QĐND - Xuân này, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Đức Sử đã bước sang tuổi 88. Ông tâm sự rằng, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, những ngày vinh dự được bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhất là khoảnh khắc sum họp trong buổi sáng mùa Xuân Độc lập 1946 là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời.
 |
Đồng đội cũ chúc mừng ông Phan Đức Sử đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, tháng 9-2015. Ảnh: KHÁNH LINH |
Vinh dự đặc biệt
Anh hùng Phan Đức Sử sinh năm 1929, tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cụ thân sinh ra ông từng là chánh văn phòng, kiêm phiên dịch cho chánh sứ người Pháp cai quản các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhận thấy những công việc mình làm lâu nay chỉ giúp bọn thực dân chiếm đóng, bóc lột đồng bào mình nên cụ bỏ việc, đưa gia đình về Hà Nội, ở số nhà 18 phố Đồng Khánh (nay là phố Hàng Bài) mở hiệu ảnh. Chị gái ông lấy ông Nguyễn Văn Hữu, là Việt kiều ở Pháp về. Gia đình ông Hữu ở Pa-ri có mở hiệu ảnh Hai Duyên, nơi Bác Hồ từng học nghề và làm ảnh khi hoạt động cách mạng ở nước Pháp.
Ảnh hưởng từ người cha có tinh thần yêu nước, từ khi còn là học sinh, Phan Đức Sử đã tham gia tổ chức hướng đạo sinh của cụ Hoàng Đạo Thúy, sau được kết nạp vào Đoàn Thanh niên tuyên truyền Việt Minh quận Hoàn Kiếm. Ngày 15-8-1945, ông gia nhập tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu, tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ làm Trung đội trưởng Trung đội cận vệ của Bắc Bộ Phủ. Vinh dự này đến với ông quá bất ngờ. Ông nhớ lại: “Từ sau Lễ Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 48 Hàng Ngang chuyển về Bắc Bộ Phủ ở và làm việc. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, nhận thấy bọn Quốc dân đảng thường xuyên tổ chức các vụ ám sát, bắt cóc những đồng chí lãnh đạo, Trung ương Đảng bố trí thêm địa điểm bí mật ở số 8 phố Lê Thái Tổ để bảo vệ Bác. Hằng ngày, Người sang Bắc Bộ Phủ làm việc, tối về số 8 Lê Thái Tổ nghỉ và họp với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Ở Bắc Bộ Phủ, một đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ thành Hoàng Diệu được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác. Tôi được đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng) trực tiếp giao nhiệm vụ làm Trung đội trưởng Trung đội cận vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cấp cao khác”.
Được ở gần Bác nhưng ông ít có dịp được tiếp xúc với Người. Bởi khí thế tưng bừng của Tổng khởi nghĩa qua đi rất nhanh, nhường vào đó là bầu không khí căng thẳng khi nhà nước non trẻ của chúng ta phải đứng trước vô vàn thử thách, ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ông kể: “Trong những ngày ấy, Bác làm việc suốt ngày, hầu như ít nghỉ ngơi. Hằng ngày, Bác đến Bắc Bộ Phủ từ sớm tinh mơ. Người tiếp khách trong và ngoài nước, các đoàn đại biểu nhân dân, nhân sĩ, trí thức... Nếu không tiếp khách, Người ở trong phòng làm việc cả ngày, chỉ đến bữa mới nghỉ để ăn trưa. Có những lúc dứt khỏi công việc, Bác xuống chỗ anh em bảo vệ chúng tôi, hỏi han tình hình gia đình, công việc rồi quay trở lại phòng làm việc ngay”.
Thời gian ông Phan Đức Sử làm nhiệm vụ bảo vệ Bác gần một năm. Cuối năm 1946, để chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến, ông được chỉ định làm trợ lý tác chiến cho đồng chí Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội.
Ký ức về Tết Độc lập đầu tiên
Trong căn phòng khách của Anh hùng Phan Đức Sử, có một bức ảnh đen trắng đã ố màu bởi thời gian nhưng được treo ở vị trí trang trọng nhất. Thấy tôi chăm chú nhìn bức ảnh, ông gỡ xuống, nâng trên tay, ông bảo: “Bức ảnh này do anh trai tôi chụp vào ngày Mồng Một Tết Bính Tuất 1946. Trong ảnh là gia đình tôi, gồm 6 người cùng với một số gia đình các đồng chí khác được ăn Tết với Bác Hồ tại Bắc Bộ Phủ”.
Ông nhớ lại: “Có thể nói, Tết Bính Tuất 1946 là một trong những cái Tết đáng nhớ nhất của nhân dân ta. Đó là Tết Độc lập đầu tiên sau 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Đồng bào Thủ đô hào hứng, phấn khởi, tổ chức đón Tết Nguyên đán rất long trọng để mừng cách mạng thành công, đường phố nhộn nhịp đông vui khác thường.
Hôm đó là chiều 30 Tết, Bác bảo: “Các chú nào có gia đình ở Hà Nội thì mời vào đây vui Tết với Bác”. Tôi mừng quá, chạy một mạch về nhà báo tin cho gia đình. Đêm hôm ấy, sau khi đón Giao thừa xong mọi người trong nhà đều không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng. Sáng Mồng Một, bố tôi bảo chị gái tôi vào Bắc Bộ Phủ từ sớm để cùng tham gia nấu cỗ, còn ông vận áo the, khăn xếp chỉnh tề cùng với các con trai, gái, dâu, rể đến sau. Cỗ được bày trên những chiếc chiếu trong khu vườn Bắc Bộ Phủ. Cha tôi cao tuổi nhất, được Bác mời ngồi cùng ở mâm đầu tiên. Bác ân cần hỏi thăm tình hình ăn Tết của các gia đình. Bữa cơm thân mật đầu Xuân ấy chỉ diễn ra chưa đầy một giờ đồng hồ nhưng vô cùng xúc động.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ông Phan Đức Sử đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Với ông, những ngày được ở gần Bác và nhất là khoảnh khắc sum họp trong buổi sáng mùa Xuân Độc lập ấy là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
HÀ THU