QĐND - Tôi đọc thơ Viễn Phương (1928-2005) sớm, thuở còn sinh viên đã từng chép, thuộc nhiều bài thơ của ông, nhất là những bài viết về tình yêu đôi lứa trong chiến tranh. Nhưng mãi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi mới có dịp “thấy” ông, mà thường là trên ghế Đoàn Chủ tịch các đại hội của giới văn học-nghệ thuật (vì ông từng đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam…). Sau này, trong một lần vào TP Hồ Chí Minh công tác, Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung rủ tôi đến nhà riêng của ông ở 40A Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, tôi mới có dịp được trò chuyện và biết thêm về tác giả bài thơ “Viếng Lăng Bác” và “Văn bia tưởng niệm liệt sĩ đền Bến Dược” nổi tiếng.
 |
Nhà thơ Viễn Phương.
|
Năm ấy, tuổi ông đã ngoại 70 nhưng còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông tự mở cổng đón, tiễn khách. Ông giống như một nhà giáo, trắng trẻo, nho nhã; giọng nói đặc biệt nhẹ nhàng, khoan thai; ánh mắt, nụ cười luôn toát lên vẻ đôn hậu... Bữa ấy, tôi có thưa với ông rằng, bên cạnh những vần thơ viết về Bác Hồ, trong đó có bài “Viếng Lăng Bác” (Hoàng Hiệp phổ nhạc), tôi cũng rất thích bài thơ “Đám cưới giữa mùa xuân” của ông và tôi đọc những câu mà mình đã ghi trong sổ tay thời đi học:
... Đêm liên hoan xóm làng vang
tiếng hát
Tối Giao thừa dào dạt nhớ thương em.
Có cả vầng trăng vẫn nhớ ngọn đèn,
Đi khắp núi sông vẫn thương về xóm nhỏ
Có nửa quả tim mình... có người yêu
ở đó
Nhớ lắm em ơi! Nhớ lắm những ngày
Sống ở hầm, ăn cơm vắt, uống
nước chai,
Nén căm thù trong lòng đất lạnh
Mỗi tối đem cơm, mắt em lóng lánh
...
Anh đến tìm em... (Nhớ may áo mới)
Tiếng súng vừa im, cử hành lễ cưới
Giữa mùa xuân chiến thắng của
quê mình
Có đôi bồ câu trắng vượt trời xanh...
Ông bảo, ấy chỉ là một phần của bài thơ “Đám cưới giữa mùa xuân” ông làm vào mùa xuân năm 1965 và cho biết thêm, đó là “lá thư tình của một anh chiến sĩ Giải phóng quân”-như phụ đề của bài thơ. Tôi vội vàng và quá thật thà thưa: “Dạ một câu chuyện tình trong chiến tranh của anh chiến sĩ Giải phóng Phan Thanh Viễn (tên thật của nhà thơ) với một nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn”... Ông cười thật hiền và cho biết thêm, quê gốc của ông ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên rồi tham gia Vệ Quốc quân chống Pháp ở Đồng bằng Nam Bộ. Năm 1954, ông được phân công ở lại hoạt động tại Sài Gòn. Ở đó, ông dạy học, làm thuê để kiếm sống, nhưng công việc chủ yếu vẫn là sáng tác văn thơ với bút danh Viễn Phương đăng trên một số tờ báo ở Sài Gòn như: Nhân loại, Hừng sáng, Công lý... Năm 1960, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. Ra tù năm 1962, Viễn Phương chiến đấu và hoạt động ở vùng ven Sài Gòn... Sống, bám trụ, chiến đấu và viết 14 năm-những năm dữ dội nhất của thời chống Mỹ, cứu nước ở một vùng đất ác liệt Củ Chi, vùng tam giác sắt nên Viễn Phương còn có nhiều trang viết đầy chất bi hùng về đất và người ở đây. Đó là các tập: “Có ở đâu như ở miền Nam” (thơ, in cùng Lê Anh Xuân), “Anh hùng mìn gạt” (truyện ký), “Quê hương địa đạo” (truyện và ký) và “Văn bia tưởng niệm liệt sĩ đền Bến Dược”...
 |
Một đám cưới thời chiến tranh. Ảnh tư liệu.
|
Bài thơ “Đám cưới giữa mùa xuân” được viết trong thời gian này. Là thế nên mới có những câu: “Nhớ lắm em ơi! Nhớ lắm những ngày/ Sống ở hầm, ăn cơm vắt, uống nước chai...” và “Mỗi tối đem cơm, mắt em lóng lánh/ Từ yêu nhau chỉ gặp dưới sao trời...”.
"Đám cưới giữa mùa xuân” là một câu chuyện tình trong chiến tranh được kể bằng thơ, một truyện thơ-một “thể loại” khá phổ biến trong thơ chiến tranh những năm nửa sau thế kỷ 20. Đọc nó người ta liên tưởng tới những “Núi Đôi” của Vũ Cao, “Quê hương” của Giang Nam. Ấy, theo tôi là những bài thơ tình-những câu chuyện tình yêu đôi lứa hay nhất trong chiến tranh. Tuy nhiên, câu chuyện tình yêu trong “Đám cưới giữa mùa xuân” có vẻ lãng mạn và “có hậu” hơn. Cả ba câu chuyện đều kể về mối tình của người lính với những nữ du kích, nữ giao liên. Những mối tình thật đẹp, xa cách nhiều nhưng đầy thương mến, nhớ nhung, son sắt và chứa chan hy vọng. Như trong bài “Núi Đôi” của Vũ Cao:
... Anh nghĩ, quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vành đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.
Trong bài “Quê hương” của Giang Nam:
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ, tôi đi
Cô bé nhà bên có ai ngờ!
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá
đi thôi!
Giữa cuộc hành quân không nói được
một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời mà lòng tôi ấm mãi...
Và đây, trong bài “Đám cưới giữa mùa xuân” của Viễn Phương:
... Chưa gặp người yêu giữa trời
đất rộng
Đêm Giao thừa, thương nhớ làm sao!
Đã bốn năm rồi mình chẳng gặp nhau,
Chỉ có lá thư trên trang giấy nhỏ
Đã đến tay anh một ngày nắng gió...
(Lá thư còn thấm máu chị giao liên
Trên bước đường công tác đã hy sinh)
Chị đã chết nhưng thư mình vẫn tới,
Thư mẹ chuyền tay theo lời trăng trối:
“Ở đô thành chị ấy thương nhớ anh,
Chị vẫn đi đầu trong những cuộc
đấu tranh”
Gặp nhau, yêu nhau trong khói lửa chiến tranh với biết bao trớ trêu, cách trở, nhưng họ tin ngày giải phóng đang đến gần và họ sẽ làm đám cưới...! Tuy nhiên, cả “cô gái làng Xuân Dục” trong “Núi Đôi” và "cô bé nhà bên” trong “Quê hương” đều đã thành du kích và hy sinh khi chưa kịp làm đám cưới! Chỉ có người con gái-người nữ chiến sĩ biệt động và anh chiến sĩ giải phóng trong “Đám cưới giữa mùa xuân” là may mắn. Họ vẫn hy vọng sẽ cùng nhau có mặt trong ngày toàn thắng không xa. “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” và... làm đám cưới ngay khi “tiếng súng vừa im”. Đây không chỉ là “lá thư tình”, là ước mơ của riêng anh chiến sĩ Giải phóng quân và người nữ giao liên Sài Gòn mà còn là khát vọng hòa bình của những người lính Việt Nam trong chiến tranh:
Đêm nay Giao thừa
Đường Sài Gòn chưa khô vết máu
Chẳng có mùa xuân dưới ách quân
cường bạo
Nhưng niềm vui vẫn rộn rã đô thành
(Chiến thắng gần rồi! Mặc áo mới để
đấu tranh!)
Khi thành phố đấu tranh, anh vững
vàng tay súng
Quyết đến giữa Sài Gòn hát bài ca
giải phóng
Cắm ngọn cờ trên đô thị vinh quang
Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ ánh
sao vàng
Ở bài thơ “Đám cưới giữa mùa xuân” cũng như những văn phẩm khác của Viễn Phương, chất hiện thực luôn đi cùng chất lãng mạn-hiện thực chiến tranh cách mạng và lãng mạn cách mạng. Nhân vật được ông nói tới nhiều nhất chính là nhân dân. Nhân dân đất thép với những “ông địa đạo”, “bà địa đạo”, "anh hùng mìn gạt”…; đặc biệt là những em gái, em nhỏ địa đạo đã làm nên những “mùa lúa dưới bom”, “"mùa hoa trong lòng đất”-đất mà kẻ địch từng mở những trận càn dữ dội mang tên “bóc vỏ trái đất”.
Nhà thơ Viễn Phương viết:
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước
Người đang sống nhớ thương người
đã khuất
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời
Những anh liệt như ngàn sao tỏa sáng
Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người!
(Văn bia tưởng niệm liệt sĩ đền Bến Dược)
Nhân dân, theo nhà thơ thì chính họ mới là những người làm nên sự kỳ diệu của cuộc chiến đấu, làm nên “những sự tích đất thép”; không có sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân không thể có Chiến thắng 30-4-1975, không có Mùa xuân Đại thắng 1975 và không có hôm nay!
NGÔ VĨNH BÌNH