QĐND - Một hôm, tại tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, tôi nhận được bưu phẩm của Đại tá Nguyễn Đức Toại, một nhà báo kỳ cựu của báo đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Bưu phẩm là cuốn sách, không phải sách văn học tôi thường được bạn bè gửi tặng, mà là sách dạy võ: “Luyện ý-khí-lực và tấn công huyệt đạo”, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh 2005. Trang lót, tác giả ghi: “Đại tá, lão võ sư Trần Tiến thân tặng Phạm Quang Đẩu. Nhờ ông Nguyễn Đức Toại chuyển hộ. Ngày 15-8-2005”.

Võ sư Trần Tiến (1911 - 2011). Ảnh tư liệu

Một tháng sau, tôi vào TP Hồ Chí Minh công tác, đến thăm bác Toại trước. Bác bảo: “Võ sư Trần Tiến vốn nhiều năm trong quân ngũ, đến già vẫn thích đọc Báo Quân đội nhân dân và chú ý đến cậu vì cậu hay viết về các nhân vật như nhà khoa học, nhà thể thao, nhà hoạt động xã hội… nên nhờ mình gửi biếu sách. Địa chỉ nơi ở của võ sư: Số 78, đường Thống Nhất, quận Tân Bình”.

Tôi đến thăm cụ một buổi chiều. Mở đầu câu chuyện về đời mình, lão võ sư nói ngay: “Có một điều khá lạ nhà báo ạ. Những cột mốc quan trọng trong cuộc đời tôi đều gắn với Xuân, với Tết cả. Như tôi sinh dịp Tết Tân Hợi (ngày 4-2-1911) tại Cầu Vồng, Yên Thế, Bắc Giang; lần đầu tiên được gặp đại sư phụ Võ Giang Nam vào một ngày Xuân Mậu Ngọ (1918); sau Tết Giáp Thân (1944) thăng đài, có trận đấu quyết định với võ sĩ người Xin-ga-po; mùa xuân năm Bính Tuất (1946) nhập ngũ; rồi sau Tết Mậu Ngọ (1978) mới lấy sổ hưu…

Thân phụ võ sư Trần Tiến từng tham gia Cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Năm 1913, khi lãnh tụ Hoàng Hoa Thám bị Pháp giết hại, nghĩa quân bị đàn áp, thân phụ phải đổi họ (ban đầu họ Hoàng), mang cả nhà lánh xuống Đồ Sơn, Hải Phòng. Được cha dạy võ từ năm lên 7 tuổi, Trần Tiến tỏ ra rất có năng khiếu. Ngày đó cha được thuê giữ một kho đường cát. Bỗng tối hôm ấy có ba lính Pháp đột nhập định cướp kho. Cha con Trần Tiến chống trả quyết liệt, song không địch lại được ba tên khỏe như trâu vâm. Giữa lúc nguy khốn, có một nhà sư áo nâu sồng nhảy vào, bằng các cú đánh nhanh như tia chớp, cả ba tên cướp đều bị dính đòn bỏ chạy. Rồi nhà sư xoa đầu chú bé Trần Tiến ngợi khen sự gan dạ và hẹn nếu muốn luyện võ phòng thân thì đến Đồ Sơn cổ tự.

Nhà sư chính là võ sư Võ Giang Nam, một cao thủ Thiếu Lâm Nam phái ở Vân Nam, Trung Quốc, đang bị quân Nhật truy lùng nên dạt xuống Đồ Sơn lánh nạn. Từ đó, ngày ngày Trần Tiến đến chùa học võ Thiếu Lâm, thầy cũng mừng khi thu nạp được một trò thông minh dĩnh ngộ. Được vài năm, võ sư biết mình lâm trọng bệnh, không sống được bao lâu nữa, đã chủ động chia tay học trò về nước. Đêm ấy trăng rằm tháng Tám sáng vằng vặc, đệ tử xếp bằng trước sân chùa ngồi nghe thầy dặn dò lần cuối. Bỗng sư phụ cầm con dao cắt vào ngón tay mình, máu nhỏ ròng ròng, nói: Các đòn thế độc ta đã dạy các con cũng là con dao bén này, có thể làm hại người sử dụng nó. Ta muốn các con biết sự lợi hại của võ thuật mà phòng tránh, chứ không phải dùng đến độc thủ.

Ở tuổi ngoài hai mươi, do gặp một “sự cố” trên đất Hải Phòng, Trần Tiến phải giã biệt cha mẹ vào Nam lánh nạn. Đang thời đỉnh cao võ thuật, cũng là một cách để kiếm sống, anh thường lên sàn thi đấu. Những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, anh mau chóng trở thành ngôi sao võ thuật Đông Dương, đoạt nhiều giải tổ chức ở Việt Nam, Thái Lan, Xin-ga-po, Phi-líp-pin… Danh nổi như sóng cồn, anh còn được mời quảng cáo cho một hãng giày lớn trong nước. Đầu năm 1944, có giải quyền thuật tự do ở Xin-ga-po, anh lần lượt hạ hết các đối thủ vòng ngoài, chung kết gặp Tiểu Lâm Xung, võ sĩ người Xin-ga-po gốc Hoa. Các chỉ số về chiều cao, cân nặng của võ sĩ này đều nhỉnh hơn anh. Trận đấu quy định 8 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, không mang áo giáp bảo vệ, chỉ cấm đánh xòe tay, còn những đòn cùi trỏ, đầu gối đều được. Trước đêm thượng đài, đại diện của hãng giày quảng cáo đi cửa sau đến gặp Trần Tiến, truyền mệnh lệnh của chủ là phải thắng, bởi chủ đã đặt cược vào anh, còn nhiều kẻ có máu mặt trong giới cá cược và truyền thông đều nghiêng về võ sĩ Xin-ga-po. Tiểu Lâm Xung lên đài mặc quần ngắn, áo thun bó sát khoe cơ bắp cuồn cuộn, thị uy bằng cách liên tiếp dùng bàn tay chặt vỡ những tấm ván dày 5 phân.

Tiếng cồng xung trận vang lên, Tiểu Lâm Xung lập tức tung đòn tới tấp, Trần Tiến bình tĩnh né tránh. Hắn ra Hổ quyền, anh dùng Hầu quyền đối lại; hắn tung Xà quyền, anh khống chế bằng Hạc quyền. Bốn hiệp trôi qua. Võ sĩ Việt tuy chưa dính đòn nhưng bị trọng tài trừ điểm vì ít tấn công. Hiệp năm, đang thế thượng phong, Tiểu Lâm Xung trong lúc đắc ý bị hở sườn, Trần Tiến chỉ chờ có vậy, cúi thấp trườn như một con rắn, tung đòn “Xà vương phún khí” bật ngược cùi tay trúng hạ bộ đối thủ. Tiểu Lâm Xung rú lên, đổ sập xuống sàn bất tỉnh. Cả khán đài sững sờ. Chính Trần Tiến cũng sững sờ, không hiểu sao mình lại ra đòn hiểm đến vậy. Anh lặng người cúi xuống xem Tiểu Lâm Xung bị thương ra sao, miếng bảo vệ vùng hạ bộ của anh ta đã văng đi. Các trọng tài hội ý. Trần Tiến vô tình ra đòn xấu, song trong quyền thuật tự do chuyện này cũng không phạm luật, nên phần thắng về anh. Khi trọng tài chính định cầm một tay anh giơ cao, trong khoảnh khắc vinh quang đó, Trần Tiến bỗng lùi lại, một động tác làm kinh ngạc cả khán trường: Chắp tay, tự nhận thua trước trọng tài và đối thủ vừa hồi tỉnh. Rồi anh lặng lẽ rời võ đài trong tiếng cười hả hê của những kẻ được cược, còn người “bầm gan tím ruột” chính là ông chủ hãng giày, vừa tuột khỏi tay kẻ do ông ta bảo trợ tấm huy chương vàng cùng món tiền lớn đặt cược.

Suốt đêm đó, Trần Tiến không ngủ, trở dậy thắp hương khấn vọng sư phụ. Lời thầy còn văng vẳng: Người luyện võ khi dụng công lực chỉ biết mỗi mục đích chiến thắng là hạng võ phu; con hãy cố tìm cách khống chế, thu phục đối phương chứ tuyệt nhiên không được hạ sát họ.

Từ đó Trần Tiến không thượng đài lần nào nữa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, Trần Tiến hăng hái đi theo Việt Minh. Đầu năm 1946, ông nhập ngũ ở Nam Bộ, vũ khí đầu tiên được giao sử dụng là trái “phá tường” FT do công binh xưởng Nam Bộ chế tạo, và nó đã trở thành vũ khí đặc chủng đầu tiên của đặc công. Biết ông là một võ sư thượng thặng, cấp trên trọng dụng vào việc chuyên dạy võ cho trinh sát bộ binh (sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông còn dạy cả Bộ đội Biên phòng). Giữa năm 1952, Liên khu 5 mở lớp huấn luyện đặc công đầu tiên gồm 54 chiến sĩ tại Trường Quân báo Khu 5, ông được điều ra dạy võ cho lớp học mang bí số CK1. Sau 3 tháng huấn luyện, học viên thực hành ngay bằng trận tập kích đồn Trường Giảng (Quảng Nam), giành thắng lợi lớn, ta không bị mất người nào. Lớp huấn luyện đặc công-trinh sát đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được mở ngày 15-5-1965. Chủ trì là Cục 2, Bộ Tổng tham mưu, 40 chiến sĩ được tuyển chọn từ các đơn vị, ông là một trong số các thầy dạy võ. Ngày 19-3-1967 thành lập Binh chủng Đặc công, ông lại được điều về trường huấn luyện của binh chủng. Bao thế hệ chiến sĩ đặc công được ông rèn giũa có được bản lĩnh cao cường khi phải đối mặt với kẻ thù. Ông còn nhớ một học trò “cưng” tên là Nguyễn Văn Phương, quê Đan Phượng, Hà Tây. Nếu gọi đặc công là một “nghề”, thì nghề này cũng rất cần năng khiếu. Phương có nhiều tố chất để trở thành một võ sư giỏi, anh tiếp thu được những đòn tuyệt kỹ của thầy. Phương đi B đầu năm 1966, thuộc Tiểu đoàn Đặc công Quân khu 5. Trong trận ngày 9-12-1966, đánh Lữ đoàn Rồng Xanh,

Đại Hàn ở đồi Ông Râu, anh lập công xuất sắc. Khi giáp lá cà, bằng ngón đòn hiểm thầy truyền dạy, anh đã hạ liền hai sĩ quan Đại Hàn đều có võ Thái cực đạo “đẳng” cao. Sau trận, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Thời chống Mỹ, võ sư Trần Tiến có nhiều học trò lập được chiến công, cũng “đỏ ngực” như Nguyễn Văn Phương, nhưng những người có may mắn, đạn như “tránh” anh thì không nhiều. Một ngày sau Tết Bính Ngọ (1966), ông tới thăm một người bạn là bệnh binh nằm ở Viện Quân y Quân khu 4, bất ngờ nghe gọi: “Thầy Tiến ơi!”. Quay lại, ông thấy một thương binh băng đầu, cụt một chân, đang ngồi trên xe lăn. Ông không nhận ra ai, người thương binh nói: “Em học lớp đặc công trinh sát của Cục 2 do thầy dạy, cuối năm ngoái tăng cường cho biệt động F100 Sài Gòn-Gia Định. Đơn vị em trước Tết đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất”. Ông xúc động ôm anh. Anh chiến sĩ đặc công bảo: “Thắng lớn thầy ạ, phá hủy, phá hỏng hàng trăm máy bay các loại, phá cả kho bom hơn 200 tấn của địch nữa; diệt hàng trăm giặc lái và nhân viên kỹ thuật”. Khi hỏi về thương vong phía ta, giọng anh trầm xuống: “Thầy ơi, trong 3 cậu học cùng lớp với em ngày ấy thì hy sinh 2 rồi; trận này nếu kể cả bộ binh, ta mất cả thảy 47 người…”.

Đến tuổi nghỉ hưu, ông được kéo dài thời gian tại ngũ, có thời kỳ còn sang Cam-pu-chia giúp bạn. Rồi ông chính thức nghỉ hưu năm 1978 với quân hàm đại tá. Ông mở lò dạy võ, sáng lập Thiếu Lâm nội gia quyền, tiền thân của võ phái Nội gia võ đạo Việt Nam. Võ phái có hàng nghìn môn sinh, có cả người mang quốc tịch Pháp, Thái Lan, Xin-ga-po… Ông còn dành nhiều tâm huyết viết sách, truyền lại cho đời sau những tinh hoa của võ thuật. Sách ông tặng tôi là cuốn thứ 17, ông bảo năm tới sẽ cho ra mắt cuốn nữa: Triệt huyệt đạo…

*

 *     *

Trước Tết Tân Mão (2011), cây đại thụ của làng võ Việt chuẩn bị bước sang tuổi 101, tôi ở Hà Nội nghe tin cụ vẫn minh mẫn, đi lại bình thường. Thế rồi đến giữa tháng Hai, anh Trần Trung Thành, con trai võ sư điện báo cha anh bị chóng mặt ngã trong nhà, đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đầu giờ chiều ngày 21-2-2011, võ sư Trần Tiến trút hơi thở cuối cùng. Vị trưởng lão huyền thoại của làng võ Việt nhẹ nhàng, thanh thoát về trời trong sự tiếc thương, ngưỡng vọng của bao người!                       

PHẠM QUANG ĐẨU