QĐND - Ông Hoàng Châu Kỳ, Trưởng ban ATK Bưu điện (1947 - 1954), người có khá nhiều kỷ niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tôi biết gia đình ông ở số 7/27 ngõ chùa Liên Phái (Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhưng sau nhiều lần liên lạc tôi mới gặp được ông tại Khoa Mắt (Bệnh viện Bưu điện). Năm nay, tuy đã 85 tuổi và mặc dù đang phải nằm viện điều trị căn bệnh về mắt, nhưng ông vẫn khá minh mẫn. Trong câu chuyện, ông Kỳ bảo: "Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
 |
Ông Hoàng Châu Kỳ. |
Theo lời ông Kỳ, ngày ấy thực dân Pháp thua trên nhiều mặt trận, hòng cứu vãn tình thế, chúng lập ra tập đoàn cứ điểm tại Điện Biên Phủ. Để ngăn chặn quân ta cơ động tấn công, chúng tiến hành đánh phá các tuyến đường lên Điện Biên Phủ, trong đó có Đèo Khế trên con đường huyết mạch nối căn cứ địa Việt Bắc với Tây Bắc, thuộc xã Yên Lãng, (Đại Từ, Thái Nguyên). Đèo Khế là một đường độc đạo, địa hình hiểm trở, trên là núi cao, dưới là vực sâu...
Lúc bấy giờ, ông Kỳ 20 tuổi đang công tác tại Nha Bưu điện, có trụ sở tại núi Cây Hồng (sau Đèo Khế hai quả núi). Hôm đó, có 2 chiếc máy bay của địch đến thả bom dọc tuyến để đánh chặn đầu và khóa đuôi những đoàn xe của ta cơ động từ Việt Bắc lên Tây Bắc.
Ngày 20-3-1954, đoàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ căn cứ địa Việt Bắc lên căn cứ Mường Phăng. Khi đi đến khu vực Đèo Khế thì gặp biển báo: “Bom nổ chậm”, vì thế đoàn không đi tiếp được mà phải quay vào cơ quan của ông Kỳ, chờ bộ đội công binh và dân quân rà phá bom. Ông Kỳ nhớ lại: Lúc đó, ông đang đứng gác tại khu vực Nha Bưu điện, thì thấy có 1 xe ô tô com-măng-ca chở các thiết bị thông tin chạy về phía Nha Bưu điện. Nhưng do đường vào hẹp, nên đoàn phải xuống xe đi bộ. Khi đoàn đến cửa, ông Kỳ liền bước ra hỏi giấy tờ và được biết người đi đầu có tên Lê Phương, là trung đoàn phó. Ông liền hỏi đến người thứ hai vì thấy người này không đội mũ, đeo sao, quần sắn ống, ngay lập tức anh Lê Phương, nói: “Chú hỏi làm gì” và bảo ông Kỳ dẫn đoàn vào gặp đồng chí Trần Quang Bình, Tổng giám đốc Nha Bưu điện. Thấy đoàn đến, ngay lập tức đồng chí Bình cho dọn nhà giúp đoàn công tác căng ăng-ten, lắp các thiết bị thông tin để chỉ huy mặt trận. Trong lúc đoàn công tác đang làm việc, thì thư ký của đồng chí Bình chạy xuống gặp và nói với ông Kỳ: “Đồng chí có biết ai đấy không?”. Khi ông Kỳ chưa kịp đáp thì đồng chí thư ký nói tiếp: “Thầy Văn dạy tôi đó…”. Lúc ấy ông mới biết người không đội mũ đeo sao trong đoàn công tác chính là anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đêm ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn công tác nghỉ lại tại Nha Bưu điện.
Ngày hôm sau (21-3-1954), toàn bộ số bom nổ chậm được lực lượng công binh và dân quân rà phá hết, đường Đèo Khế được san lấp lại và đã thông tuyến. Đoàn công tác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục cơ động lên Mường Phăng để chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn đơn vị ở Nha Bưu điện và đông đảo người dân làng đã tiễn đoàn của Đại tướng xuống tận chân núi để tiếp tục hành trình.
Chiến thắng Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy sẽ còn mãi trong lòng người dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Và hình ảnh Đại tướng ngủ lại một đêm ở Nha Bưu điện sẽ mãi ở lại trong con tim, khối óc của tôi”, ông Kỳ xúc động nói.
Bài và ảnh: TUẤN LINH