“Chúng ta sẽ trở lại đây một ngày mai”

Bên lau trắng phất phơ cạnh bãi giữa sông Hồng, ký ức về những ngày trung tuần tháng 2-1947 cứ ùa về, khiến người cựu binh già rưng rưng xúc động. “Khi nghe trên phổ biến lệnh lui quân khỏi Thủ đô, nhiều người không muốn rút. Có anh em còn nói “Bác bảo chúng ta quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Ta đã chết đâu mà rút”. Nhưng khi được quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa của việc lui quân, anh em đã hiểu ra và chấp hành nghiêm túc”, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại.

Trở lại với những ngày đầu tháng 2-1947, quân ta tiếp tục thực hiện nhiều trận đánh gây được tiếng vang lớn, khiến quân Pháp bị hao tổn nhiều lực lượng, phương tiện, như các trận chống địch chiếm nhà Xô va, Trường Ke…và điển hình là trận đánh tại chợ Đồng Xuân. Tuy nhiên, qua 2 tháng chiến đấu liên tục và ác liệt, trận địa của ta ở Liên khu I ngày càng bị thu hẹp; lương thực, vũ khí đạn dược đã cạn, nguồn tiếp tế từ ngoài vào rất hạn chế. Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, Thành ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định tổ chức cho Trung đoàn Thủ đô rời Liên khu I ra hậu phương bảo toàn và xây dựng lực lượng để kháng chiến lâu dài. Bác Hồ đã gửi lời khen tới cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: “Các chú giam chân địch được một tháng đã là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được 2 tháng là đại thắng lợi”.

leftcenterrightdel
Bà con nhân dân đưa chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, hoàn thành cuộc lui quân lịch sử. Ảnh tư liệu. 
Một trong những nội dung được thảo luận kỹ lưỡng đó là đường rút quân ra khỏi nội thành. Có ý kiến đề nghị tổ chức thành nhiều bộ phận nhỏ, lẻ, vừa đi vừa đánh; có ý kiến đề nghị rút theo đường cống ngầm ra ngoại ô; có ý kiến lại đề xuất nên bí mật đi về phía Vĩnh Tuy…Giữa lúc Ban chỉ huy Trung đoàn đang lúng túng thì đêm 15-2, Đội liên lạc của Trung đoàn Thủ đô do Nguyễn Ngọc Nại làm đội trưởng vào tiếp tế chuyến cuối cùng. Các anh đã báo cáo với chỉ huy Trung đoàn về con đường trên bãi giữa sông Hồng, dưới cầu Long Biên mà đêm đêm các anh vẫn lọt qua vọng gác của địch để vào nội thành. Vậy là phương án rút quân ra khỏi Liên khu I bằng đường qua bãi giữa dưới gầm cầu Long Biên, lên Nghi Tàm, vượt qua sông Hồng và sông Đuống sang Phúc Yên đã được thông qua.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn Thủ đô rút quân, các đơn vị bộ đội ta ở Liên khu II, III và ngoại thành được lệnh tăng cường quấy phá địch. Đội du kích Hồng Hà hoạt động ở vùng Yên Phụ, Chèm cũng được lệnh tích cực chuẩn bị tìm đường dẫn bộ đội và chuẩn bị thuyền vượt sông.

Đúng 10 giờ ngày 17-2-1947, cán bộ tiểu đoàn phổ biến kế hoạch rút quân cho cán bộ đại đội. Đến 17 giờ cùng ngày, cán bộ đại đội phố biến đến từng cán bộ, chiến sĩ. Trước lúc rời chiến luỹ, các chiến sĩ đã kẻ lên tường các dãy phố những dòng chữ: “Quân xâm lăng, chúng ta sẽ trở lại đây một ngày mai”; “Thủ đô Hà Nội mãi mãi là của dân tộc Việt Nam”…

“Đêm hôm đó Hà Nội có mưa phùn, vì thế mà tầm nhìn của quân Pháp đứng gác trên cầu Long Biên bị hạn chế. Trời rét ngọt nên chúng sớm chui vào chỗ ấm mà lơ là canh gác. Gió thổi hướng Bắc nên chó béc-giê của địch cũng bị hạn chế khả năng phát hiện mùi. Có thể nói, đó là những yếu tố quan trọng làm nên cuộc lui quân thần kỳ. Chúng tôi ai nấy đều im phắc, tay nối tay nhau bằng một sợi dây để khỏi mất đội hình, hành quân theo hàng dọc”, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm bồi hồi kể lại.

Đến 21 giờ đêm 17-2, toàn Trung đoàn Thủ đô đã thoát ra khỏi thành phố. 22 giờ, các tổ nghi binh phá hoại bắt đầu hoạt động. Đến 4 giờ ngày 18-2, Trung đoàn vượt sông ở địa bàn xã Tứ Tổng bằng hàng chục chiếc thuyền của nhân dân ven sông Hồng. Lúc này những ngọn lửa tiêu thổ kháng chiến bắt đầu bùng cháy và địch mới phát hiện được Trung đoàn Thủ đô rời khỏi Hà Nội. Một lực lượng địch đuổi theo đến làng Cơ Xá thì bị bộ phận đi sau của Trung đoàn và đội du kích Hồng Hà chặn đánh, diệt 17 tên, đẩy chúng lui về bãi Phúc Xá. Hầu hết các chiến sĩ trong đội du kích Hồng Hà đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ cuộc rút quân của Trung đoàn.

Trước khi rời bờ Tây cách bãi giữa một khúc sông, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm ngước về phía cây cầu Long Biên cổ kính, nói như tâm sự với chính mình: "Chính nơi đây, cây cầu đã tiễn bước chúng tôi tạm xa Hà Nội. Để rồi 9 năm sau, như lời hứa viết bên những chiến lũy trước đêm lui quân, chúng tôi đã trở về tiếp quản Thủ đô yêu dấu”.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm tại nơi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lội sang bãi giữa, từ đó xuống thuyền vượt sông Hồng, rời Hà Nội trong đêm 17-2-1947. Ảnh: Hoàng Hà. 
Bài học soi rọi đến hôm nay

Một trong những hoạt động kỷ niệm trọng tâm nhân 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Toàn quốc kháng chiến- ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử” đã được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua. Tại đây, nhiều học giả và các nhà nghiên cứu đã tiếp tục làm rõ và khẳng định, sự kiện toàn quốc kháng chiến đã để lại những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Đại tá, TS. Trần Văn Thức, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, thắng lợi của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong mở đầu toàn quốc kháng chiến xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết do chủ trương và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ rất sớm, Trung ương Đảng đã nhận rõ âm mưu của thực dân Pháp và nhận định “Những hành động của quân Pháp xâm phạm đến chủ quyền Việt Nam rất có thể lan rộng”, đồng thời yêu cầu toàn dân “Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự vệ bất cứ lúc nào và chỗ nào!”. Tiếp đó, ngày 12-12-1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến, chỉ rõ mục đích, tính chất và đường lối chung chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 13-12, Hội nghị các chính uỷ (từ Chiến khu 4) trở ra đã được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm, bàn công tác chuẩn bị chiến đấu. Và đến ngày 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đây là là lời hịch của non sông đất nước, là mệnh lệnh tiến công, giục giã, soi đường, chỉ lối cho người dân yêu nước đứng lên kháng chiến.

Còn theo Đại tá, ThS. Mai Văn Quang, Phó chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Nghệ thuật quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, chiến thắng nói trên còn bắt nguồn từ việc ta đã huy động sức mạnh của nhân dân và các tổ chức quần chúng vào việc xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến; tổ chức, sử dụng lực lượng một cách khoa học, bảo đảm đánh địch có hiệu qủa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giam chân địch trong thành phố, bảo toàn phát triển lực lượng kháng chiến lâu dài.

Một số ý kiến cũng thống nhất cho rằng, chiến thắng của Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa còn là kết quả từ sự phối hợp của các thành phố, thị xã Bắc vĩ tuyến 16 cùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ và các tỉnh lân cận Thủ đô Hà Nội.

70 năm đã trôi qua, song những ngày Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến vẫn đang vọng vang trong ký ức những người đã từng đi qua 60 ngày đêm máu lửa, và được các thế hệ người Việt Nam trân trọng khắc ghi. Hà Nội-Trái tim đất nước đã thực hiện thành công sứ mệnh là “chiến trường chính” trong trong cuộc tổng giao chiến đầu tiên giữa quân và dân ta với thực dân Pháp. Thắng lợi của Hà Nội trong mở đầu toàn quốc kháng chiến đã góp phần tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang thời chiến. Chiến thắng ấy cũng củng cố niềm tin mạnh mẽ, giúp quân và dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và đã giành thắng lợi vẻ vang./.

PHẠM HOÀNG HÀ