Đi trước một bước
Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội được giao nhiệm vụ vừa kết hợp đấu tranh bảo vệ chính quyền Trung ương, củng cố chính quyền địa phương, vừa tranh thủ tăng cường về mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với tình hình mới. Đến tháng 10-1946, trước nguy cơ chiến tranh đến gần, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng đã nhận định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”.
Để bảo đảm cho cuộc chiến đấu sắp diễn ra ở Hà Nội, nhất là bảo đảo lương thực, thực phẩm, tiếp tế và cứu thương, từ tháng 11-1946, Ủy ban bảo vệ thành phố được thành lập, trực tiếp làm nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức lực lượng chiến đấu, tiếp tế bảo đảm hậu cần đánh giam chân địch trong một thời gian nhất định để nhân dân cả nước chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Đại tá, PGS, TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, nhiều cán bộ của Ủy ban bảo vệ thành phố, bộ đội, công an, đội viên tự vệ chiến đấu nhanh chóng tỏa xuống các khu phố, vận động nhân dân tích trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, mua sắm, sửa chữa vũ khí để chuẩn bị đánh địch. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các gia đình trong nội thành đều dự trữ được nhiều gạo, muối, thực phẩm khô và cả những thước vải xô, những cân bông băng, thuốc cấp cứu...
Quân, dân Hà Nội xếp đồ đạc, dựng chiến lũy cản bước tiến của quân Pháp trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu.
Bên cạnh đó, từ thành phố đến các liên khu phố trong nội thành và các khu hành chính ngoại thành đều chuẩn bị các địa điểm an toàn, làm nơi cất giữ hậu cần dự trữ. Các kho lương thực, thực phẩm được xây dựng ở ngoại ô thành phố, bảo đảm dự trữ lương ăn cho bộ đội và tự vệ chiến đấu. Các mặt công tác khác như: Phá hoại để chặn địch, công tác vận chuyển, tiếp tế hậu cần, giao thông liên lạc, cứu thương... đều được trù liệu và chuẩn bị rất khẩn trương; các liên khu phố và khu phố lần lượt thành lập các ban cứu thương, tiếp tế, phá hoại, giao thông, tản cư, địch vận, các tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí, quân cụ... sẵn sàng hỗ trợ cho các lực lượng trong thành phố đánh địch.
Khai thác tại chỗ, thu nhận hàng tiếp tế
Đại tá Dương Hồng Anh cho biết thêm, để chiến đấu giam chân, tiêu hao sinh lực địch trong nội thành, Bộ Tổng chỉ huy lệnh cho Mặt trận Hà Nội dự trữ 1 tháng lương thực, thực phẩm; riêng lực lượng chiến đấu ở Liên khu 1 dự trữ 3 tháng. Mỗi tự vệ chiến đấu dự trữ 15kg gạo cùng một số thực phẩm khô và muối. Các gia đình nội đô, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, dự trữ nước sạch bằng nhiều cách. Lương thực được bao gói cẩn thận, nước được chứa trong bể, chum, vại.
Thực tế chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ đã giúp quân và dân Liên khu 1 phát huy nhiều sáng kiến bảo đảm hậu cần tại chỗ như sử dụng rất tiết kiệm lương thực, thực phẩm; sân gạch được lật lên để trồng rau; giếng nước được đào ngay trong nhà, trên hè đường, ngõ phố.
Nói về những lỗ đục trên các tường nhà, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm cho biết, nó không chỉ tạo ra cái “bẫy” để nhử địch, mà nhờ những lỗ nối thông từ nhà này sang nhà khác mà việc tiếp tế cơm nước, đạn dược cho bộ đội chiến đấu và vận chuyển người bị thương về nơi quy định trở nên thuận lợi hơn.
Cùng với sự chuẩn bị của nội thành, ở các xã, huyện ngoại thành đều thành lập ban tiếp tế để huy động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm, nấu ăn cho bộ đội, vận chuyển và phục vụ cho chiến đấu trong thành phố. Chỉ trong ngày 20 và 21-12-1946, nhân dân vùng Tả Thanh Oai đã góp 150 tấn thóc ủng hộ bộ đội.
Bên cạnh tổ chức dự trữ tại chỗ, để bảo đảm hậu cần cho lực lượng chiến đấu trong thành phố, Đảng uỷ Mặt trận Hà Nội tìm nhiều cách chuyển lương thực, thực phẩm từ ngoài vào như kết bè thả gạo trôi sông, bí mật chuyển vào ban đêm. Đường vận chuyển từ các huyện ngoại thành phía Đông vào trung tâm thành phố được tổ chức men theo sông Hồng qua gầm cầu Long Biên. Công văn tài liệu, lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn theo con đường này đến với các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu và thương binh, bệnh binh cũng theo con đường này để chuyển ra vùng tự do. Dân quân khi vào mang theo thực phẩm tươi, vũ khí đạn; khi ra, chuyển thương binh. Các tổ nuôi quân, ban ngày bảo đảm cơm nước, ban đêm ra bãi sông kiếm rau xanh để nấu ăn cho bộ đội…
Sông Hồng đoạn chạy qua Hà Nội là con đường vận chuyển lương thực, thực phẩm từ ngoại thành vào tiếp tế cho lực lượng của ta chiến đấu với quân Pháp trong nội thành. Ảnh: Hoàng Hà.
TS Dương Văn Khoa, Phó Chủ nhiệm Khoa Lý luận chính trị, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trong những ngày Hà Nội hừng hực khí thế toàn quốc kháng chiến, hội phụ nữ các xã thuộc Hà Đông, Sơn Tây không chỉ tổ chức lực lượng nấu cơm, tiếp tế cho bộ đội, dân quân, tự vệ xây dựng thế trận phòng thủ, tổ chức trận địa chiến đấu mà còn tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Mùa Đông binh sĩ”, đóng góp áo ấm cho các chiến sĩ ngoài mặt trận…
Huy động nhân dân bảo đảm hậu cần
Trong “60 ngày đêm khói lửa”, nhân dân Hà Nội từ nội thành đến ngoại thành sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ như cứu thương, vận chuyển lương thực, thực phẩm, chăm sóc, động viên cán bộ, chiến sĩ. Nhiều chị em và các cháu thiếu nhi đã luồn lách qua các ngõ ngách, các chướng ngại vật trên đường tới tận chiến hào để tiếp tế thực phẩm, nước uống, vũ khí đạn cho bộ đội. Các tổ sửa chữa cơ động tăng cường hoạt động làm nhiệm vụ sửa chữa vũ khí tại chỗ, kịp thời khắc phục các khẩu pháo. Khẩu pháo ở Pháo đài Xuân Canh, sau khi bắn những viên đạn đầu tiên bị nứt càng và gãy chốt hãm, ngay trong đêm tối, công nhân xưởng sửa chữa xe lửa Đông Anh đã cơ động tới sửa chữa, khắc phục. Ở Pháo đài Láng, trong những ngày chiến đấu ác liệt, việc ăn uống của bộ đội hoàn toàn do nhân dân xã Yên Lãng đảm nhiệm. Nhiều khi chị em gánh cơm tới cho bộ đội dưới làn đạn địch.
Để kịp thời cứu chữa thương binh, các tổ cứu thương vượt lửa đạn đến từng trận địa. Liên khu 1 lập trạm cấp cứu ngay sát trận địa, ở nhà số 26 phố Hàng Buồm và rạp Olympia (nay là rạp Hồng Hà). Sau khi được sơ cứu tại đây, thương binh được chuyển về các bệnh viện ở Văn Điển, Cự Đà, Khúc Thuỷ tiếp tục điều trị. Việc chuyển thương, phục vụ thương bệnh binh ở các trạm xá, bệnh viện chủ yếu dựa vào đoàn thể phụ nữ. Tại các bệnh viện, nhân dân trong vùng đã giúp đỡ bác sĩ chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình tự nguyện đăng ký nhận thương binh về chăm sóc nuôi dưỡng.
Như vậy có thể thấy, với việc chuẩn bị sớm, dựa chắc vào dân, động viên và huy động đông đảo nhân dân tham gia và linh hoạt triển khai nhiều hình thức bảo đảm nên Hà Nội đã hóa giải được “bài toán khó” về bảo đảm hậu cần, tạo nền tảng quan trọng làm nên 60 ngày đêm kiên cường trong lửa đạn.
PHẠM HOÀNG HÀ
(Còn nữa)
Bài 3: “Trùng độc chiến” và “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”