Thử thách để tiến bộ trưởng thành

Sau những năm tháng học tập, rèn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, tháng 6-2007, Bùi Xuân Thịnh về nhận công tác tại Trung đoàn 246. Bùi Xuân Thịnh trải qua các cương vị khác nhau, từ trung đội trưởng, phó đại đội trưởng, phó tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng và giờ đây là Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 246. Trò chuyện với chúng tôi, Bùi Xuân Thịnh tâm sự: “Được trải nghiệm ở các cương vị khác nhau khi tuổi đời, tuổi quân còn trẻ, kinh nghiệm công tác chưa nhiều khiến bản thân có cảm giác vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì mình đã có sự tiến bộ, trưởng thành và được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm các chức vụ đó, nhưng lại lo vì những cố gắng của bản thân liệu có đạt được như kỳ vọng của chỉ huy các cấp hay không?”.

Trở lại câu chuyện của những năm tháng thực hiện nhiệm vụ quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới, Bùi Xuân Thịnh cho biết, hàng năm đối tượng chiến sĩ tuyển chọn vào đơn vị trình độ văn hóa, nhận thức không đồng đều; những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, những biến tướng của tệ nạn xã hội... càng làm cho công tác quản lý, rèn luyện bộ đội khó khăn hơn. Cùng với đó, gia đình, vợ con ở xa, điều kiện kinh tế còn nhiều vất vả cũng tác động đến tâm tư, nguyện vọng của Bùi Xuân Thịnh những ngày đầu trên cương vị công tác mới…

Thiếu tá Bùi Xuân Thịnh, ngoài cùng (bên phải), kiểm tra, rút kinh nghiệm nội dung huấn luyện chiến thuật tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246

Qua thực tiễn học tập và công tác, Thiếu tá Bùi Xuân Thịnh tâm niệm, không có con đường nào là không có chông gai, thử thách, có thử thách mới tiến bộ, trưởng thành; phải trải nghiệm bằng thực tiễn, phải gắn bó với đơn vị, sâu sát bộ đội, không quản ngại khó khăn vất vả để thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Ngay cả những lúc khó khăn nhất bản thân anh cũng không một phút dao động mục tiêu và con đường binh nghiệp đã lựa chọn..

Trong quá trình công tác quản lý, huấn luyện bộ đội, Bùi Xuân Thịnh thấm thía sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò nêu gương của người đảng viên và phong cách công tác khoa học. Anh cũng luôn suy nghĩ rằng khi viết đơn xin đứng vào hàng ngũ của Đảng là tự nguyện gánh lên vai trách nhiệm bảo vệ và làm giàu thêm uy tín của Đảng. Mỗi đảng viên chính là hiện thân của Đảng. Nhân dân, mà gần hơn là quần chúng xung quanh sẽ nhìn vào mình để đánh giá, nhận thức về Đảng. “Phong cách khoa học đòi hỏi người cán bộ làm việc gì cũng phải có kế hoạch và có mục đích. Với người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi…”. Thấm nhuần lời dạy đó của Bác, trước một nhiệm vụ dù lớn hay nhỏ, Bùi Xuân Thịnh luôn tạo cho mình tác phong làm việc chủ động, khoa học, có kế hoạch, vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn, từ đó lập kế hoạch, phân công triển khai huấn luyện bộ đội bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, kiểm tra, rút kinh nghiệm kịp thời cho đến khi nhiệm vụ hoàn tất.

Bùi Xuân Thịnh kể, năm 2012 trên cương vị Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, phụ trách công tác hậu cần đời sống. Trước thực trạng khan hiếm rau giống và bị động trong thực hiện kế hoạch gieo trồng, nhớ lời Bác dặn: “để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, người cán bộ phải xét kỹ hoàn cảnh mà xếp đặt công việc cho đúng”... Qua tham khảo các mô hình vườn ươm trên báo, đài và nghiên cứu điều kiện thực tế của đơn vị, Bùi Xuân Thịnh tham mưu cho chỉ huy và trực tiếp chỉ đạo tiểu đoàn tổ chức mua tre, vầu và dựng giàn phủ lưới che để gieo rau giống tập trung, cấp cho đơn vị và trồng rau trái vụ...

Với tư duy nhạy bén, sự tích cực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và luôn đổi mới, một mô hình kinh tế, tăng gia hoàn toàn mới ở thời điểm đó được hình thành: “Mô hình trồng gừng trong bao dứa”. Qua học tập những gương điển hình làm kinh tế giỏi ở các địa phương trên cả nước Bùi Xuân Thịnh chỉ đạo đơn vị tận dụng những khu đất hoang bờ bao, gầm giàn, tiến hành phát quang san phẳng và trồng gừng trong bao túi dựa trên phạm vi rộng với 3.500 bao, tổng đầu tư 15 triệu đồng.

Sau khi triển khai, Bùi Xuân Thịnh nhẩm tính để thấy được hiệu quả từ mô hình trồng gừng trong bao ở đơn vị do chính anh khởi xướng: Với 3.500 bao, mỗi bao 1kg củ, giá 25.000 đồng/kg (ở thời điểm năm 2012-2013), sau khi trừ chi phí đầu tư đơn vị sẽ thu về quỹ khoảng 70 triệu đồng. Nhờ cách làm này, tiểu đoàn luôn chủ động nguồn gia vị cho bếp ăn, vượt chỉ tiêu tăng gia và trích từ quỹ tăng gia để xây mới 4 bảng tin, 4 phòng cắt tóc thanh niên, 6 khuôn viên, 100 chậu và cây cảnh. Đồng thời làm mới toàn bộ hệ thống pa-nô áp phích; chi thường xuyên cho các hoạt động văn hóa, thể thao, khen thưởng, kết nghĩa trị giá hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy đây là hai mô hình tăng gia mang tính đột phá, sáng tạo, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế lại cao nên Sư đoàn 346 đã nhân rộng ra tất cả cơ quan, đơn vị trong nhiều năm qua….

Sáng kiến hay giúp ích cho huấn luyện

Khi ở cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, những tháng ngày lăn lộn cùng bộ đội trên thao trường, Bùi Xuân Thịnh không khỏi trăn trở khi chứng kiến những khuôn mặt rám nắng, từng giọt mồ hôi lăn dài của cán bộ, chiến sĩ bởi phải tốn rất nhiều công sức trong việc bố trí các bài kiểm tra bắn súng với những thiết bị ẩn hiện hết sức thô sơ: Nào là ống tre vầu, dây chun, thiết bị kéo bia bằng cọc gim và dây cước mà nguy cơ mất an toàn rất cao, kết quả lại không vững chắc... Bùi Xuân Thịnh suy nghĩ nhiều đêm phải bằng cách nào đó để giảm thời gian, công sức của bộ đội; đặc biệt là nâng cao chất lượng và tính chính quy trong huấn luyện bắn súng. Với niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu cùng với sự động viên, khích lệ, ủng hộ kịp thời của chỉ huy các cấp, sau 5 tháng  nỗ lực nghiên cứu, Bùi Xuân Thịnh đã thiết kế và chế tạo thành công “Thiết bị tự động ẩn hiện mục tiêu điều khiển từ xa” và đưa vào ứng dụng.

Không thỏa mãn, dừng lại ở đó, tháng 2-2014, Bùi Xuân Thịnh tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sáng kiến “Thiết bị tự động huấn luyện đa năng”. Đây là một trong những sáng kiến mang nhiều ưu điểm khi giải phóng được hoàn toàn sức người, đơn giản, gọn nhẹ tính, cơ động cao, có thể ứng dụng rộng rãi thiết thực trong mọi hoạt độ của đơn vị. Từ huấn luyện bắn súng, chiến thuật, tạo giả, đến các hoạt động tuyên truyền giáo dục, sinh hoạt hội họp, vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, an toàn, đồng thời cũng bảo đảm tính chính quy trong hoạt động quân sự.

Mới đây Bùi Xuân Thịnh tiếp tục thành công trong nghiên cứu sáng kiến “Thiết bị báo bia trực tuyến ngày và đêm”. Thiết bị ra đời và đưa vào ứng dụng thực tế đã giải quyết được nhược điểm của phương pháp báo bia cũ tốn nhiều thời gian, công sức bộ đội. Ứng dụng sáng kiến này, kết quả bắn được lưu lại. Người bắn có thể xem lại chính kết quả bắn của mình, đồng thời cũng có thể dùng máy chiếu để hiển thị trực tiếp kết quả bắn lên màn ảnh rộng, giúp người bắn có thể xem được kết quả của mình ngay sau khi bắn. Trung tá Nguyễn Giang Hà, Chính ủy Trung đoàn 246 khẳng định, sáng kiến đưa vào áp dụng giải quyết được 90% những khó khăn vướng mắc đang tồn tại. Nó không chỉ phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị, bảo đảm được tính thống nhất, trực quan sinh động, độ chính xác cao, gọn nhẹ, an toàn thuận tiện trong sử dụng mà còn bảo đảm được tính hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng và thực hiện chính quy trong huấn luyện…

Nhìn dáng nhanh nhẹn, khuôn mặt dám nắng của người sĩ quan tham mưu luôn nhiệt tình bám nắm thao trường kiểm tra, kịp thời hướng dẫn chỉnh sửa rút kinh nghiệm công tác huấn luyện của bộ đội, chúng tôi cảm nhận Bùi Xuân Thịnh vẫn chưa tự bằng lòng với những gì mà bản thân và đồng đội đã đạt được mà dường như trong anh vẫn đau đáu những suy nghĩ để có thêm những sáng kiến mới để phục vụ ngày một tốt hơn công tác huấn luyện và rèn luyện bộ đội.

Bài, ảnh: NGÔ DUY ĐÔNG