QĐND - Đã gần một thế kỷ, kể từ năm 1930, mùa xuân không chỉ mang về nắng ấm mưa nhuần cho vạn vật nảy nở đua tươi, mà còn mang về cho lòng người nỗi nhớ về một sự kiện trọng đại. Đó là một sự kiện mà nhờ nó, dân tộc ta được giải phóng, biết đến tự do-Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam!

Đó cũng là ngày mà các đảng viên soi mình vào tiền nhân, soi mình vào lý tưởng để xứng đáng với tên gọi “đồng chí” thiêng liêng; ngày Đảng soi mình vào nhân dân để biết ơn sinh thành, dưỡng dục, để gắng làm người con chí hiếu. “Đảng ta con của phong trào”... Đảng ta gian lao, niềm nỗi với nhân dân; không thể là đảng của xe hơi, máy lạnh!

Thời chống Mỹ, cứu nước, nhà thơ Chế Lan Viên từng có những câu thơ nổi tiếng, không ai không thấy đó là tiếng lòng mình:

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn…

Đó là "Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng/ Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ" (Chế Lan Viên); là thời đại “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận/ Có Đảng ta đây, có Bác Hồ” (Tố Hữu). Đảng và Bác Hồ là niềm tin tất thắng, là tình cảm sâu xa nhất trong mỗi trái tim người, là đề tài lớn của nghệ thuật. Vì sao vậy? Vì Nhân văn, Cái đẹp là mục tiêu muôn đời của nghệ thuật. Đảng là hiện thân của Nhân văn, của Cái đẹp; là người đã làm cho “đất nước hóa thành văn”, cho Việt Nam trở thành biểu tượng của lương tri nhân loại. "Hình của Đảng lồng trong hình của Nước", câu thơ ấy của Chế Lan Viên có sức khái quát rất cao, vừa nói được sự gắn bó máu thịt của Đảng với dân tộc, vừa nói được lý tưởng cao đẹp vì dân tộc cũng như sự trường tồn của Đảng khi gắn với dân tộc.
Cũng cần điểm lại đôi dòng lịch sử. Thực dân Pháp đô hộ nước ta suốt gần một thế kỷ. Nó không đè bẹp được ý chí yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân ta, nhưng nó lấy sức mạnh của một thời đại phát triển hơn về tư tưởng, về phương thức sản xuất, về khoa học kỹ thuật... để chiến thắng một thời đại phong kiến chậm phát triển hơn. Vì thế, mọi cuộc khởi nghĩa nông dân từ Trương Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… đều thất bại. Ngay cả Việt Nam Quốc dân đảng, một tổ chức cách mạng thành lập trước Đảng Cộng sản Việt Nam của những nhà trí thức yêu nước (sau này mới có sự tha hóa) dù có tinh thần yêu nước, hy sinh rất cao, có sự tham gia của những quân nhân chuyên nghiệp... nhưng chỉ với tinh thần xả thân thủ nghĩa, “không thành công cũng thành nhân” của Nho giáo nên cũng sớm bị diệt vong. Tuy thất bại, tinh thần, khí phách của họ đã thành khí thiêng đất nước.

Từ rất sớm, những người thức thời đã nhận biết rằng, muốn thắng Pháp, muốn đưa đất nước tiến lên, phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… là những người như vậy. Kế thừa những tư tưởng, những thành quả hoạt động cách mạng đó, lại sớm gặp được Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc-Bác Hồ kính yêu đã tiếp thu được tư tưởng của một giai cấp tiên tiến hơn, tư tưởng của giai cấp vô sản. Và Người đã hợp nhất tất cả các tổ chức cộng sản trong nước, những người cộng sản Việt Nam ở nước ngoài thành một chính đảng thống nhất, duy nhất theo tinh thần chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, tên gọi từ ngày 3-2-1930 và cũng là tên gọi ngày nay. Từ đó, sự vận động của cách mạng Việt Nam gắn chặt với sự vận động chính trị toàn cầu, lịch sử Việt Nam gắn chặt với lịch sử thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam không chỉ giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của những kẻ thù xâm lược mà còn tiên phong trong việc đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ và mới; mở đầu phong trào giải phóng dân tộc, là hạt nhân của phong trào hòa bình thế giới. Điều đó được nhân dân thế giới thừa nhận, cảm phục trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Điều đó ngày nay được thừa nhận bởi Liên hợp quốc qua phát biểu của Tổng thư ký Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) trước Quốc hội Việt Nam ngày 23-5-2015: Việt Nam là nước tích cực và tham gia có hiệu quả trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, do đó, với nhiều kinh nghiệm phát triển, người dân tài năng, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Nhìn vào cuộc sống hôm nay, tuy còn khoảng cách xa với các nước phát triển; tuy còn nhiều điều đáng lo lắng; song chúng ta cũng đang được sống trong những điều kiện vật chất và tinh thần kỳ diệu mà trước đây chúng ta thậm chí còn chưa mơ tưởng tới. Nếu các thế hệ sau này hiểu rằng, Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân được coi như thần tiên của các thế hệ trước thì họ sẽ xót xa cảm thương hay khinh mạn về một mơ ước tầm thường, nhỏ mọn?

Sự chuyển mình kỳ diệu của một dân tộc, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới trở thành một tâm điểm của thời sự quốc tế; từ một dân tộc “đói nghèo trong rơm rạ”, hầu hết mù chữ trở thành một dân tộc có chỉ số hạnh phúc cao trên thế giới, đó là một sự thật hùng hồn.

Những ai yêu chuộng sự thật, đòi hỏi sự thật, và cần phải như vậy, không thể không thừa nhận sự thật này!

Để có sự thay đổi ấy là có nhân dân vĩ đại, nhân dân tài năng như đánh giá của ông Ban Ki Mun. Nhưng nhân dân ấy phải được lãnh đạo bởi một Đảng vĩ đại, Đảng tài năng, Đảng đại biểu cho hệ tư tưởng tiên tiến nhất và tuyệt đối trung thành với lợi ích nhân dân.

Đảng Cộng sản là hiện tượng mới, sứ mệnh của nó là người dẫn dắt thời đại "Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng" như Lu-i A-ra-gông cảm nhận. Đảng vừa là sự kỳ vĩ, vừa là sự thân thuộc nhất. Thơ ca viết về Đảng đã thể hiện được hai điều ấy!

Với một điều gì quá đẹp, quá vĩ đại, người ta rất khó mô tả. Thì phải so sánh. Cha ông ta từng so sánh: "Thấy em như thấy mặt trời/ Chói chang khó ngó, trao lời khó trao". Đảng ta, ánh sáng dẫn đường, cũng được ví với vầng dương, với những gì tỏa sáng nhất. Biết bao nhiêu câu hát hay về Đảng đều có ví von ấy, như: "Vừng trời đông ánh hồng tươi sáng bừng lên" (Đỗ Minh); "Như hoa hướng dương hướng về mặt trời" (Tô Vũ); "Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao" (Nguyễn Đức Toàn). Trong hầu hết các bài thơ của mình, nhà thơ Tố Hữu đều dùng đến hình tượng mặt trời để ngợi ca Đảng: "Mặt trời chân lý chói qua tim" (Từ ấy); "Từ vô vọng, mênh mông đêm tối/ Người đã đến. Chói chang nắng dội" (Một nhành xuân). Xuân Diệu ví Đảng với người khổng lồ gánh trên vai đất nước, với kim tự tháp:

Đảng Cộng sản Việt Nam, là một đó

Kim tự tháp diệu kỳ trong vũ trụ

Hồ Chí Minh là đỉnh sáng: Ngôi sao

Và thân mình dám ngạo cả trời cao

Là vai gắn của biết bao đồng chí.

Và nền tảng vững vàng hơn chiến lũy

Là nhân dân, là dân tộc quật cường.

Bác Hồ là người thành lập Đảng, với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, Người thấy công lao của Đảng như biển rộng, núi cao, là biểu tượng của văn hóa và đạo đức: Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/ Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/ Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no (Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng ngày 5-1-1960).

Ở phía khác, phía nhìn Đảng thân yêu, thân thiết như những gì thân yêu, thân thiết nhất của mình, như chính bản thân mình trong những khát vọng cao đẹp nhất là phía sáng nhất trong thơ ca viết về Đảng. Nó nói lên cội nguồn, bản chất nhân dân của Đảng, sự gắn bó máu thịt của Dân và Đảng. Cho nên nó thiêng liêng và bất tử. Tôi nghĩ, mỗi đảng viên dự bị sắp được chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng nên được biết bài thơ "Kết nạp Đảng trên quê mẹ" của Chế Lan Viên:

Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác

Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt

Đá sỏi cây cằn, sao bỗng thấy thiêng liêng?

Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn

Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết!...

Mẹ ơi! Mẹ không là đồng chí

Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ

Đời khổ đau mẹ đứng dưới cờ này

Mẹ đói nghèo, hàng ngũ bên con đây

Mẹ xem, con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc

Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát

Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?

Nhà thơ Khương Hữu Dụng trong bài “Những tiếng thân yêu” viết năm 1960, bên cạnh tiếng "Mẹ", tiếng "Con" là những tiếng tự nhiên, thân yêu nhất của mỗi con người, có thêm tiếng "Đảng".

Anh ngã xuống một buổi chiều Quảng Trị

Không kịp về kết nạp Đảng đêm nay

Đứa em út bây giờ trong đội ngũ

Đảng là anh trong thương nhớ vơi đầy…

Và vần thơ đẹp nhất viết về Đảng chính là cuộc đời hy sinh vì dân, vì nước của hàng triệu đảng viên. Là Trần Phú, người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, trước khi chết còn dặn đồng chí “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Là Lý Tự Trọng ra pháp trường dõng dạc: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm là vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng, con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác...”. Là Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 24-5-1944, trước khi ra pháp trường chịu án chém, đã cất lên tiếng nói chân lý và lời tuyên án chế độ thực dân xâm lược: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng!”. Trong thơ tuyệt mệnh, đồng chí đã thể hiện một lối sống “ngọc nát còn hơn giữ ngói lành” để đời đời biết mà noi theo, noi theo để mà bền vững và sáng đẹp!

Và tôi, người viết những dòng này, luôn nghĩ về Đảng, thấy Đảng trong những điều cao đẹp ấy, hằng ngày, Đảng ở nơi nhịp tim tôi đập:

Tôi không thể sống một ngày không nhớ

Tôi từ đâu và đất nước từ đâu

Ngày nô lệ, máu thành dòng tới bể

Đến trời xanh cũng không có trên đầu!

Tôi không thể không căm hờn những kẻ

Làm ô danh Đảng vĩ đại của mình

Tôi không thể không khinh thường những kẻ

Hưởng rất nhiều mà không một ghi ơn!

 

Đất nước đã bừng lên vận mới

Nhưng làng quê còn sấp ngửa luống cày

Tôi không thể sống một ngày không nhớ

Một ngày mình theo Đảng để vì ai!

Nhà thơ NGUYỄN SĨ ĐẠI