Việt Bắc trước đây gồm có các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Việt Bắc có địa danh Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt dấu chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc vào mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Chính tại đây người đã xây dựng căn cứ cách mạng, tổ chức ra Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ Việt Bắc, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Trung đội 1 thuộc Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo phòng không 210, Quân khu 1) luyện tập quan sát mục tiêu trên không, bảo vệ bầu trời Việt Bắc. Ảnh: XUÂN GIANG. 
Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, nếu muốn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, thì chúng ta phải kháng chiến lâu dài. Điều kiện cơ bản để kháng chiến lâu dài là phải bảo tồn và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn... Khu căn cứ kháng chiến quan trọng nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Việt Bắc, nơi mà lòng yêu nước của đồng bào hòa nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch để chống lại kẻ thù. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công nhiệm vụ tiếp tục ở lại Việt Bắc để củng cố căn cứ địa cách mạng sau khi Chính phủ cách mạng lâm thời về Hà Nội năm 1945. Đến tháng 10-1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng được Bác Hồ giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây đựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.

 

Tháng 11-1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, chuyên lo việc nghiên cứu di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Giữa tháng 12-1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ.

Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương. Đó là những nơi có đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa bảo đảm sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động.

Đúng như Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán, sau khi ký Hiệp định sơ bộ (6-3) và Tạm ước Việt-Pháp (14-9-1946), thực dân Pháp đã ngang nhiên bội ước, liên tiếp gây ra các hoạt động khiêu khích xâm lược ngày càng trắng trợn. Trong hoàn cảnh ấy, nhân dân ta phải cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ những thành quả cách mạng và ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Ngay sau đó, cùng với việc giam chân địch tại Hà Nội, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Quân đội, các đoàn thể chính trị và các nhà máy quan trọng đã được chuyển dần lên Việt Bắc. Việt Bắc, từ “Thủ đô cách mạng”  đã trở thành “Thủ đô kháng chiến”. Từ “Thủ đô kháng chiến”, Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc.

Việt Bắc không chỉ làm tròn sứ mệnh của “Thủ đô kháng chiến” mà còn là nơi diễn ra các chiến dịch, các trận đánh lớn của ta làm thay đổi cục diện trên chiến trường, trong đó có hai chiến thắng vang dội là Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947 và Chiến thắng Biên Giới năm 1950.  

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, quân và dân ta đã đánh bại hơn 12 nghìn quân tinh nhuệ Pháp trong hai cuộc hành binh lên Việt Bắc. Qua 75 ngày đêm chiến đấu, quân dân ta đã phá tan chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” bằng “đòn quyết định”, buộc nhà cầm quyền Pháp theo đuổi một cách bị động cuộc chiến tranh kéo dài ngoài ý muốn. 

Đến năm 1950, lực lượng kháng chiến của ta trưởng thành về mọi mặt, Đảng và Chính phủ quyết định mở Chiến dịch Biên Giới (trên địa bàn hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa.

Không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu, nhân dân Việt Bắc còn là hậu phương cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm và trực tiếp sản xuất vũ khí chi viện các chiến trường.

Tiếp nối truyền thống cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong những năm kháng chiến chống Mỹ và từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc thuộc các địa phương trong Chiến khu Việt Bắc trước kia vẫn luôn kề vai sát cánh cùng quân dân cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, Việt Bắc-Quân khu 1 vẫn giữ vị trí rất quan trọng với quốc gia cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Những bài học kinh nghiệm từ xây dựng căn cứ địa Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã và đang được Quân khu 1 vận dụng để xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân”, làm nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn.

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ, Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 1