QĐND - Tết Nguyên đán là dịp sum họp gia đình, người làm ăn, công tác xa tận đâu cũng cố tìm về quê nhà. Tàu, xe hối hả chở hàng vạn người hồi hương. Nhiều cơ quan đóng cửa, chỉ để lại một ít người trực, còn đại bộ phận cán bộ, nhân viên đã về quê ăn Tết. Nhưng các đơn vị bộ đội thì ngược lại, ngay trong thời bình, số lượng cán bộ, quân nhân nghỉ Tết chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn phần đông ở lại đơn vị để bảo đảm nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu. Bởi vậy, nói chung Tết của người lính là Tết ở đơn vị, như một sự tất nhiên, và tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể của đơn vị, người lính có cách vui Tết, đón Xuân phù hợp. Ngoài vật chất như bánh chưng, bánh kẹo và thực phẩm của ngày Tết theo tiêu chuẩn trên cấp và tăng gia được, Tết đơn vị hết sức coi trọng mặt tinh thần: Ra báo tường với nội dung Xuân, Tết, và thế nào cũng phải tìm được hoa. Hoa quá dễ tìm với các đơn vị đóng quân ở đồng bằng cũng như đa phần miền núi, trừ miền cực Bắc, thời tiết mùa đông quá khắc nghiệt, cây tím tái hoặc trụi hết lá cành, muốn tìm được hoa có khi phải đi thật xa. Nhưng dù thế nào, hoa Tết không thể thiếu được. Khó như Trường Sa, ở các đảo chìm, lính ta quanh năm ở trên nhà chòi chơi vơi giữa bốn bề sóng nước, thế mà vẫn có cách tìm được hoa:
 |
Minh họa: Phùng Minh. |
Đảo chìm không đất cho cây mọc
Lấy đâu hoa nở đón Xuân về?
Lính đảo lặn mò từng vỏ ốc
Nhuộm màu kết lại đóa hoa quê!
Nhưng có nơi như ở trạm ra-đa của đơn vị phòng không trên bán đảo Cam Ranh thì bạt ngàn hoa vàng, khi mùa xuân chớm đến, lính ngạc nhiên:
TẾT TRẠM
Bao đời núi tưởng mình cao lắm
Nghênh ngang một cõi, gió
mây vờn
Ra-đa lên đỉnh, núi thành trạm
Dựng đài quan sát, lính cao hơn.
Bậc thang đổi gác, mòn chân bước
Đăm đăm tầm mắt dõi xa vời
Mỗi sớm giật mình khi bắt gặp
Hoa mai như thể nở vây người!
A ha Xuân đến, a ha Tết
Hoa đẩy ta lên đến tận trời
Bàn giao phiên trực, chân tiếp đất
Mà hồn muôn dặm vẫn chơi vơi.
Nhớ nhà đủ để thư không ngắn
Nhớ bạn muốn mời bạn đến chơi
Em ở xa vời phương mây trắng
Chuyện có câu nào nhắc đến tôi?
Tôi đang chơi bài, tôi đánh bóng
“Hái hoa dân chủ” tận Giao thừa
Món thịt kỳ nhông đơn vị nướng
Theo gió bay về, em nhận chưa?
|
Mỗi sáng giật mình khi bắt gặp
Hoa mai như thể nở vây người!
Hoa mai ấy không chỉ vào phòng trong buổi lễ đón Giao thừa mà sum vầy với lính, ngay cả khi các anh lên đài quan sát làm nhiệm vụ, gây cảm giác tươi trẻ khác thường:
A ha Xuân đến, a ha Tết
Hoa đẩy ta lên đến tận trời
Bàn giao phiên trực, chân tiếp đất
Mà hồn muôn dặm vẫn chơi vơi.
Quang cảnh gần xa của một vùng rộng lớn khá quen thuộc với những người lính làm nhiệm vụ quan sát trên chòi cao này, nhưng mùa xuân đến, rừng mai bao mùa giấu mình trong sắc lá thì bỗng dưng sắc vàng rực rỡ của hoa như đồng loạt nở bung ra làm đổi thay cảnh quan quen thuộc, như món quà của thiên nhiên ban tặng.
Những ai từng sống trong quân ngũ thì không thể quên được đêm đơn vị đón Giao thừa. Điện bật sáng hết mọi bóng đèn làm cho hội trường như khác lạ: Phía sân khấu có câu khẩu hiệu màu sặc sỡ “Chúc mừng năm mới”, phía dưới là tờ báo tường minh họa rất nhiều màu, và ở vị trí trung tâm sân khấu “uy nghi” cành hoa thật lớn, thường là hoa đào, hoa mai… được trang trí giấy kim tuyến và treo lủng lẳng những “bông hoa dân chủ”! Sự thật nó không phải hoa, mà là những tờ giấy nhiều màu có ghi những câu hỏi, hoặc yêu cầu người hái được hoa này làm một tiết mục nào đó! Tiết mục trong “hoa dân chủ” đa dạng lắm: Ngoài hát, đọc thơ, kể chuyện tiếu lâm ngắn… có khi chỉ yêu cầu cười một cái cho giòn! Gần tới phút Giao thừa, có tân binh nhớ nhà, nhất là quân nhân nữ, nước mắt rơm rớm thì chính những tiết mục vui nhộn này đã làm họ vơi đi nỗi nhớ để họ hòa nhập vào niềm vui chung. Cuộc vui Tất niên đó kéo tận tới khoảnh khắc Giao thừa, là khi cả hội trường lặng lẽ, trang nghiêm lắng nghe lời chúc năm mới của Chủ tịch nước qua sóng truyền hình… Cũng cần lưu ý rằng, trong cuộc vui này vắng mặt các đồng chí trực cảnh giới, trực nghiệp vụ… và đối với họ, cảm nhận về mùa xuân là “phiên trực Tất niên bàn giao vào năm mới”!
Thời chưa có điện thoại di động, mối liên hệ của người lính với bạn bè và gia đình chỉ qua thư. Quân bưu cấp cho mỗi quân nhân mỗi quý 6 con tem thư, tức mỗi tháng đủ viết 2 thư. Ngày đó, sáng Mồng Một Tết, lính ta thường có thói quen viết thư về nhà để hỏi thăm sức khỏe những người trong gia đình và nói chuyện ăn Tết ở đơn vị cho bố mẹ yên tâm. Cũng có người viết thư cho bạn, bạn trai và bạn gái, vì lính nghĩa vụ hầu hết chưa có người yêu. Và những bức thư viết sáng Mồng Một Tết thường có độ dài hơn bình thường, không chỉ vì thời gian rảnh rỗi mà cái chính là do nỗi nhớ nhiều hơn!
Cách đây 20 năm, tôi tới thăm một trạm ra-đa của đơn vị phòng không trên đỉnh núi ở Cam Ranh. Biết tôi là nhà thơ đã quen tên, có đồng chí lính trẻ nhờ tôi viết hộ một bài thơ để đăng báo tường của đơn vị trong dịp Tết và nói đùa rằng, đó là “nhiệm vụ nặng nề nhất” mà không thể thoái thác được. Ừ, thì viết hộ, nhưng cậu phải cho mình biết công việc hằng ngày đã chứ! Thế là người lính trẻ ấy dẫn tôi leo lên đài quan sát. Đỉnh núi đã cao, đài quan sát lại càng cao. Lên càng cao, gió thổi càng mạnh, bù vào tầm mắt càng rộng. Biển Cam Ranh xanh biếc, cát Cam Ranh trắng tinh, và những lùm cây vượt lên sỏi cát mà xanh. Người lính hỏi tôi: “Thủ trưởng có biết những làn cây kia là cây gì không? Mai vàng đấy. Bây giờ Tết chưa đến nên thật khó nhận ra, vì mai mới có nụ, nhưng chỉ một tháng nữa thôi, bọn em no mắt nhìn mai vàng tự nhiên mỗi lần leo lên chòi này!”. “Thế dịp đón Giao thừa có chặt một cành đẹp trang trí hội trường không?”. “Có chứ thủ trưởng, không chỉ trang trí mà còn treo những bông hoa dân chủ nữa”. Tôi mỉm cười và nhớ lại Tết đơn vị một thời mà từ ngày mình về làm báo chuyên nghiệp ở Hà Nội thì không còn được hưởng nữa. “Mà thủ trưởng ơi, ở đây có món đặc sản là thịt kỳ nhông, anh nuôi nướng mãi tít nhà bếp mà bọn em ở trên đài quan sát này vẫn ngửi thấy mùi thơm. Tết chúng em còn có món đó… giá như Tết này thủ trưởng lại đến thăm đơn vị em”…
Và thế là bài thơ báo tường tôi viết hộ người lính trẻ ấy đã ra đời, mùa xuân này mời các bạn cùng đọc nhé!
VƯƠNG TRỌNG