QĐND - Thượng tá Đinh Văn Thê và Thượng tá Ra Lan H’Lót, là anh em họ, người dân tộc Gia Rai, đều có bố mẹ tập kết ra Bắc và từng được gặp Bác Hồ. Thú vị hơn nữa là hai người cha của họ (đã mất) là Thiếu tướng Kpă Thìn và Đại tá Kpă Nguyên từng làm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc.

Ông Kpă Nguyên cùng vợ và con gái H’Lót trước khi vào Nam chiến đấu (năm 1958). Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Cha, con và những bức thư

Thượng tá Đinh Văn Thê, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, lấy họ mẹ là bà Đinh Thị Chớ, người Ba Na, nguyên Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Anh nghe ba mình là Thiếu tướng Kpă Thìn, tên thường gọi là Bơ Hâm, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai những năm 1961-1992, đại biểu Quốc hội khóa IV, V, VI, kể lại lần gặp Bác Hồ khi hai cha con ngồi trên xe xuống Quảng Ngãi.

Hồi còn sống, mỗi lần đi qua vùng đất này, ông Kpă Thìn lại nhớ đến quãng thời gian làm chiến sĩ Trung đoàn 120, Liên khu 5 do đồng chí Đinh Văn Thành (sau này là Thiếu tướng) người Quảng Ngãi làm Trung đoàn trưởng. Trung đoàn 120 hầu hết là người dân tộc thiểu số tập kết ra Bắc đứng chân ở Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1957, Bác Hồ đến thăm và kiểm tra một lượt nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ. Bác hỏi: “Các cô, các chú có khỏe không, ăn có no không?”. Ông Thìn và cả trung đoàn đồng thanh đáp: “Dạ có”. Bác còn căn dặn phải luôn luôn cảnh giác cách mạng, lao động, tiết kiệm, ra sức học tập, đoàn kết hơn nữa trong đơn vị và nhân dân, kiên trì đấu tranh giành thống nhất nước nhà... Chừng ấy điều Bác dạy, ông Kpă Thìn mang theo suốt cả cuộc đời. Ông chưa kể về chuyện gặp Bác với ai ngoài con trai nhưng Thê biết rằng, ba mình đã làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất.

Thượng tá Đinh Văn Thê bồi hồi: “Ba tôi là con người kỳ lạ. 45 năm phục vụ quân đội, cống hiến nhiều cho quê hương đến thế, nhưng không bao giờ đòi hỏi quyền lợi gì cho mình. Về hưu năm 1992, ông trả lại căn nhà tỉnh cấp cho ở Plei-cu, về An Khê-quê của mẹ tôi để sống tuổi già. Hai người lấy tiền tiết kiệm gần 20 năm, trị giá 3 cây vàng làm căn nhà cấp 4. Mấy năm trước nhà xuống cấp, Bộ CHQS tỉnh đã làm lại căn nhà tình nghĩa. Khi tôi học ở Trường Thiếu sinh quân, cách không xa nơi ba tôi làm việc, ông hoàn toàn có thể điều xe đến thăm tôi bất cứ lúc nào, nhưng ba nói không muốn lợi dụng xe công và cũng không muốn tôi có sự ưu ái hơn bạn khác. Ông gửi tình yêu thương cho tôi qua những bức thư viết tay và gửi qua bưu điện. Ba tôi luôn nhắc rằng tôi chào đời ngày 30-4-1975, ngày đẹp nhất của đất nước nên phải sống sao cho xứng đáng…”.

Thượng tá Đinh Văn Thê mở trong tủ ra hàng chục bức thư vẫn còn thẳng nếp. Nét chữ của người cha viết vội vã không đẹp nhưng to, dễ đọc. Thư thường bắt đầu bằng câu: “Con trai yêu quý của ba!”. Những bức thư dặn dò thấm đẫm tình cảm cha con là động lực để cậu học trò phấn đấu học thật tốt. Khi được hỏi anh học gì ở ba mình trên cương vị chỉ huy, Thượng tá Đinh Văn Thê trầm tư: “Ba mất khi tôi còn ở trường, nhưng ba đã để lại nhiều tài liệu, ghi chép. Tôi học ở ông nhiều lắm. Làm phó tham mưu trưởng tác chiến ở một địa bàn rộng, phức tạp về an ninh, chính trị, tôi thấy mình phải cố gắng bội phần mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Lại hỏi thêm rằng, ba làm to thế sao anh không về tỉnh đội sớm để thăng chức nhanh hơn mà làm Đại đội trưởng ở Trường Thiếu sinh quân đến 10 năm, Thượng tá Đinh Văn Thê bộc bạch: “Tôi tìm thấy tuổi thơ của mình trong các em nên không muốn rời xa. Hơn nữa, tôi có thể nói và nghe được tiếng Ba Na, Gia Rai, thuận lợi trong việc quản lý học viên là người dân tộc thiểu số. Nhà trường đang cần người như vậy nên có ý muốn giữ. Ba tôi thì bảo: “Cứ để quân đội phân công thì tốt hơn”. Vậy là tôi làm theo. Chính nhờ sự nghiêm khắc của ba, anh chị em chúng tôi đều trưởng thành. Ngoài chị đầu bị nhiễm chất độc da cam, em gái tôi hiện nay là Bí thư Huyện đoàn Kông Chro. Em út là Đại úy công an thị xã An Khê. Tôi nghĩ, ba tôi đã học theo Bác Hồ trong cách sống và luôn muốn chúng tôi như vậy”.

Sao lâu nay mẹ không kể chuyện gặp Bác?

Thượng tá Ra Lan H’Lót, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5 (nay đã giải thể) nhà sát vách với Thượng tá Đinh Văn Thê. Theo đúng vai vế, chị phải gọi Thê bằng anh. Nhưng phong tục người Gia Rai, ai thấy mặt trời trước thì lớn hơn nên hiện nay Thê vẫn gọi H’Lót bằng chị.

Thượng tá Đinh Văn Thê và Thượng tá Ra Lan H’Lót (năm 2015). Ảnh: Hà my

Chuyện tình của ba mẹ chị H’Lót ngày ấy đẹp như một bài thơ. Hai vợ chồng đều tập kết ra Bắc, sau đó bà theo Đoàn Văn công Tây Nguyên đi biểu diễn khắp nơi, phục vụ Bác Hồ, đồng bào Điện Biên. Do biểu diễn ở vùng khí hậu khắc nghiệt nên tháng 9-1955, mẹ chị H’Lót là bà Ra Lan H’Men đau một trận “thập tử nhất sinh”. Được tin, Bác Hồ mặc bộ quần áo công nhân, Người mang tiền và sữa đến thăm bà tại Bệnh viện C Hà Nội. Bác bảo các y sĩ, bác sĩ ở đây phải chăm sóc Ra Lan H’Men cho thật kỹ vì đây là hạt giống đỏ từ miền Nam.

Nhớ nhất là hồi năm 1958, Đoàn Văn công Tây Nguyên đóng ở Mai Dịch, Hà Nội có buổi biểu diễn cho Bác Hồ và Đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Chính phủ ta xem. Không có ai giữ con, bà Ra Lan H’Men địu cả cô con gái H’Lót 3 tuổi đến chỗ biểu diễn. Cô bé cứ khóc thét bởi đông người. Thấy vậy, Bác Hồ nói: “Cháu cứ lên biểu diễn, để Bác bế con cho”. Khi kể lại chuyện này với người bạn sau hơn 50 năm, bà Ra Lan H’Men lúc còn sống đã chỉ vào H’Lót: “Nó đấy, thấy người lạ bế khóc... Nhưng Bác khéo dỗ lắm, chỉ một tí là nín ngay”. Chị H’Lót ngạc nhiên khi ở với mẹ ngần ấy năm, đây là lần đầu tiên nghe bà kể về Bác Hồ mà mình có một phần trong kỷ niệm đó.

Chị H’Lót bồi hồi: “Sau này tôi đi học ở Trường học sinh miền Nam, rồi ở Quế Lâm (Trung Quốc). Tôi nhớ năm 1969, khi về thăm mẹ lúc này đang ở Cao Bằng, nghe tin Bác Hồ mất, mẹ khóc vật vã mấy ngày liền. Sau ngày miền Nam giải phóng, mẹ tôi về công tác tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Bà sống khiêm tốn, ít nói, nên không mấy người biết về một quãng đời rực rỡ của cô văn công năm xưa... Tôi biết ơn mẹ nhiều lắm. Từ ngày còn bé, bà đã luôn khuyên bảo tôi không được quên bản sắc dân tộc, dạy tôi học tiếng Gia Rai, nấu ăn, may vá, các điệu múa, bài hát Tây Nguyên. Sau này làm giáo viên Trường Thiếu sinh quân, đến lượt tôi bày các em hát múa, nhiều năm liền cầm quân đi hội diễn từ Nam ra Bắc”.

Quay sang Đinh Văn Thê, chị H’Lót cười thật tươi: “Ngày trước, nghe kể trong quá trình đi chiến đấu, ba tôi bé hơn, qua những dốc cao, suối sâu, bác Thìn luôn vác ba lô, súng giúp em. Sau này tôi là giáo viên, Thê là học trò, thì anh chàng quấn quýt bên tôi suốt, thương lắm!”. Câu chuyện của hai người bỗng chốc lại xoay quanh những người cha Gia Rai, tính cách giống nhau lạ. Rời Trung đoàn 120 ở miền Bắc, ông Kpă Nguyên vào Nam chiến đấu biền biệt suốt 15 năm. Xa cha khi mới hơn 3 tuổi, nhưng H’Lót luôn thấy ba bên mình qua tấm ảnh gia đình. Năm 1975, khi biết ba đang ở Đà Nẵng, cô sinh viên H’Lót từ Trường Đại học Sư phạm Huế đi bộ vào tìm mà không gặp được. Sau này, khi ông chuyển công tác vào Đắc Lắc, chị vào ở hẳn với ba rồi lấy chồng là bác sĩ quân y ở Trường Thiếu sinh quân, người Chăm Hroi. Làm chỉ huy trưởng một tỉnh (từ năm 1968-1971 và 1983-1986) có thể xin con về dễ dàng bất cứ đâu nhưng ông Kpă Nguyên không làm vậy mà để chị tự phấn đấu. Từ Trường THPT Buôn Ma Thuột, chị xin về Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Trung tướng Phan Hoan, Tư lệnh Quân khu 5 khi đó tình cờ hỏi chuyện mới quyết định đưa chị về Trường Thiếu sinh quân. Tại đây, chị đã có công đóng góp dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh. Bây giờ không còn dạy học nữa, các em cũng đi xa khắp mọi miền Tổ quốc, vậy mà ngày hè hay Tết, học trò đều về thăm chị rất đông. Ở nhà Thượng tá Ra Lan H’Lot và Đinh Văn Thê đều có rất nhiều dò phong lan treo khắp nơi, tỏa mùi thơm dìu dịu lại khiến tôi liên tưởng đến những người con trai, con gái dân tộc Gia Rai, thầm lặng mà ngát hương, làm đẹp cho đời.
HỒNG VÂN