầu hết người trong Phái bộ GGHB LHQ cũng như người dân tại Nam Xu-đăng ít nhiều đều biết và dành cho đất nước, quân đội, con người Việt Nam sự tôn trọng đặc biệt. Đó là một lợi thế không nhỏ cho các SQLL Việt Nam khi làm nhiệm vụ, đồng thời cũng là động lực để họ quyết giữ cho được “màu cờ sắc áo”.
Hôm Thiếu tá Trương Anh Tuấn mới đặt chân tới Ma-lắc-can (Malakal), thành phố ở phía Bắc của Nam Xu-đăng, là điểm giao tranh ác liệt nhất giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập, nơi đây giống hệt một “thành phố chết”. Toàn bộ nhà cửa bị phá hỏng, gạch ngói, bê tông, sắt thép vương vãi ngổn ngang, cỏ dại mọc cao quá đầu người… Nhiệm vụ hôm đó của đội SQLL là trao đổi với chỉ huy Sư đoàn quân chính phủ đóng tại Ma-lắc-can về chuyến phà của phái bộ đang trên đường tới thành phố này. Không khí ban đầu của buổi làm việc vô cùng căng thẳng, bởi vị Thiếu tướng, Sư đoàn trưởng chưa rõ các SQLL xuất hiện với mục đích gì.
Thiếu tá Trương Anh Tuấn và trẻ em Nam Xu-đăng. Ảnh do nhân vật cung cấp
- Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Thiếu tá Tuấn, SQLL, Quân đội nhân dân Việt Nam, một quốc gia ở rất xa đất nước Nam Xu-đăng của ngài. Hân hạnh được gặp ngài Thiếu tướng.
Nghe nhắc đến Việt Nam, thái độ của vị Sư đoàn trưởng khác hẳn. Ông ta bắt đầu hỏi Thiếu tá Trương Anh Tuấn về ý nghĩa của ngôi sao và hai vạch ngang trên quân hàm mà anh đang đeo. Cuộc nói chuyện được “phá băng” từ đó và dĩ nhiên, buổi làm việc thành công tốt đẹp, nhóm SQLL hoàn thành nhiệm vụ...
Đại úy Nguyễn Đức Thắng cũng không thể quên những ngày đầu tiên khi mới chân ướt chân ráo sang Nam Xu-đăng, gặp được anh bạn người Gha-na cùng chung phái bộ, rất nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn từng li từng tí cả trong công việc lẫn sinh hoạt hằng ngày. Sau này khi đã thân nhau, ở chung một phòng, anh bạn người Gha-na mới tâm sự:
- Tôi giúp anh vì khi mới sang đây, tôi cũng được một SQLL Việt Nam tên là Ngạn giúp nhiệt tình hệt như thế.
Thế mới thấy, chính thái độ thân thiện, nhiệt tình trong công việc, biết vun đắp các mối quan hệ cá nhân nơi xứ người đã giúp các SQLL Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tại các phái bộ. “Tự hào nhất vẫn là vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-2015, ngay tại Phái bộ Nam Xu-đăng, các SQLL Việt Nam có dịp giới thiệu với bạn bè quốc tế, lãnh đạo địa phương hình ảnh lá cờ Quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, để họ hiểu thêm về đất nước, quân đội Việt Nam yêu chuộng hòa bình và đang nỗ lực đóng góp cho cộng đồng quốc tế”, Đại úy Nguyễn Đức Thắng viết trong email.
VŨ HÙNG