QĐND - Phong tục Tết Nguyên đán ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 có nhiều nét đẹp với cảnh trí, phong vị đặc sắc của truyền thống văn hóa Việt Nam.
Tết những năm đó đều có hai công đoạn được tiến hành công phu là chuẩn bị Tết và ăn Tết. Về khâu chuẩn bị thì tiến hành “đi Tết”, cụ thể là chọn và mua quà để biếu các nơi, những người đã định. Việc nữa là tùy công việc của mỗi nhà mà xây dựng hay sửa sang, quét vôi ve và trang hoàng nhà cửa, làm cho xong công việc vườn trại, ruộng đồng, mua hoặc chung đụng thịt, cá và rau, dưa, hành, tỏi, muối mắm, gia vị... Sau đó, đàn ông thì đến phố Hàng Lược-phố chợ hoa chọn mua: Lọ cắm hoa, cắm cành đào, cành mai; mua chậu cúc, chậu quất sum suê, sai quả. Đến phố Hàng Ngang, Hàng Đường… mua mấy củ thủy tiên mang về gọt, tỉa và chăm sóc cho nở hoa vào lúc Giao thừa. Người chưa có trang phục mới thì lên phố Cầu Gỗ mua áo the, khăn xếp, loại bọc lụa, xa-tanh hay bọc nhung đen. Nhiều người đến đầu phố Hàng Bồ, phố Hàng Dép mua hoặc thuê đóng đôi giày Gia Định, sang phố Hà Trung mua đôi giày “Tây” da bò thuộc màu nâu sẫm hoặc đen bóng... Còn các bà, các chị thì nhiều người đến phố Hàng Đường mua bánh, mứt, kẹo và sang phố Hàng Hương (Hàng Đậu hiện nay) mua hương trầm, hương xạ, hương bạch đàn, hương thẻ, hương vòng; đến phố Hàng Buồm, Hàng Cân mua bào ngư, long tu, vây cá. Từ tháng 10, 11 có người đã đến phố Hàng Quạt (Lương Văn Can hiện nay) may áo gấm, áo đoạn ở các hiệu may của các ông thợ may quê làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa) nổi tiếng may đẹp. Chị em còn đến phố Hàng Bạc sửa sang các đồ trang sức như: Dây chuyền, hoa tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn cho đỏ hồng, sáng loáng đeo ngày Tết.
 |
Chợ hoa phố Hàng Lược những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu. |
Hoàn thành việc xây mới hay sửa chữa nhà cửa, công trình phụ và sắm tư trang thì các gia đình tiếp tục mua sắm đồ ăn, thức đựng cho ngày Tết và làm cỗ Tết, ăn Tết. Trước hết là lo có nồi bánh chưng, để có món ăn quan trọng, mang hương vị đặc trưng của Tết. Để có bánh chưng thì các nhà có thể mang thóc nếp đi xay, hoặc ra chợ đong gạo nếp ngon; mua ống giang để chẻ lạt gói bánh; đụng lợn hoặc mua thịt ba chỉ mang về xào với hạt tiêu, nước mắm, làm nhân bánh; nhà không có đỗ xanh thì ra chợ mua về đãi sạch vỏ rồi nấu và nắm thành từng nắm làm nhân bánh; mua lá dong, rửa sạch để gói bánh; nếu không có nồi, thùng thì đi thuê, đi mượn, mang về xếp bánh, đổ nước, chất củi gỗ và đun trong đêm 30. Luộc bánh là cảnh đầm ấm nhất của gia đình, người trong nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng có nồi bánh chưng sôi sùng sục, bốc hơi nghi ngút, bánh tỏa mùi thơm, người tiếp củi, người rắc trấu vào bếp thật vui. Bánh chín, vớt ra, xếp từng chồng và ép. Cùng với bánh chưng, các nhà còn giã, gói và luộc giò, hoặc mua giò của làng Ước Lễ, làm chả, nem, mọc. Có nhà có cả giò lụa, giò bì, giò thủ, giò chân, cầu kỳ hơn thì cho trứng luộc, hay mộc nhĩ... vào giữa cái giò, làm nhân; khi cắt khoanh giò ra, trông như những cánh hoa. Ngoài ra, các nhà còn có nồi thịt đông, nồi cá kho ăn với bánh chưng rất ngon; muối vại dưa hành ăn với bánh chưng và muối dưa cải ăn với thịt đông. Rồi, đến chợ Đồng Xuân, Hàng Bồ, Hàng Mã... mua hoa giấy, câu đối, cuốn thư, tranh ảnh... để trang trí và mua hương, nến, vàng mã để bày cúng lễ; mua các đồ khô, đồ chay, gia vị, các loại rượu, bia. Nhà giàu còn mua bóng cá dưa, cá thủ, vây cá, bào ngư, long tu, tổ yến... Nhiều nhà còn có cỗ ngọt với nhiều loại bánh, kẹo, rượu, hạt dưa, mứt sen, mứt quất, mứt gừng, cà phê, nước ngọt, thuốc lá.
Sau khi chuẩn bị mọi thứ đầy đủ thì tắm giặt, thường là tắm nước hoa mùi. Giao thừa đến, nhà nào cũng chúc nhau, có người đi hái lộc mang về cắm trên ban thờ hoặc mái nhà để ước muốn gia đình tươi xanh, vui vẻ, hạnh phúc, có lộc.
Sáng Mồng Một, chọn hai cặp bánh đẹp nhất bày lên ban thờ, thắp hương cúng gia tiên, ông bà. Người lớn vận quần áo đẹp chỉnh tề, trẻ em đều được mặc quần áo mới. Sau khi thắp hương, bày cỗ, khấn vái, cúng lễ tổ tiên, rồi đốt pháo. Các ông còn mang bánh pháo hồng đến đốt khi đến xông đất nhà người thân. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ; học trò đi chúc Tết thầy; thân bằng cố hữu, bạn bè mừng tuổi nhau. Đi chúc Tết rồi thì nhiều ông đi tế ở đình, nhiều bà đi lễ chùa, đền, miếu… Thông thường là cả nhà ra điểm vui chơi công cộng (sân đình, sân chùa, sân vận động, các cửa ô, công viên, đường phố, các hồ…) để tham gia, hoặc xem các trò chơi, ca hát dân gian. Bờ Hồ là điểm vui chơi của nhiều người suốt mấy ngày Tết. Nhiều gia đình cũng vui chơi một hoặc hai, ba trò: Đánh tam cúc, tổ tôm, đánh chắn, bài Tây, mạt chược (bài của người Hoa). Nhà giàu thì mở máy quay đĩa nghe nhạc và bài hát. Nhà giàu, quyền quý còn mời người đến hát ả đào, hát chèo tại nhà.
Người lớn đều vui mừng đón ngày Tết và hả hê sau những tháng ngày làm việc vất vả, tất bật. Trẻ em thì vui thích hơn vì được mặc quần áo đẹp, được nghỉ học, đi vui chơi, được tiền mừng tuổi và ăn cỗ trong nhiều ngày...
NGUYỄN TIẾN BÌNH (tổng hợp)