Buổi liên hoan diễn ra thật đầm ấm. Theo ý kiến của chị Lan (vợ Thiếu tá Thanh, cô giáo dạy môn Lịch sử trường trung học cơ sở), ngoài phần chúc tụng, trong bữa liên hoan có mục “Nhân vật chính kể chuyện” để các con cháu hiểu thêm về ý nghĩa của sự kiện. Đề nghị của chị Lan được bà Thu-“chủ tọa”, hào hứng chấp nhận. Ông Tương thì tác phong người lính đã ăn sâu bén rễ, cứ với việc vui, việc có ích là ông “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên...”.

Chuyện về người bố được tái hiện trước, như một cuốn phim:

Thượng tá Phạm Văn Tương nhập ngũ tháng 10-1974, vào Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh xong, ông tiếp tục hành trình cùng đơn vị giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh trong tháng 1-1979. Ít lâu sau, ông được ra Bắc một tháng, vừa làm nhiệm vụ, vừa kết hợp thăm gia đình.

Minh họa: Nguyễn Hiếu 

Chuyến công tác gặp thuận lợi, một tuần đã xong việc… Những ngày phép còn lại ở bên bố mẹ, ông gặp một việc hệ trọng mà ông không thể trốn tránh. Bố mẹ ông nhất quyết bắt ông phải cưới vợ trước khi trở lại đơn vị bên nước bạn. Các cụ lo xa: Trai thời loạn, biết thế nào! Nếu ông không được nghỉ phép thì lại đi một nhẽ. Đằng này, ông đã về đến nhà, không thể để lỡ cơ hội.

Bà cô ruột của ông Tương đã nhắm nhe cô Võ Kim Thu ở đầu làng “được người được nết”, lại kém ông một tuổi-“Trai hơn một”! Bản thân ông Tương cũng xao xuyến khi giáp mặt làm quen. Có điều, cô Thu còn e một nỗi là ông tuổi Bính Thân. “Đàn ông mà vào can, chi ấy thì…” -  Cô Thu nghĩ ngợi…

Cô Hoa - người bạn “con chấy cắn đôi” của cô Thu biết chuyện, mới dần dà giải tỏa: “Thu nghĩ kỹ đi! Anh Tương con nhà nền nếp, ở ngay trong làng, đi bộ đội mới được 5 năm mà đã là cán bộ, được đơn vị cử về địa phương xác minh lý lịch để kết nạp Đảng (là cô nghe ông bác ruột - bí thư chi bộ nói thế). Thử hỏi, mấy ai không phải tuổi Thân mà lại được như vậy? Mày tốt duyên mới gặp được anh ấy. Chứ tao đây, anh ấy có để ý đâu!”. Nói rồi, cô láu lỉnh véo vào vai Thu, nét mặt ra vẻ nghiêm trọng: “Mà này, nếu mày “không dùng” thì nói ngay, để tao còn biết đường…”. Thu ngập ngừng nhìn bạn: “Là mình nói thế thôi. Quan trọng là anh ấy có lòng yêu thương, cũng được các cụ nhà mình quý mến. Mà sang tháng, anh ấy lại phải sang Cam-pu-chia…”. Cô Hoa chớp luôn: “Thế thì mày còn lừng chừng gì nữa? Nào, tối nay trả lời anh ấy ngay. Mai đưa tao danh sách dự cưới để tao đi mua thiếp mời cho”!

… Ông Tương trở lại đơn vị. Chừng hai tháng sau thì nhận được thư cô Thu báo “tin mừng”. Tết Canh Thân 1980, đứa con trai đầu lòng của họ ra đời, tên là Phạm Liên Thanh. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, theo lời khuyên của bố mẹ, Thanh thi vào Học viện Hậu cần. Ra trường, tuổi trẻ xông pha. Vợ chồng ông Tương đồng ý cho con trai đề đạt nguyện vọng đi làm nhiệm vụ ở biên giới…

Ông Tương kể đến chỗ ấy thì vợ chồng Thanh xin phép được “nối gót cha ông”, kể tiếp. Cô giáo Lan giọng ấm áp: “Năm ngoái, anh Thanh nhà con là đúng 5 năm ở lại đơn vị trực Tết. Chiều 30 tháng Chạp, anh ấy nhắn tin cho con: “Hòa bình đã lập lại rồi/ Mà anh đi mãi... xa rời tình em!/ Nghĩ rằng: Chịu đựng cho quen/ Chưa về cũng bởi thương em vô ngần/ Nếu tất cả toàn quân đều nghỉ/ Vũ khí kia han gỉ thì sao?/ Quân thù lợi dụng nhảy vào/ Hỏi còn hay mất núi cao, sông dài?/ Giống như lúc em giảng bài/ Anh đến thì cũng chờ hoài đấy thôi!”. Bố mẹ nghĩ xem, cứ bảo “Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/ Riêng em bùi ngùi phải chịu tuổi Thân”. Nhưng tuổi Thân mà xử sự như thế thì chắc gì người tuổi Ngọ, tuổi Mùi đã ăn đứt!”.

Ông Tương cười phá lên: “Giỏi! Thanh đúng là người tuổi Thân! Biết kế thừa và rất sáng tạo! Sau khi thống nhất đất nước thì bố đã thấy đồng chí Chính trị viên đại đội đọc bài thơ này trong một buổi sinh hoạt văn nghệ. Đồng chí ấy cũng bảo là được nghe các anh đi trước truyền khẩu, thích quá nên quên hỏi tên tác giả… Bài thơ gốc chỉ có 8 câu. Đáng khen là Thanh đã sáng tạo thêm 2 câu cuối, vừa hợp cảnh, vừa hợp tình”.      

Bỗng bà Thu đứng dậy: “Tôi phát hiện ra điều này: Bố con ông tuổi Thân nên tài bắt chước và tài sáng tạo chẳng khác gì nhau. Hồi ông “cưa” tôi, cũng đọc: “Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân”, nhưng ông không nói “Sinh phải giờ Dần cũng sướng như tiên” mà thay bằng “Có tâm đức, sẽ có phần như ai”. Như thế, ông vừa không nói dối tôi là ông sinh vào giờ Dần, lại vừa tỏ rõ được cái nết tâm đức và sự quyết tâm tu dưỡng… Tôi “đổ” là vì cái tứ ấy đấy. Nhưng thử hỏi, nếu không có tôi và con Lan tần tảo lo toan hậu phương thì liệu bố con ông có tiến bộ được như thế không ạ? Vậy nên, tôi kết luận thế này: “Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân/ Có vợ chuyên cần thì cũng vui tươi”. Ông Tương bỗng xuất thần, nối vào: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/ Lấy chồng tuổi Khỉ suốt đời yên tâm!”.

Không ai bảo ai, đồng thanh: “Hoan hô bộ đội tuổi Thân! Hoan hô bộ đội tuổi Thân!”. Ông Tương lại “sáng tạo”: “Hoan hô cả vợ bộ đội tuổi Thân!” làm mọi người cười rộn rã. Ngoài hiên, cây đào khẽ rung rinh trước gió Xuân, ngàn hoa lấp lánh, lấp lánh…

PHẠM XƯỞNG