QĐND - Có một thời, chưa nói đến đồ ngon vật quý, mà ngay cả những thứ dùng cho sinh hoạt hằng ngày cũng thường được gắn với cụm từ: “Để đến Tết!”. Cụm từ ấy, mỗi khi được sử dụng, tự nó có sức thuyết phục kỳ diệu; người trong cuộc lâng lâng một niềm tâm đắc.

Vì sao lại có sự ấy? Là do thời đó phải tập trung lo việc đánh giặc, cứu nước, sản xuất còn thấp kém, lại phải ưu tiên cho tiền tuyến… nên đồ ăn, thức dùng rất khan hiếm. Song, lý do sâu xa là ở truyền thống văn hóa đối xử với Tết của người Việt. Cái sự “để đến Tết” có từ bao giờ? Khó đoán định. Hiện tại, nó đang giảm dần về lượng. Tuy nhiên, khó có thể nói được đến khi nào nó mới bị triệt tiêu!

“Để đến Tết” được thể hiện rất sinh động trong thời kỳ kinh tế bao cấp và loi roi đến cả hôm nay.

Những năm giữa thế kỷ trước, nhà nông hầu như không bao giờ mua bánh chưng Tết ở chợ, mà họ tự làm lấy. Để có nồi bánh chưng Tết “Nhà xanh lại đóng khố xanh/ Tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong” là phải qua biết bao cái “để đến Tết”. Gạo nếp để dành từ ngay sau khi gặt mùa. Có đói cũng không được xà xẻo! Đậu xanh thu hoạch từ tháng 6, tháng 7, chọn một ít cho vào lọ sành, lấy lá chuối khô nút kín để đến Tết. Mộc nhĩ được hái từ sau những tháng mưa ẩm ướt ở các gốc cây mục, mỗi ngày một ít, đem xâu vào cái lạt, phơi kỹ rồi treo lên gác bếp để đến Tết. Củi gộc ngâm kỹ dưới ao, vào tiết heo may lôi lên, dùng búa bổ nhỏ ra, cất kỹ sau nhà để đến Tết đun bánh…

Chuẩn bị lợn để đến Tết là việc trọng, được lưu tâm từ tháng 9, tháng 10. Ba bốn nhà chọn một con lợn choai, ước tính đến Tết là vừa với khẩu phần, rồi luân phiên mang cám đến nhà chủ của lợn để chăm lợn. “Con lợn có béo thì lòng mới ngon”. Những tháng ấy, lợn được ăn tăng chất bột và được chăm sóc cẩn thận. Điều đó không hoàn toàn chỉ là để người có miếng ăn ngon, mà sâu xa hơn, để có miếng thịt ngon thờ tổ tiên.

Mua hàng sắm Tết. Ảnh tư liệu

Tôi nhớ mãi ngày 27 Tết năm 1974, tôi từ đơn vị vừa về tới nhà thì cô em gái mới lên 7 tuổi chạy tới reo lên: “Thế là Tết năm nay được ăn thịt ngan rồi!”. Tôi giật mình: “Anh có hẹn mua ngan đâu?”-“Chẳng cần anh mua! Mẹ nuôi 5 con ngan từ rằm tháng 7. Hôm trước, ông hàng thịt đăng ký mua hết để đến Tết bán. Mẹ bảo, còn xem năm nay anh có được về ăn Tết không đã. Nếu anh về, mẹ sẽ bớt lại một con để kho đông. Nếu anh không về thì chỉ mổ gà để cúng sáng Mồng Một. Còn ngan, mẹ bán hết, lấy tiền mua thịt lợn, rán mỡ để xào rau dần”!... Tôi nhìn em, thương vô cùng!

“Để đến Tết” chi phối tất tật, từ cái bóng đèn, chai nước mắm, cân đường phên… được HTX Mua bán phân phối cho từng hộ từ trước Tất niên tới hai tháng. Đường phên phải được gói kỹ, cất sâu trong cót thóc để trẻ con không ăn vụng được. Quả cam chín vàng, phải bôi vôi vào lỗ cuống để không bị ủng. “Để đến Tết”-hình như đã được đời cha ông chú ý nên trong vườn nhà thường có giàn trầu, cây cau trở thành “cổ thụ”. Các bà mẹ có mẹo chăm sóc hai thứ cây này để đến Tết bán đắt hàng và nhà mình cũng có trầu cau tươi để thờ tổ tiên rồi mời nhau ăn “cho đỏ môi mình, môi ta”.

Tết nông thôn miền Đồng bằng Bắc Bộ đặc sắc với mùi hương bài. Hương bài thơm ngào ngạt, cảm thấy như có vị ngòn ngọt. Giữa tiết xuân, mùi hương tạo cảm giác ấm cúng. “Tết mà không có hương bài/ Ăn ngon đến mấy cũng hoài Tết đi”. Tôi lớn lên đã thấy các gia đình trong làng làm loại hương này để dùng trong dịp Tết. Từ đầu tháng 10 âm lịch, bố tôi dỡ bụi cây hương bài được trồng đúng vào dịp ấy của năm trước, cắt lấy rễ để riêng. Phần gốc và thân cây đã ngắt bớt lá, được trồng ngay xuống luống đất cao có pha nhiều mùn rơm rạ để đến Tết sang năm. Phần rễ, bỏ thêm ít vỏ bưởi, bã mía, quế chi, đem phơi cho khô kiệt rồi tán nhỏ cho vào lọ thủy tinh đậy nắp thật kín để đến Tết.

…“Để đến Tết” không chỉ có ở các gia đình mà còn “hiện diện” trong lực lượng vũ trang. Những năm 80 của thế kỷ trước thường xuất hiện các quân nhân công tác ở cơ quan hoặc nhà trường quân đội “mang Tết về quê”. Ngoài “phần cứng” do quân nhu đơn vị bảo đảm và đơn vị tăng gia được, anh em còn mang thêm những thứ “để đến Tết” do bản thân tích cóp. Chắc ăn nhất là, trước khi đi công tác và các ngày nghỉ, phải triệt để “cắt cơm” tại bếp, không bỏ quên. Giống như làm quỹ tiết kiệm. Đến gần Tết, báo trước để quản lý nhà ăn chuẩn bị chi trả. Có một câu chuyện vui: Hồi ấy, mỗi tháng binh sĩ được 3 lạng đường, có đồng chí còn cho bạn “mượn” tiêu chuẩn đường hằng tháng, “để đến Tết” mới thu lại mang về biếu các cụ. Đựng trong lọ thì sợ vỡ lọ. Mà túi ni-lông thì không phải dễ kiếm như bây giờ. Lính liền sáng tạo: “Nghe nói tuần sau được lĩnh đường/ Vào làng “dân vận” cái ống bương/ Lau chùi sạch sẽ, mang phơi nắng/ Lót giấy tinh tươm để đựng đường”… Thế là bên cạnh bánh chưng, gói bích quy, một số mặt hàng nhu yếu phẩm, quần áo tự mua sau bao ngày tích cóp cho bố mẹ, vợ con, còn có thịt lợn, gạo… Giống như mọi người, Thiếu tá Ngô Xuân Thông (hồi ấy là Chủ nhiệm Nhà văn hóa Tổng cục Hậu cần) khoác “ba lô Tết”, khom người, hùng dũng “trình diện” vợ con. Lũ trẻ bất giác, đồng thanh: “Bố lạc đà!” (là do có lần chúng xem phim, thấy con lạc đà thồ nhiều thứ trên lưng). Thiếu tá Thông trào dâng cảm xúc, liền xuất ngôn tốc ký: Nhìn bố con cứ tưởng lạc đà/ Ở bên Ấn Độ mới biếu ta/ Một gói to đùng chồng lên cổ/ Nách trái: Bánh chưng, nách phải: Gà/ Trước ngực bố “cài” thêm yến gạo (ruột tượng đầy gạo vắt chéo qua ngực)/ Sau lưng “trồng” hẳn một cành hoa/ Kết quả bao ngày “để đến Tết”/ Tặng bốn  mẹ con một… lạc đà!.

Có khi “để đến Tết” trở thành “việc tử tế”! Sau đây là một ví dụ. Giữa tháng 11-1999, Lữ đoàn 971 thuộc Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần vận chuyển cứu trợ nhân dân miền Trung bị trận lũ lụt lịch sử tàn phá. Trên thành mỗi chiếc xe đều có trưng một băng-rôn màu đỏ nổi bật hàng chữ màu trắng: “Xe chở hàng cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt tàn phá”. Được tổng cục giao nhiệm vụ tuyên truyền về việc này, tôi ngồi trên chiếc xe đi đầu, do chiến sĩ Nguyễn Văn Mạnh lái. Khi đến ngã ba ở đầu một làng phía nam tỉnh Ninh Bình, thấy một bà cụ đứng cạnh đường vẫy lấy vẫy để. Xe đang hành quân gấp. Đồng chí Mạnh, sau vài giây do dự, cho xe dừng lại. Bà cụ chừng 70 tuổi, mặc áo vải thô màu nâu, váy đen, thắt lưng bồ tượng. Đứng cạnh cụ là một cháu trai độ 12-13 tuổi nhưng dáng vẻ rắn rỏi, nét mặt tươi sáng. Cụ khẩn khoản: “Các chú đi cứu giúp miền Trung, cho già gửi yến ngô vào trong ấy!”. Mạnh ngần ngại: “Thưa cụ, xe của con đi theo đoàn. Con không đến nhà dân được ạ!”-“Ồ không! Vào trong ấy, chú đưa cho ai cũng được mà”. Như sợ chúng tôi không giúp, cụ nói thêm: “Tôi chỉ có hai bà cháu, nuôi con gà trống để đến Tết, mới thiến được 10 ngày. Nhưng xem ti vi, thấy trong ấy lũ lụt thê thảm quá. Rồi thì lấy gì mà ăn! Hôm qua, thằng cháu đi học về, nó nói có đoàn xe đi cứu trợ bà con vùng lũ. Tối ti vi lại nói hôm nay vẫn còn xe đi tiếp. Thế nên tôi bán con gà, vừa đủ tiền mua được yến ngô giống, loại ngô chiêm 3 tháng. Hai bà cháu khiêng ra đây. May lại gặp xe bộ đội… Nếu kịp thì Tết này trong ấy có ngô ăn”. Mạnh lập tức nhảy xuống đưa túi ngô lên xe, anh nói to: “Con xin chấp hành! Mẹ yên tâm ạ!”… Vào đến Quảng Nam, gặp bà con đang dựng ngôi nhà ở cạnh quốc lộ, Mạnh chuyển ngô xuống, giao cho một chị, nói vắn tắt: “Ngô giống của bà mẹ ở miền Bắc gửi vào”. Rồi tiếp tục đi đến điểm tập kết.

… Muôn hình vạn vẻ “để đến Tết”. Ôi, thú vị và độc đáo làm sao Tết Việt!                   

PHẠM XƯỞNG