Để chuẩn bị cho cả nước bước vào kháng chiến, công tác di chuyển cơ quan Trung ương, Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy được tiến hành. Cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị trực thuộc Phòng TTLL quân sự đã kết hợp chặt chẽ với cán bộ, nhân viên ngành Bưu điện khẩn trương triển khai một đường dây dã chiến, bảo đảm thông tin cho Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy, Bộ Tổng tham mưu chỉ huy các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu và hành quân về vùng tự do, xây dựng chiến khu. Cùng với đó, Phòng TTLL quân sự đã tổ chức vận chuyển hàng trăm tấn thiết bị lên Việt Bắc lắp đặt Đài Tiếng nói Việt Nam và xây dựng cơ sở TTLL phục vụ kháng chiến. Đây là lần đầu tiên Phòng TTLL quân sự vừa tổ chức bảo đảm TTLL cho hành quân, vừa bảo đảm liên lạc phục vụ Bộ Tổng chỉ huy và Bộ Tổng tham mưu nắm tình hình, chỉ đạo, chỉ huy các mặt trận chiến đấu. Do vậy, dù sơ tán ra khỏi Hà Nội nhưng Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nắm chắc tình hình chuẩn bị kháng chiến của quân dân Thủ đô cũng như cả nước và các hoạt động của quân Pháp đang ráo riết chuẩn bị nổ súng tấn công ta. Chiều 19-12-1946, hệ thống TTLL quân sự đã chuyển mệnh lệnh nổ súng chiến đấu của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đến các khu, các mặt trận...

Bên cạnh đó, Phòng TTLL quân sự đã triển khai hệ thống TTLL cho các mặt trận chính trong cả nước.

Tại Mặt trận Hà Nội, dựa vào hệ thống thông tin bưu điện, hệ thống thông tin đường sắt có sẵn, kết hợp với việc triển khai thêm một số đường dây, máy điện thoại, đường dây trần dã chiến, nên đã lập được một khu trung tâm thông tin tại Hà Nội, tuy còn đơn giản nhưng cũng đầy đủ các thành phần: Vô tuyến điện (VTĐ) sóng ngắn, hữu tuyến điện (HTĐ), thông tin chuyển đạt (sử dụng lực lượng là con em các cán bộ, cơ sở cách mạng). TTLL chuyển đạt đã bảo đảm được TTLL trong nội bộ Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Tổng Tham mưu, Sở chỉ huy của Chiến khu 11 và từ Bộ Tổng chỉ huy đến các tiểu đoàn Vệ quốc quân và các phân khu ngoại thành, đồng thời bảo đảm thông tin từ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy tới được các chiến khu, mặt trận trên cả nước.

Trên các mặt trận khác như: Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, trong suốt thời gian chiến đấu của những ngày Toàn quốc kháng chiến, được sự giúp đỡ kịp thời về nhân viên điện đài và trang bị thông tin, các đơn vị đã sử dụng linh hoạt các phương tiện, nhiều hình thức liên lạc, bảo đảm giữ vững thông tin giữa Hà Nội với các chiến khu, đồng thời giúp cho Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy kịp thời chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Việc tổ chức bảo đảm TTLL thành công trong Toàn quốc kháng chiến đã để lại cho chúng ta một số kinh nghiệm sau:

Một là, nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí và tầm quan trọng của TTLL, nhanh chóng xây dựng, tổ chức các cơ quan, phân đội thông tin, kịp thời phục vụ lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng. Quán triệt lời dạy của Bác Hồ: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh...”. Trước tình hình khó khăn, phức tạp của những ngày đầu vừa giành được chính quyền, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo: Vấn đề cơ bản, chủ yếu nhất đặt ra trước mắt là phải nhanh chóng có ngay và có thật sớm hệ thống TTLL do quân đội quản lý và điều hành tập trung, thống nhất. Đây chính là yếu tố quan trọng nhằm phát huy mọi nguồn lực để thực hiện được yêu cầu bảo đảm liên lạc cho Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các chiến khu, các tỉnh trong toàn quốc một cách nhanh nhất trong điều kiện khó khăn của những ngày sau Cách mạng Tháng Tám.

Hai là, kết hợp chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, hệ thống thông tin, kịp thời bảo đảm liên lạc thường xuyên thông suốt, góp phần vào thắng lợi của những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Để bảo đảm liên lạc kịp thời đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trong Toàn quốc kháng chiến, Phòng TTLL quân sự đã kết hợp chặt chẽ các hệ thống TTLL tạo thành mạng lưới TTLL rộng khắp trên cả nước. Đó là kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống thông tin quân sự (mới được thành lập) với hạ tầng thông tin bưu điện, đường sắt. Từ đó, hình thành nên một hệ thống TTLL tuy còn đơn giản nhưng cũng tương đối hoàn chỉnh, vững chắc để kịp thời bảo đảm liên lạc cho lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chính quyền, ủy ban cách mạng các cấp, lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân tiến hành kháng chiến. Đồng thời, chủ động tuyển lựa các thành phần ưu tú trong đội ngũ trí thức, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của chế độ cũ có tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng và trong lực lượng dân quân tự vệ, các tầng lớp nhân dân tham gia bảo đảm TTLL cho Đảng, cơ quan Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Tổng tham mưu từ Hà Nội đến các chiến khu. Ngoài việc sử dụng các phương tiện thông tin quân sự, bưu điện, đường sắt, ta đã tận dụng máy cũ, vật liệu tại kho máy cũ để sửa chữa và lắp ráp máy thu phát VTĐ hoàn chỉnh, kịp thời đưa tới các chiến khu, các đơn vị trọng yếu. Tích cực tận dụng vật tư, vật liệu, phương tiện thu được tại các sở Bưu điện để tu sửa lại tuyến điện thoại Bắc-Nam ở khu vực Trung Bộ (từ Thanh Hoá đến Bình Thuận). Mặt khác, sử dụng phương tiện mô tô, xe đạp của nhân dân tự nguyện đóng góp, để tổ chức liên lạc chuyển đạt tại các chiến khu.

Ba là, tận dụng triệt để và phát huy hết khả năng của thông tin chuyển đạt để kịp thời bảo đảm liên lạc cho lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy trong mọi tình huống. Trong quá trình bảo đảm TTLL, mặc dù đã huy động hết các phương tiện thông tin VTĐ, HTĐ của hệ thống thông tin quân sự, bưu điện, đường sắt, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu, do đối tượng bảo đảm liên lạc trên toàn quốc nói chung và trên từng mặt trận nói riêng phát triển nhanh. Vì vậy, trên tất cả các mặt trận đã tận dụng và phát huy hết khả năng của thông tin chuyển đạt, nhất là bảo đảm liên lạc trong nội bộ các chiến khu, các đơn vị. Đồng thời, thành lập Ban liên lạc (chuyển đạt) đặc biệt để chuyển công văn hoả tốc, mệnh lệnh, chỉ thị từ Bộ Tổng chỉ huy đến các cơ quan, đơn vị. Hình thức này đã phát huy hiệu quả truyền đạt thông tin chỉ đạo cho quân dân Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu trong vòng vây quân thù. TTLL đã góp phần vào thắng lợi giam chân địch trong thành phố vượt thời gian so với dự kiến, tạo điều kiện cho cả nước bước vào kháng chiến.

Thành công của công tác bảo đảm TTLL trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến là một trong những trang sử vẻ vang của Binh chủng TTLL. Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống, thành tích đã đạt được, tập trung trí tuệ, triển khai nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng lực lượng, đổi mới trang bị, hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự, thực hiện “Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2011-2020”, xây dựng binh chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, các đơn vị vững mạnh toàn diện. Thường xuyên bảo đảm TTLL cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chỉ huy chỉ đạo các đơn vị toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ Quốc trong mọi tình huống...

Thiếu tướng NGÔ KIM ĐỒNG - Chính ủy Binh chủng Thông tin Liên lạc