Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia lực lượng tự vệ bảo vệ trật tự an ninh, bảo vệ chính quyền và được giao chức vụ Đại đội trưởng Đại đội tự vệ công nhân phố Hàng Thiếc. Bọn phản động thời đó cứ đến phố Hàng Thiếc lại khiếp sợ tiếng tăm của Tự vệ Hàng Thiếc. Bởi lúc đó, phố Hàng Thiếc thực chất là công nhân Hàng Thiếc, nhà nào cũng có một chiếc hỏa lò với cái mỏ hàn để hàn các dụng cụ, cũng là vũ khí để ngăn chặn sự phá hoại của quân địch khi cần thiết. Những ngày chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến, các thanh niên, tự vệ đều tự nguyện làm nhiệm vụ đục tường, khoan cây trên đường phố, cột đèn, xe điện... sẵn sàng cho thuốc nổ đánh hạ để chặn địch.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội bên tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” 
Khi ấy, vũ khí của ta chỉ có dao, mã tấu, đòn gánh, một ít súng trường..., trong khi địch có súng cạc-bin, trung liên, đại liên. Lúc đầu, cấp trên chỉ thị: Các đồng chí phải vận dụng phương thức “lấy yếu đánh mạnh, ít thắng đông, thô sơ thắng hiện đại”. Nghe phổ biến nhiệm vụ, trong anh em cũng có người ngại, thấy khó có thể lấy “thô sơ mà lại thắng hiện đại”. Nhưng khi đi vào thực tế thì mới thấy rõ ràng trên đề ra phương thức là phù hợp với điều kiện và thế trận của ta.

Ông Nguyễn Trọng Hàm cũng nhớ rất rõ trận đánh ngày 7 và 8-2-1947. Khi đó phố Hàng Thiếc trở thành tuyến đầu, vì có thể khống chế được sự tiến công của quân Pháp vào Trung tâm Liên khu 1. Lực lượng tự vệ Hàng Thiếc nghiên cứu kỹ địa hình và tổ chức cách đánh. Lúc địch đánh vào khu phố Hàng Thiếc thì lực lượng của ta mở cửa cho vào và buộc chúng phải chui qua các lỗ tường để tiến đánh. Lúc đầu, ta chỉ nghĩ đục tường là để tạo đường liên lạc trong chiến đấu, chứ chưa nghĩ ra là để tạo bẫy đánh địch. Lỗ tường chỉ đủ cho người Việt Nam chui qua được. Trước khi trận chiến xảy ra, quân Pháp đánh thăm dò khu vực này. Nhưng phán đoán được ý đồ của chúng, các chiến sĩ Tiểu đoàn 102 liền làm nghi binh để chúng thọc sâu vào các ngôi nhà. Khi địch tiến vào không gặp ta, chúng chủ quan cho rằng lực lượng của ta sợ nên đã bỏ chạy. Khi địch tiến vào thì đi lối cửa, chui qua được khoảng chục nhà thì bị ta vòng lại đánh chặn cả đầu lẫn đuôi. Lúc ấy, địch vội vàng chui qua các lỗ tường để thoát thân. Nhưng với thân hình to lớn, chúng chui qua các lỗ tường rất khó khăn vì phải nghiêng mình lách qua lỗ hẹp. Ta đứng phía bên kia tường, chờ địch thò đầu qua thì lấy đòn gánh vụt luôn. Lúc này, đội hình địch bị ùn lại, quân ta nấp sẵn trên tầng hai liền tung lựu đạn xuống, khiến quân Pháp bị thiệt hại nghiêm trọng. Cũng từ đó chúng tiến vào các khu phố rất dè dặt, tạo thuận lợi cho ta chiến đấu kìm chân chúng...

Ông Nguyễn Trọng Hàm rất tự hào về cách đánh này. Ông bảo, trong chiến đấu phải luôn lấy trí tuệ để đánh giặc thì quan điểm "lấy thô sơ thắng hiện đại, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh" mới thành công.

HẰNG NGA