QĐND - Những ai đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng, hẳn không thể quên được giây phút đầu tiên của buổi sáng hôm ấy. Sáng 27-1-1973, giây phút Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Tất cả những người lính của hai bên chiến tuyến nhào lên khỏi công sự, họ ôm nhau nhảy múa như những đứa trẻ. Người lính bên này nhìn người lính bên kia, họ hỏi nhau, trò chuyện với nhau như thể trước đó chưa từng là kẻ thù của nhau. Đó là lúc tất cả những người lính căng mình ra tận hưởng đến cạn kiệt giây phút khao khát hòa bình cháy bỏng mà mỗi khi đặt ngón tay lên cò súng đều mơ tới. Chính từ nỗi khao khát ấy trên chiến trường Thừa Thiên-Huế, Trung đoàn 6 Phú Xuân chúng tôi đã nảy ra sáng kiến làm “Ngôi nhà hòa hợp”.
Ý tưởng của “Ngôi nhà hòa hợp” đúng như tên gọi của nó, được làm bằng tre nứa, gỗ rừng và thường đặt giữa “yên ngựa” hoặc dưới chân đồi, vị trí giới tuyến giữa hai điểm chốt. Nói là ngôi nhà nhưng thực chất là một cái lán nhỏ, rộng chừng vài chục mét vuông. Bàn ghế của ngôi nhà là những cây rừng ghép lại. Hai hàng ghế đối diện nhau, đủ cho mỗi bên 5 đến 7 người ngồi. Sau này, khi những cuộc tiếp xúc trở nên thường kỳ, thường xuyên hơn thì hai bên làm bổ sung một số hàng ghế, ngồi thêm được hơn mươi người. Hai bên ấn định ngày tiếp xúc, gặp nhau vào chiều thứ sáu hằng tuần. Ngày đó, không bên nào được gây chiến và được gọi là “Ngày thứ sáu đình chiến”. Khi tiếp xúc, gặp gỡ nhau tại “Ngôi nhà hòa hợp”, hai bên không được mang theo vũ khí. Chỉ được mang đến “Ngôi nhà hòa hợp” bánh kẹo, thuốc lá, trà và thậm chí cả những lá thư hậu phương của người lính…
Đã hơn 40 năm qua đi, những câu chuyện gặp gỡ giữa những người lính của hai bên chiến tuyến tại “Ngôi nhà hòa hợp” vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi. Đặc biệt là buổi tiếp xúc, gặp gỡ đầu tiên. Cả bên ta và phía bên kia, mỗi bên cử 5 người do một cán bộ trung đội bậc phó chỉ huy. Bánh kẹo, thuốc lá bày ra trên mặt bàn. Sau cái bắt tay dè dặt, hai bên ngồi xuống chưa kịp nói với nhau câu nào thì bỗng một tiếng nổ đanh như tiếng sét. Tiếng nổ nghe lại càng đanh, càng vang giữa cái không gian tĩnh lặng của rừng già khi người gặp người chưa kịp tin nhau. Những người lính có mặt trong “Ngôi nhà hòa hợp” nằm dán xuống mặt đất theo phản xạ. Tiếng nổ vừa dứt, người chỉ huy phía bên kia đứng bật dậy: “Các ông phản bội!”. Đồng chí Thụ-Trung đội phó bên ta cũng vụt dậy: “Tất cả bình tĩnh, không rời vị trí!”. Sau giây phút ấy, 5 đồng chí bên ta lại ngồi yên vào vị trí như không có gì xảy ra. Thấy vậy, phía bên kia cũng ngồi vào vị trí nhưng trên gương mặt của họ vẫn còn lộ vẻ hoài nghi. Trung đội phó Thụ đề nghị mỗi bên cử hai người đi về phía vừa xảy ra tiếng nổ để kiểm tra cụ thể. Thì ra nguyên nhân từ một con hoẵng, có lẽ lạc bầy, thấy bóng người, con hoẵng bỏ chạy đạp lên bãi mìn dưới chân điểm chốt. Tuy nhiên, buổi gặp đầu tiên tạm thời bị hoãn lại.
“Ngày thứ sáu đình chiến” tiếp đó, hai bên lại gặp nhau. Lần này, mỗi bên có 7 người. Sau này, số người cứ tăng dần lên, cũng có buổi tiếp xúc không còn chỗ ngồi. Không bên nào bảo bên nào nhưng bánh kẹo, thuốc lá… bên nào cũng bày ra trước mặt bên đó. Bánh kẹo, thuốc lá đều có tên, có nhãn nhưng bên kia thì gọi là “Bánh kẹo Hà Nội”, bên ta thì gọi là “Bánh kẹo Sài Gòn”. Hai bên đều khen quà của bên nào cũng thơm ngon. Họ cầm bánh kẹo, thuốc lá của nhau lên ngắm nghía. Giữa cuộc chiến tranh cam go, ác liệt, những người lính hai bên chiến tuyến lại nghĩ ra cách để ngồi với nhau, gặp gỡ nhau, hòa hợp, hòa giải với nhau, có lẽ chỉ có ở chiến tranh Việt Nam…
Tình cờ, tôi ngồi đối diện với một người lính bên kia. Sau một vài câu thăm hỏi, anh ta nhận ra tôi là “đồng hương”, anh ta kém tôi 2 tuổi. Nghe anh kể, thì ra làng anh cách làng tôi một con sông nhỏ tên là sông Nghệ. Bố mẹ anh di cư vào Nam năm 1954 và sinh anh ở Thừa Thiên. Khi tôi kể con sông Nghệ chảy giữa làng tôi và làng anh là một con sông nhỏ nhưng đẹp, hiền hòa, nước ngọt trong xanh suốt cả năm. Con sông ấy gắn liền với tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ của tôi… Anh ta thốt lên và nói rằng, mặc dù quê hương chỉ là những gì anh nghe ba, mạ kể nhưng ngay cả trên điểm chốt, có những đêm anh vẫn mơ thấy, vẫn như nghe vọng về tiếng chuông nhà thờ. Anh vẫn hằng mơ ước một ngày đất nước thanh bình, được về tắm mình trên dòng sông ấy, được một đêm nghe trọn tiếng chuông nhà thờ rung… Anh tên là Thanh, Thanh cũng là tên làng anh, làng của một xứ đạo toàn tòng, yên ả một vẻ đẹp thấp thoáng bên dòng sông Nghệ.
Nhưng rồi các cuộc gặp cứ thưa dần, thưa dần cho đến một ngày cuối năm 1974 thì thôi hẳn. Sau này chúng tôi mới biết, phía bên kia phát hiện ra những người lính của họ mỗi lần sau cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các chiến sĩ Giải phóng quân dường như đã “thay đổi”, đã “bị cảm hóa”…
Có một điều thật kỳ lạ. Cuộc chiến tranh càng đi tới ngày kết thúc càng ác liệt nhưng cứ đến “Ngày thứ sáu đình chiến”, hai bên lại gác súng gặp nhau trong “Ngôi nhà hòa hợp”. Lại chuyện trò, ăn kẹo, hút thuốc của “Hà Nội”, của “Sài Gòn”, lại nói chuyện ước mơ về một ngày hòa bình, đất nước không còn nỗi đau chia cắt. Cái giây phút ấy ai cũng ngẫm ra một điều: Càng trong chiến tranh ác liệt, ước mơ cuộc sống của những người lính càng cháy bỏng, khát khao, càng hiểu thêm giá trị của hòa bình là trường tồn, bất diệt.
Thiếu tướng HỒ ANH THẮNG