QĐND - Tháng 6-1911, trước khi rời Cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã nói nhỏ với bạn: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Bởi vậy, sau khi tìm được con đường cứu nước, trở về nước luôn là khát vọng cháy bỏng trong Người.
Từ khát vọng đến hiện thực là cả một khoảng cách dài, có khi không thực hiện được. Trong những năm hoạt động ở nước ngoài, một đôi lần Nguyễn Ái Quốc tìm cách “đột nội” nhưng không thành. Ta thấy rõ nỗ lực đó qua báo cáo Người gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930: “Hai lần tôi thử về Việt Nam nhưng phải quay trở lại. Mật thám và cảnh sát ở biên giới rất cảnh giác, đặc biệt là từ khi có vụ Việt Nam Quốc dân đảng”. Thời cơ “đột nội” chưa đến với Người.
 |
Bác Hồ về nước. Tranh sơn dầu của TRỊNH PHÒNG |
Tháng 9-1935, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Xô-viết I-li-a Ê-ren-bua về những ấn tượng mùa xuân trên đất nước Lê-nin và mong muốn của mình, Nguyễn Ái Quốc một lần nữa lại thốt lên: “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc”. Thời cơ “đột nội” của Người vẫn chưa tới. Người cặm cụi đọc sách, lục tìm tư liệu cho dự định nghiên cứu khoa học của mình trong khi thế giới đang chuyển biến chóng mặt, cách mạng Việt Nam đang vẫy gọi. Người cảm thấy công việc đó không đúng lúc, không hợp thời và cô đơn trong thế giới đầy biến động. Ngày 6-6-1938, trong lá thư gửi cho một đồng chí có vai trò trong Quốc tế Cộng sản, Người nói tới địa vị của mình như “ở bên ngoài Đảng” và đề nghị Quốc tế Cộng sản bố trí công tác mới. Được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, ngày 29-9-1938, Nguyễn Ái Quốc rời Mát-xcơ-va với nhiệm vụ “đến Trung Quốc để công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương”. Bắt đầu từ đây, hành trình xích dần lại quê hương của Người phải vượt qua muôn vàn khó khăn.
Người qua ngả Diên An, rồi xuôi về Trùng Khánh. Sau khi bắt được liên lạc với Chi bộ Vân Quý và ban chỉ huy hải ngoại của Đảng ta do đồng chí Phùng Chí Kiên lãnh đạo, Người lập tức về Côn Minh. Trong ngôi nhà của ông Tống Minh Phương, ở phố Kim Bích, Người gặp gỡ những cán bộ cốt cán bàn định việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết để về nước. Ngày 20-6-1940, Pháp bị Đức thôn tính. Nhận thấy đó là dấu hiệu tốt cho thời cơ về nước, Người liền triệu tập một cuộc họp quan trọng tại tòa soạn Báo Đ.T (Đấu Tranh hay Đánh Tây) bàn việc tận dụng thời cơ đó.
Lúc đầu, Người có ý định về nước theo ngả Lào Cai vì có tuyến đường sắt Việt-Điền. Nhưng tháng 9-1940, cầu Hồ Kiều trên tuyến đường sắt đó bị quân Nhật đánh sập, nên Người cho tìm hướng mới. Và hướng mới đó là Cao Bằng bởi ngoài Lào Cai, Cao Bằng quy tụ được nhiều yếu tố về địa-nhân cho sự “đột nội”, cho việc xây dựng chỗ đứng chân, căn cứ địa cách mạng của Người.
Trong thời điểm quyết định lựa chọn hướng “đột nội” thì Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ, phái viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ trong nước sang. Cuộc gặp gỡ kỳ thú đã diễn ra ở làng Tân Khư, Tĩnh Tây (Trung Quốc). Trong cuộc hội ngộ đó, Hoàng Văn Thụ, sau khi báo cáo với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tình hình trong nước, những công việc đã làm và việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng, đã đề nghị Người về nước theo hướng Cao Bằng, vì trình độ giác ngộ của nhân dân tương đối cao và cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Lời đề nghị của phái viên Trung ương Đảng rất khớp với suy nghĩ của Người, bởi trước đó một tháng, Người đã cử Vũ Anh về Cao Bằng tìm một địa điểm thật bí mật, có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường thoái. Theo chỉ dẫn của Nguyễn Ái Quốc, Vũ Anh đã tìm được một địa điểm đáp ứng đầy đủ những yêu cầu khắt khe của lãnh tụ. Đó là hang Cốc Bó thuộc bản Pác Bó, huyện Hà Quảng. Hang thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ. Cách đó không xa là bản Pác Bó-một hàng rào quần chúng bảo vệ rất tốt.
Chiều 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bộ quần áo chàm của đồng bào dân tộc, dẫn đầu đoàn người lặng lẽ và xúc động vượt biên giới ở cột mốc 108 về bản Pác Bó. Vũ Anh đã có mặt dưới chân núi, đón Người về sống trong một nhà dân thuộc bản Pác Bó. Nhưng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lãnh tụ, ngày 8-2-1941, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Già Thu được đưa lên sống và làm việc trên hang Cốc Bó, tiếng Tày là Đầu Nguồn. Vậy là, Cao Bằng với “Ba mặt “Tam giang” trôi cuồn cuộn/ Bốn bề “Tứ trụ” đứng chon von” đã trở thành chỗ đứng chân đầu tiên khi Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm hoạt động nơi góc bể chân trời.
Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, tại mảnh đất thiêng này, trung tuần tháng 5-1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám của Đảng, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã nhóm họp với sự hiện diện của Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu tổ chức đảng hoạt động ở nước ngoài. Hội nghị này thực sự là sự gặp gỡ kỳ thú giữa tư tưởng Hồ Chí Minh trong Hội nghị Hợp nhất và tư duy chính trị thay đổi, cập nhật của Ban Chấp hành Trung ương từ sau Chiến tranh thế giới về việc giải quyết trọn vẹn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp (dân chủ) trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Và đó chính là sự chuẩn bị về đường lối và lực lượng cách mạng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
PGS, TS PHẠM XANH