QĐND - “Lòng tin chiến lược” là cụm từ mang ý nghĩa như một thuật ngữ chính trị của thời đại mới, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Quân đội ta nhấn mạnh trong nhiều hoạt động ngoại giao, đối thoại quốc tế thời gian gần đây. Đại hội lần thứ XII của Đảng, với tinh thần của một “Hội nghị Diên Hồng” thời đại mới-thời đại của những thời cơ, vận hội và thách thức đan xen, đã mở ra một trang mới trong xây dựng và củng cố lòng tin, bảo đảm cho đất nước phát triển ổn định, phồn vinh…
 |
Khối học viên Trường Sĩ quan Chính trị trong Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2-9-2015. Ảnh: DŨNG KIỆT |
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực xảy ra nhiều biến động phức tạp, nền hòa bình và cuộc sống của nhân loại bị đe dọa, bất an bởi chủ nghĩa khủng bố, xung đột tôn giáo, sắc tộc, chiến sự cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ…, để duy trì mối quan hệ chiến lược bền vững, gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ, đòi hỏi phải xác lập và duy trì lòng tin chiến lược trong các mối quan hệ, cả song phương và đa phương. Thực tiễn cách mạng ở nước ta qua các thời kỳ cũng đã chứng minh, niềm tin chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam gắn với các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, các tổ chức, đoàn thể, trường học lại mời những tướng lĩnh, cựu chiến binh đã từng kinh qua lửa đạn chiến tranh, đến nói chuyện, giao lưu, tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong một cuộc gặp gỡ mới đây, nhiều cháu học sinh bậc trung học cơ sở hỏi Trung tướng Lê Nam Phong, vị tướng già từng là Đại đội trưởng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn trưởng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Tại sao giặc Pháp, giặc Mỹ quân đông, vũ khí mạnh như vậy mà các bác lại đánh thắng? Khi đánh giặc, bác có sợ chết không?”. Vị tướng già hỏi lại: “Thế khi gặp một bài tập khó, các cháu có sợ không? Nếu sợ và nghĩ rằng mình không làm được, có thể ta sẽ buông xuôi. Ngược lại, nếu có niềm tin sẽ làm được, các cháu sẽ quyết tâm bằng mọi cách để tìm ra đáp số. Các bác khi đi đánh giặc, ai cũng có một niềm tin vững chắc ở Đảng ta, một lòng trung thành với Đảng để chiến đấu và chiến thắng. Ai cũng có niềm tin sắt đá rằng kẻ thù xâm lược nhất định sẽ bị đánh bại, đất nước nhất định sẽ được giải phóng, non sông nhất định sẽ thống nhất. Khi có lòng tin vững chắc vào việc chúng ta làm, vào mục tiêu, lý tưởng chúng ta theo đuổi, chúng ta sẽ đoàn kết, thống nhất tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi thử thách, khó khăn, đi đến thành công…”.
 |
Bạn bè quốc tế với Hà Nội. Ảnh: Đặng Thư. |
Kể một câu chuyện nhỏ như vậy để thấy rõ hơn, cuộc sống con người, từ mỗi cá nhân cho đến cộng đồng, xã hội và cao hơn hết là vận mệnh của quốc gia, dân tộc, quốc tế, mọi thành công hay thất bại đều có phần quyết định quan trọng bởi yếu tố lòng tin. Điều này đã trở thành chân lý của lẽ sống, được đúc kết từ lịch sử hàng ngàn năm lao động, sản xuất, đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông. Đại sư Mãn Giác (1052-1096), một thiền sư đời thứ 8 của dòng thiền Vô Ngôn Thông đời nhà Lý, đã để lại cho hậu thế nhiều áng thơ thiền bất hủ về lòng tin của con người trước cuộc sống, nổi tiếng nhất là hai câu trong bài “Cáo tật thị chúng”: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai-Ngô Tất Tố dịch). Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, giáo dục về lòng tin của con người là một trong những đề tài được đề cập phong phú, đa dạng: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…”. Cho dù ở vào hoàn cảnh khó khăn, cùng cực nhất, cha ông ta vẫn luôn răn dạy con cháu không bao giờ được đánh mất niềm tin. Vật chất, của cải trên đời mất đi đều có thể lấy lại, làm lại được, nhưng mất niềm tin là mất hết. Niềm tin là sức mạnh nội sinh giúp con người vượt lên hoàn cảnh, số phận. Niềm tin sinh ra hy vọng. Niềm tin như ánh lửa, thắp sáng, soi đường hy vọng…
Tôi sinh ra ở vùng quê Sơn Trà, Hương Sơn, nơi được coi là cái “rốn nghèo” của đất Hà Tĩnh. Tôi nhớ mãi năm Mậu Ngọ 1978, khi đó tôi mới 7 tuổi, quê tôi xảy ra trận lụt kinh hoàng nhấn chìm, cuốn phăng mọi thứ. Dân làng tôi nhiều người chỉ còn độc cái quần đùi trên người. Trong cùng cực khốn khó, ông bà nội tôi gạt nước mắt chụm lửa nướng mấy củ sắn còi chia nhau cầm hơi. Ông tôi nhìn lên dãy núi Mồng Gà cao xanh bên bờ sông Ngàn Phố, nói với con, cháu: “Còn màu xanh là còn cái ăn. Chúng ta sẽ lên đó”. Cái Tết năm ấy, cả làng tôi phải nghiền sắn khô trộn nếp nấu bánh chưng. Đói kém là thế nhưng người làng không ai tuyệt vọng. Ba ngày Tết làng vẫn rôm rả không khí đón mừng năm mới và chúc cho nhau vượt qua những tháng ngày khốn khó. Mồng Ba Tết, lũ cháu chúng tôi theo ông leo núi, lật từng hòn đá nhổ rau má, hái lá rừng kiếm cái ăn qua ngày. Cả nhà bám núi khai hoang trồng sắn. Thế rồi sắn mọc đầy nương, lúa lại xanh đồng. Vượt qua được năm đói do lụt lớn, làng đã nghĩ ra cách để ứng phó với những trận lụt năm sau, chủ động sơ tán con người, của cải lên núi cao để tránh thiệt hại. Từ trận lụt lịch sử ấy, cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước đưa dân lên núi, hình thành nên những khu làng sầm uất dọc theo chân núi Mồng Gà hôm nay…
Tổ quốc, quê hương ta ngàn đời nay chưa bao giờ có được sự yên ả trọn vẹn. Nào lo chống giặc ngoại xâm, nào lo đối phó với thiên tai khắc nghiệt. Có được hòa bình, độc lập nhưng nhân dân ta vẫn luôn phải cảnh giác trước những mối đe dọa, lăm le từ các thế lực bên ngoài. Người Việt Nam ta yêu chuộng hòa bình, không một ai mong muốn trời mau sáng để bình minh ra trận, nhưng khi đất nước bị đe dọa xâm lăng, không ai từ chối cầm súng đánh giặc, giữ nước. Người chiến sĩ trên chiến trường, nơi sự sống và cái chết chỉ là một lằn ranh rất mong manh, trong thời khắc ngã xuống trước họng súng quân thù, ai cũng có niềm tin vào chiến thắng. Niềm tin mãnh liệt khi có Đảng soi đường, chỉ lối giúp họ biết xả thân vì nghĩa lớn, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Đó là những phẩm chất kết tinh thành giá trị văn hóa, đạo đức của Bộ đội Cụ Hồ suốt 71 năm qua…
Hơn tám thập kỷ giữ vai trò là người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nhiều lần đứng trước sự thử thách cực kỳ khắc nghiệt của lịch sử. Có lúc con thuyền ấy bị bủa vây bởi phong ba bão tố dồn dập, đến mức không ít người, không ít thế lực lầm tưởng nó sắp bị nhấn chìm, nhưng bằng bản lĩnh, trí tuệ được tôi luyện qua thực tiễn, trong mọi hoàn cảnh, dù gian nguy, thử thách đến đâu, Đảng vẫn vững niềm tin vào nền tảng tư tưởng chính trị của mình, đội ngũ đảng viên và quần chúng nhân dân vẫn trọn vẹn lòng tin vào Đảng.
Đại hội lần thứ XII của Đảng diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, nhất là trên Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Đây cũng chính là thời cơ chống phá kịch liệt bằng âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và những phần tử phản động. Họ đã triệt để lợi dụng sự bùng nổ của mạng lưới thông tin toàn cầu, đặc biệt là mạng xã hội trên internet và những tồn tại, khuyết điểm trong lãnh đạo, điều hành đất nước của Đảng, Nhà nước ta để thực hiện những “chiến dịch” công kích, xuyên tạc, bóp méo, bôi đen hòng làm mất uy tín của Đảng, kích động nhân dân quay lưng với Đảng, phá hoại Đại hội Đảng. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, lịch sử đã chứng minh lòng tin của toàn dân, toàn quân ta đối với Đảng là không thể chuyển xoay. Đại hội XII của Đảng trở thành một “Hội nghị Diên Hồng” để bàn việc nước. Thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là một trang mới của lòng tin chiến lược giữa Đảng với toàn dân, toàn quân ta; giữa Việt Nam với bè bạn quốc tế. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tin tưởng tuyệt đối và sâu sắc, đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Đảng hội tụ đủ đức, tài, kết thành một khối thống nhất lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hội nhập. Đại hội XII của Đảng cũng đã gửi thông điệp đến bạn bè quốc tế, Việt Nam tiếp tục là bạn với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên tinh thần hợp tác, đôi bên cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam kiên định mục tiêu, giải pháp giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Sự thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII đem đến ý nghĩa đặc biệt cho Tết Bính Thân 2016, Tết của nghĩa tình và niềm tin tất thắng. Lòng tin chiến lược của Đảng được kết nối, hội tụ từ niềm tin, bản lĩnh, ý chí của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân ta.
Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN