QĐND - Lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam gắn liền với những thắng lợi huy hoàng và hy sinh mất mát của dân tộc. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Quốc hội không thể họp thường xuyên, nhưng Ban Thường trực của Quốc hội (có chức năng, nhiệm vụ giống như Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện nay) vẫn luôn sát cánh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ tại Thủ đô kháng chiến...
Chúng tôi về thăm Khu di tích lịch sử Ban Thường trực Quốc hội tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội khóa I (6-1-1946/6-1-2016). Cả khuôn viên khu di tích xanh ngắt những tán cây và đỏ tươi màu cờ, màu khẩu hiệu. Dòng sông Phó Đáy vào mùa khô hiền hòa, nước trong vắt, chảy qua như gợi nhớ cho du khách đi ngược thời gian, tìm lại quá khứ...
 |
Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội tại Sơn Dương, Tuyên Quang. |
Theo các tài liệu lưu trữ tại Văn phòng Quốc hội, xã Trung Yên là địa điểm được Đảng và Bác Hồ chọn làm nơi ở và làm việc của Ban Thường trực Quốc hội từ cuối năm 1952 đến tháng 7-1954 trước khi trở về thủ đô Hà Nội. Đây cũng là nơi Ban Thường trực Quốc hội đóng trụ sở lâu nhất trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại nơi này, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng (khi đó đồng chí Tôn Đức Thắng vừa là quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội, vừa là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt), Ban Thường trực Quốc hội đã hoạt động rất tích cực và luôn cùng Chính phủ quyết định những chính sách đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp, tiến tới thành công. Trong đó có thể kể đến nhiều hội nghị quan trọng như: Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt tháng 2-1953; Hội nghị toàn quốc của Ủy ban Liên Việt tháng 11-1953; là nơi soạn thảo nội dung và chuẩn bị tài liệu cho Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I (khóa họp duy nhất tại Chiến khu Việt Bắc) từ ngày 1 đến 4-12-1953; cùng Chính phủ họp quyết định Chiến dịch Điện Biên Phủ; tổ chức Hội nghị mở rộng để thảo luận bản hiệp định đình chiến thông qua nghị quyết của hội nghị ngày 27-7-1954...
Năm 2016 có ba sự kiện lớn về Quốc hội-cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam: Ngày 6-1, kỷ niệm 70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Quốc hội khóa I (năm 1946) chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 25-4, kỷ niệm 40 năm Ngày nhân dân hai miền Nam, Bắc đi bầu cử Quốc hội khóa VI (năm 1976), chính thức hóa về mặt pháp lý việc thống nhất nước nhà. Ngày 22-5, cử tri cả nước sẽ đi bầu người đại diện của mình vào Quốc hội khóa XIV, một nhiệm kỳ được kỳ vọng là sẽ tiếp tục đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế.
|
Cụ Ma Văn Ái, 87 tuổi, quê ở xã Trung Yên, người đã chứng kiến việc xây dựng và hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội tại quê mình kể lại: Lúc đó, để xây dựng trụ sở của Ban Thường trực Quốc hội, lực lượng bộ đội công binh phải làm việc liên tục trong nhiều ngày và rất bí mật. Người dân địa phương đã góp nhiều công sức giúp đỡ về vật liệu như tre, nứa và lá lợp…
Đến nay, sau nhiều lần sửa chữa và tôn tạo, các di tích chủ yếu là chiếc lán nơi làm việc của Ban Thường trực Quốc hội và hầm an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Lán và hầm được đặt gần bờ sông Phó Đáy để tiện cơ động bằng đường thủy và đường bộ.
Để ghi nhớ tấm lòng son sắt, thủy chung và công ơn của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đối với Quốc hội, cách đây 10 năm, vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, Văn phòng Quốc hội đã khởi công xây dựng và hoàn thành “Nhà bia lưu niệm” của Ban Thường trực Quốc hội đặt cạnh trụ sở của Ban Thường trực Quốc hội. Đến năm 2010, Văn phòng Quốc hội tiếp tục khởi công xây dựng công trình “Nhà lưu niệm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội” và khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam. Nhà lưu niệm rộng khoảng 300m2, gồm ba phòng trưng bày, trong đó một phòng trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp và các hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; hai phòng dành để tái hiện quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
Với mong muốn sẽ phát huy hơn nữa hiệu quả quản lý, vận hành và đưa khu di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn về mặt lịch sử, văn hóa để nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho các thế hệ người dân Việt Nam, vào tháng 8-2015, nhân kỷ niệm 70 năm Quốc dân đại hội Tân Trào, Văn phòng Quốc hội đã tiến hành bàn giao khu di tích cho UBND tỉnh Tuyên Quang quản lý nhằm khẳng định sự tiếp nối trong công tác quản lý khu di tích, thể hiện sự gắn kết giữa công trình với các di tích lịch sử, văn hóa khác trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Tuyên Quang.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ