Mà không chỉ riêng đối với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước cũng là thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử của cả dân tộc. Đất nước vừa bước ra khỏi cuộc trường chinh máu lửa suốt mấy chục năm ròng, lại phải đương đầu với những cơn bão dữ thổi đến từ cả hai đầu. Đấy là những năm tháng kiệt cùng gian khó với biết bao chuyện trọng đại như chiến tranh hay hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh, lo cuộc sống, bát cơm, manh áo của người dân bình thường. Nền kinh tế vẫn còn trì trệ bởi mô hình bao cấp với những đặc trưng của thời chiến, khiến cho đời sống người dân thập phần khó khăn.

Mấu chốt của vấn đề là phải khai thông sản xuất, làm cho kinh tế phát triển, cải thiện từng bước đời sống người dân. Dân tin Đảng qua bao năm chiến tranh, giờ đây Đảng phải làm cho dân tin rằng, Đảng có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước làm kinh tế thành công, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Đang là Phó trưởng ban Xây dựng kinh tế mới Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1979, ông Tư Sang được điều về làm Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai ở huyện ngoại thành Bình Chánh. Đây là nông trường đang gặp nhiều khó khăn, đời sống công nhân hết sức bấp bênh. Có lẽ, tổ chức khi phân công đồng chí Tư Sang mới 30 tuổi về đây làm giám đốc một nông trường, đã tính rằng sức trẻ, nhiệt huyết cách mạng cùng với kiến thức của một trí thức trẻ sẽ giúp vực dậy nông trường làm ăn thua lỗ trong nhiều năm.

Về Nông trường Phạm Văn Hai, việc đầu tiên ông Tư Sang tính là phải tìm ra loại cây trồng thích hợp với nông trường. Đất đai nông trường không thích hợp cho việc trồng lúa, vả lại có trồng được thì hiệu quả cũng không cao. Cuối cùng, quyết định sản phẩm chủ lực của nông trường phải là trái dứa (người miền Nam gọi là trái thơm). Ngay từ thời ấy, cho dù những kiến thức hiện đại về kinh tế còn chưa được cập nhật, nhưng với kinh nghiệm của người từng nhiều năm theo dõi công việc của các nông trường và khu kinh tế mới, ông Tư Sang đã xác định làm kinh tế là phải có hiệu quả và nhận biết ra cái mà sau này các nhà kinh tế học gọi tên là “chuỗi giá trị toàn cầu” và xác định mình nằm ở đâu trong “chuỗi giá trị” đó!

Việc thứ hai mà Giám đốc Tư Sang thực hiện là tổ chức lại sản xuất. Một bộ phận những trí thức có bằng canh nông, tiến sĩ nông nghiệp trước đây khoác áo quân đội chính quyền Sài Gòn, vẫn đang trong tình trạng “ngồi chơi xơi nước”, được mời về Phòng Kỹ thuật, có nhiệm vụ áp dụng những công nghệ mới vào hoạt động sản xuất của nông trường. Phải nói rằng ở thời điểm ấy, cách dùng người như vậy đòi hỏi không chỉ có sự can đảm mà còn phải có một cách nhìn nhân văn sâu sắc. Máy móc do Liên Xô viện trợ cơ giới hóa cùng với những kiến thức khoa học được áp dụng đã mang lại sức sống mới cho sản xuất ở nông trường.

Điểm đột phá mà Giám đốc Tư Sang tiến hành trong sự e dè của không ít người xung quanh là cho thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, một việc động trời lúc bấy giờ. Sau khi ông Kim Ngọc thực hiện “khoán chui” ở Vĩnh Phú và bị kỷ luật, cơ chế quan liêu bao cấp, vốn triệt tiêu mọi động lực làm giàu cá nhân, vẫn tồn tại, xã hội vẫn dị ứng với từ “khoán”. Nhưng cuộc sống có lý lẽ riêng của nó và ông Tư Sang quyết liệt cho làm!

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm đồng lúa tại Cu - ba, ngày 30-9-2015. Ảnh: TTXVN

Nhưng điều quan trọng hơn cả có lẽ nằm ở chỗ trong những ngày ấy, khó có thể phân biệt được đâu là Giám đốc Tư Sang, đâu là anh em công nhân! Hình ảnh vị Giám đốc nông trường đầu trần, chân đất, bộ quần áo trên người không khác mấy so với công nhân, bạc màu vì nắng gió, suốt ngày lội ruộng cùng anh em công nhân, những thanh niên xung phong lúc đó và dân Sài Gòn về đây lập nghiệp, đã kích thích mạnh mẽ năng lực lao động của bà con… Đến đêm, ông Tư Sang lại xuống với anh em bảo vệ, tìm hiểu về đời sống, cùng họ đi tuần tra nông trường!

Sau một năm rưỡi, Nông trường Phạm Văn Hai bắt đầu làm ăn có lãi do lứa sản phẩm đầu tiên đã có hiệu quả.

Ông kể: Nghe tiếng ông Năm Xuân (tức ông Mai Chí Thọ, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) xuống. Đứng trước hàng ngàn héc-ta dứa bạt ngàn, ruộng thẳng tít tắp, trái nào cũng mập mạp, mũm mĩm, ông ấy hỏi: “Mày làm cách nào hay vậy?”. Tôi kể cho ông Năm Xuân nghe chuyện Phòng Kỹ thuật gồm những anh em từng làm việc cho chế độ cũ lưu dung, hướng dẫn số kỹ sư trẻ mới ra trường về đây, rồi chuyện khoán sản phẩm. Ông ấy gật gù: “Được đấy, miễn là làm ăn có hiệu quả, không tư túi là được. Công nhân họ làm vượt định mức thì để họ làm và họ hưởng, có gì đâu mà cấm cản!”.

Ông Phạm Hùng, khi ấy là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nghe lời giới thiệu của các ông: Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh); Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), cũng lặn lội xuống thăm nông trường. Giám đốc Tư Sang đưa ông Phạm Hùng đi thăm ruộng bằng chiếc ô tô cũ kỹ, chỉ khổ cho cánh bảo vệ lo sốt vó, sợ hai ông ngã xuống ruộng! Ông Phạm Hùng nghe Tư Sang kể chuyện nông trường, tấm tắc khen: “Các cháu làm được quá!”. Tranh thủ lúc ông Phạm Hùng đang vui, Giám đốc Tư Sang xin phép dùng một phần sản phẩm dứa trồng trên đất thổ cư của công nhân, không phải tài sản của nông trường, tặng anh em bảo vệ đi theo ông để cúng ông bà những ngày đầu Xuân. Ông Phạm Hùng vui vẻ đồng ý (ông vốn là người nghiêm khắc, không ai dám tặng quà).

Nhưng không phải mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái như thế. Cũng có ý kiến nói ra nói vào chuyện Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai chi gấp đôi định mức quần áo bảo hộ lao động cho anh em (vì gai dứa cào tưa tướp hết cả) là “vi phạm nghiêm trọng chế độ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa”, rồi thực hiện “khoán sản phẩm” là đi theo con đường “tư bản chủ nghĩa”… Với những ý kiến này, ông Tư Sang quyết liệt phản bác. Ông bảo: “Đây là tôi hiện thực hóa tư tưởng của Lê-nin trên đồng ruộng, coi yếu tố quyết định tính ưu việt của một chế độ xã hội là năng suất lao động cao hơn bên kia…”. Cuối cùng thì những ý kiến phản đối cách làm của ông cũng nhạt dần.

Chính những đốm sáng về đổi mới cách làm, cách nghĩ như của Nông trường Phạm Văn Hai dưới sự lãnh đạo của ông Tư Sang và những người đương thời đã góp phần kinh nghiệm thực tiễn để Đảng tiến hành công cuộc đổi mới sau này, bắt đầu từ năm 1986. Còn với nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên nông trường, sẽ còn đọng lại mãi trong họ hình ảnh ông Giám đốc Tư Sang ngày 28 Tết quyết liệt lên ngân hàng thành phố đòi tiền mặt để chi lương cho công nhân ăn Tết, và trong những ngày tháng gian khó, đã dãi nắng dầm mưa cùng lội ruộng với họ để cho trái thơm mọc trên đất phèn đầy cỏ năn, cỏ lác ngập nước quanh năm…

*

*   *

Đấy là những chuyện tôi được nghe ông kể về giai đoạn ông làm Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai. Hơn 35 năm sau, tôi đã tận mắt chứng kiến ông Tư Sang vẫn lội ruộng với một tác phong làm việc sâu sát, tỉ mỉ, gắn liền với công việc đồng áng nhưng đồng thời cũng là công việc… ngoại giao của một Chủ tịch nước!

Bởi, lần này ông lội ruộng trên những cánh đồng của đất nước Cu-ba anh em!

Từ Niu Y-oóc, chiếc chuyên cơ chở chúng tôi vượt qua ba múi giờ, thẳng hướng La Ha-ba-na trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cu-ba của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, diễn ra hồi cuối tháng 9-2015. Nhiều anh em trong số chúng tôi lần đầu đến Cu-ba, cứ hồi hộp y như lần đầu hẹn gặp người yêu!

Từ Niu Y-oóc phồn hoa đô hội đông nghẹt người với rừng cao ốc bê tông chọc trời, sau ba giờ bay, chúng tôi như lọt vào một thế giới khác. Đấy là một La Ha-ba-na chậm rãi, với những tòa nhà thâm thấp, những nụ cười sáng trên gương mặt người dân trên đường phố, nơi các em nhỏ ở các trường phổ thông ríu rít đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang như đón người ông trở về nhà.

Đấy là một Cu-ba quả cảm trước sóng gió Ca-ri-bê và những đòn cấm vận nghiệt ngã trong suốt hơn nửa thế kỷ để giữ gìn phẩm giá của một dân tộc không chịu khuất phục trước cường quyền. Cu-ba kiên cường vượt qua trùng trùng khó khăn bằng nỗ lực của chính mình và bằng sự giúp đỡ của bạn bè, anh em, mà một trong số đó chính là những trợ giúp trong lĩnh vực nông nghiệp đến từ bên kia địa cầu, từ Việt Nam.

Những hoạt động ngoại giao chính thức dồn dập trôi đi và trong ngày cuối cùng của chuyến thăm Cu-ba, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang quyết định đi thăm tỉnh Ca-li-me-te, cách La Ha-ba-na chừng 170 cây số.

Sau này, tôi có hỏi ông là vì sao lại chọn điểm đến là ngoài ruộng lúa chứ không phải là những hội trường sạch sẽ tinh tươm, ông nói: “Hồi mình khó khăn, Cu-ba đã giúp mình hết lòng. Nay mình giúp họ thì phải giúp ở cái chỗ khó khăn nhất là khâu lương thực, mà muốn vậy thì phải lội ruộng để nghe họ nói và xem họ làm chứ”.

Ở đây có một dự án sản xuất lúa gạo của các bạn Cu-ba với sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật của các chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam. Những dự án như thế này đã giúp các bạn Cu-ba tăng cường tính tự chủ về nguồn cung cấp gạo, giảm dần lượng gạo mà Cu-ba phải nhập khẩu hằng năm từ 400.000-500.000 tấn trong giai đoạn 2005-2011 xuống còn mức 300.000 tấn trong giai đoạn 2012-2015.

Sau khi nghe chuyên gia của hai bên báo cáo ở trụ sở, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang quyết định ra thăm ruộng. Vẫn một khung cảnh quen thuộc giống hệt như ở Việt Nam với những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, từng đàn cò trắng chấp chới bay.

Theo những bờ ruộng nhỏ cùng mấy người nông dân Cu-ba, Chủ tịch nước đi sâu vào cánh đồng lúa. Ông cúi xuống quan sát kỹ từng giánh lúa, sôi nổi trao đổi với mấy người nông dân Cu-ba rồi tiếp tục đi. Chỉ trong chốc lát, đế giày của Chủ tịch nước đã bám một lớp bùn dày cộp...

Nhìn ông lúc ấy, tôi lại hình dung ra ông Tư Sang trong những câu chuyện ở nông trường ngày xưa, vẫn với một bầu nhiệt huyết vô bờ đối với công việc, cung cách làm việc tỉ mỉ, đi sâu đi sát tới từng thửa ruộng, từng người nông dân… Cho dù là giám đốc nông trường hay với cương vị người đứng đầu Nhà nước, ở ông, vẫn là một người gắn bó với nhân dân, với đất đai, đồng ruộng…

Chính cái cốt cách ấy đã làm nên một vị “Chủ tịch lội ruộng” không lẫn vào đâu được của ông Tư Sang.

YÊN BA