Nhất định phải theo nghề để đi đến thành công
Sau 6 năm miệt mài học tập tại Học viện Quân y, chàng trai trẻ Vũ Nhất Định tốt nghiệp hệ đào tạo bác sĩ dài hạn chính quy và được phân công về Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang công tác. Trong thời gian trải nghiệm thực tế cơ sở, bác sĩ trẻ Vũ Nhất Định đã lăn lội về các bản vùng sâu, vùng xa để khám bệnh, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 1995, bác sĩ Vũ Nhất Định được điều động về Khoa CTCH, BVQY 105, sau đó anh tiếp tục theo học thạc sĩ (năm 1997). Kết thúc khóa học, anh được cấp trên điều về công tác tại Khoa CTCH, BVQY 103. Được sự giúp đỡ của các giáo sư đầu ngành và đồng nghiệp, Vũ Nhất Định tiếp tục nghiên cứu, phát triển kỹ thuật vi phẫu trong CTCH và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2004, đảm nhiệm giảng viên bộ môn CTCH tại Học viện Quân y.
Năm 2008, TS, bác sĩ Vũ Nhất Định vượt qua kỳ thi tuyển của Đại sứ quán Pháp, được BVQY 103 cử đi thực tập sinh chuyên ngành tại Pháp. Ngoài thời gian ở trường, anh tập trung nghiên cứu trong phòng mổ và thư viện, tích cực học ngoại ngữ. Thời gian này, Vũ Nhất Định tâm đắc và học hỏi được nhiều về phương pháp làm việc, cách tư duy, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khoa học trong ngành y. Sau khi về nước, anh đi sâu nghiên cứu, rèn luyện tay nghề, nhất là kỹ thuật vi phẫu. Với tâm niệm, phải tiên phong vào những bệnh lý ít người biết đến, những kỹ thuật khó và mới, có như vậy mới thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, giải quyết được các ca bệnh phức tạp. Nhiều kỹ thuật mới được TS Vũ Nhất Định triển khai thực hiện; nhiều bệnh lý di chứng, dị tật phức tạp được anh chẩn đoán, điều trị thành công.
Năm 2009, TS Vũ Nhất Định được bổ nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Khoa CTCH, BVQY 103. Năm 2011 anh tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa cấp 2. Đến năm 2013, anh được trên tin tưởng phân công đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Khoa CTCH. Năm 2015, anh trở thành bác sĩ cao cấp, giảng viên chính, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn PGS và được Học viện Quân y bổ nhiệm PGS Bộ môn CTCH. Từ năm 2017 đến nay, anh giữ chức vụ Phó giám đốc Ngoại, Giám đốc Trung tâm CTCH, BVQY 103.
 |
Đại tá PGS, TS, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Nhất Định tham gia khóa học thay khớp gối bằng robot tại Mỹ. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
PGS, TS Vũ Nhất Định đã và đang hướng dẫn nhiều học viên cao học, bác sĩ nội trú, chuyên khoa 2 (CK2), nghiên cứu sinh ở Học viện Quân y, Đại học Y Hải Phòng và là thư ký, rồi Ủy viên Tiểu ban Ngoại của Hội đồng khoa học Y học Quân sự Bộ Quốc phòng. Dù ở bất kỳ vị trí nào, anh luôn phát huy năng lực, trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dưới sự dìu dắt, hướng dẫn tỉ mỉ, nhiệt huyết, bằng tất cả cái tâm của người thầy để giúp học trò trở thành bác sĩ giỏi, thành công trên con đường sự nghiệp, cống hiến cho ngành y ở các tuyến bệnh viện trong cả nước.
Bằng tinh thần say mê nghề nghiệp, những năm qua, PGS, TS Vũ Nhất Định còn tham gia công tác nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra những hướng điều trị mới. Anh chủ trì và tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp học viện, sáng kiến cải tiến cấp bộ; độc quyền giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); nhiều đề tài nghiệm thu đạt loại xuất sắc và có tính ứng dụng cao trong điều trị. Cùng với đó, tính đến nay, anh đã công bố hơn 60 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí y học trong và ngoài nước; tham gia biên dịch, biên soạn nhiều giáo trình, sách chuyên khảo, giáo án với các thông tin cập nhật, đáp ứng yêu cầu công tác đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của học viên đại học và sau đại học, nghiên cứu sinh. Trong suốt quá trình công tác, PGS, TS Vũ Nhất Định còn chủ động mở rộng kiến thức bằng việc tham gia nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn theo chuyên đề (phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật thay khớp...) ở các nước, như: Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Tây Ban Nha, Đức… và tham dự nhiều hội thảo khoa học quốc tế tại: Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Tây Ban Nha, Mỹ...
Với suy nghĩ “ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua”, trong suốt 25 năm làm việc, PGS, TS, bác sĩ CK2 Vũ Nhất Định luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc. Anh luôn dùng cả trí lẫn tâm trong công tác cứu người, tham gia nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số và xem bệnh nhân như những người thân trong gia đình mình.
Ghi nhận những cống hiến, đóng góp cho nền y học nước nhà, PGS, TS Vũ Nhất Định nhận được nhiều phần thưởng cao quý, như: Bằng khen của Bộ Quốc phòng (năm 2015), Bằng khen của Bộ Y tế (năm 2001), Huy chương tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (năm 2000), giải nhì Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội (năm 2002), giải thưởng Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội... Bên cạnh đó, nhiều sinh viên, bác sĩ trẻ được anh hướng dẫn nghiên cứu khoa học và thực hành tay nghề đã đạt giải cao trong các kỳ hội thao sáng tạo kỹ thuật tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội, hội nghị nghiên cứu khoa học các trường y dược toàn quốc, giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội... PGS, TS, bác sĩ CK2 Vũ Nhất Định cũng đang trực tiếp giúp đỡ nhiều bệnh viện ở các tỉnh, thành phố; các bệnh viện quân đội phát triển kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.
Nhất định phải: Lương y như từ mẫu
Tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Lương y phải là như từ mẫu”, PGS, TS, bác sĩ CK2 Vũ Nhất Định luôn hiểu rằng, y đức là cội rễ của sự phát triển và anh luôn đặt mình vào vị trí của người bệnh để lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm với người bệnh. Do đặc thù của Khoa CTCH, bệnh nhân thường mắc những căn bệnh rất phức tạp, chính vì vậy, trước, trong và sau mỗi ca bệnh, anh luôn trăn trở để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất. Bất kể lúc nào, dù ngày nghỉ, giờ nghỉ hay nửa đêm nếu có bệnh nhân nặng, anh đều có mặt để cùng kíp trực cấp cứu hoặc phẫu thuật. Anh luôn quán triệt tập thể cán bộ, nhân viên phải nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, coi bệnh nhân như người thân trong gia đình để chăm sóc, điều trị, xứng danh thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ.
Chia sẻ về những kỷ niệm trong quá trình công tác, PGS, TS, bác sĩ CK2 Vũ Nhất Định kể lại: "Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi diễn ra vào những năm đầu tiên công tác tại BVQY 103. Khi ấy, Khoa CTCH tiếp nhận một bệnh nhân quê ở huyện Thạch Thất (tỉnh Hà Tây trước đây, nay thuộc TP Hà Nội), bị máy cưa chém đứt 4 ngón tay. Hoảng sợ trước sự việc, gia đình vội vàng đưa bệnh nhân đến BVQY 103 mà quên không nhặt 4 ngón tay đó để nối lại. Khi xuống thăm khám, tôi yêu cầu gia đình quay lại hiện trường tìm đủ 4 ngón tay, mang ngay đến bệnh viện. Kết quả, tôi kịp thời nối thành công 4 ngón tay cho bệnh nhân trong niềm xúc động của gia đình”.
Cũng theo lời kể của anh, khoảng cuối năm 2018, Khoa CTCH tiếp nhận một bệnh nhân quê ở Thanh Hóa bị gãy cả hai chân. Trong thời gian nằm viện, nắm bắt được thông tin từ những bệnh nhân xung quanh, biết được rất ít khi bố con bệnh nhân ăn cơm cùng nhau. Hỏi ra mới biết, do hoàn cảnh khó khăn, phải xoay sở tiền mổ cho con, nên hằng ngày bố con chung nhau một suất cơm để tiết kiệm. Vì thế, sau khi con ăn xong, còn thừa lại, ông bố mang ra chỗ khác để ăn. Cảm thông với hoàn cảnh đó, anh cùng một số cán bộ trong khoa vận động cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện, các nhà hảo tâm ủng hộ một phần kinh phí hỗ trợ gia đình có thêm tiền để mổ cho con.
Câu chuyện về nghề cứ thế mải miết, cho đến lúc anh dừng lại bằng tiếng thở dài khi được hỏi về những khó khăn trong công việc. Anh thật lòng chia sẻ: "Áp lực công việc nghề y rất lớn, nên mỗi bác sĩ trẻ muốn đến với nghề này cần giữ được trạng thái thăng bằng tâm lý, giữ thái độ đúng mực với bệnh nhân; một câu nói, một ánh nhìn, một cử chỉ... cũng có thể tác động tốt hoặc xấu đến người bệnh. Một con người bao giờ cũng được tạo bởi hai yếu tố: Thể chất và tinh thần, bởi vậy muốn chữa khỏi bệnh ở phần thể chất thì trước tiên hãy làm cho tinh thần của họ vui vẻ, khỏe khoắn, đó mới là điều kiện cần và đủ của người bác sĩ tận tụy với nghiệp y.”
VŨ TÂM