QĐND - Trong những ngày mùa thu tháng Tám, chúng tôi tìm về huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, một trong những cái nôi của cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh và là địa phương thứ hai giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Nghệ An.
Ông Thái Bá Huệ (khối 7, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), cán bộ tiền khởi nghĩa, dù năm nay đã 93 tuổi, nhưng khi nhắc đến cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu cách mạng, ông kể khá rành mạch diễn biến ngày giành chính quyền trên quê hương. Ông Huệ kể: “Ngày đó, ở lứa tuổi đôi mươi, tôi tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Bị áp bức, bóc lột khổ đến tột cùng, nhân dân Hưng Nguyên lúc bấy giờ ngùn ngụt lửa căm thù, khi nghe đến cách mạng giành chính quyền là người dân sướng lắm. Tiếng trống nổi lên là nhân dân có mặt ngay, sục sôi khí thế, quyết giành bằng được chính quyền”.
Cụ Trần Ngoạn (khối 5, thị trấn Hưng Nguyên) được xem là người “giữ sử” cho phủ Hưng Nguyên xưa. Cụ là Bí thư Đảng ủy xã giai đoạn 1965-1970, nay đã 92 tuổi đời với 55 tuổi Đảng, tự hào kể: “Ngày tổng khởi nghĩa tôi là một chàng trai còn rất trẻ. Cũng như bao thanh niên khác, chúng tôi hòa mình vào dòng người đi phá kho thóc của quân Nhật và giành chính quyền. Tôi cùng hàng nghìn người dân Hưng Nguyên hợp lại với các đoàn biểu tình từ thị xã Vinh, Nam Đàn, vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo thực dân Pháp! Đả đảo phát xít Nhật!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”... Trước khí thế hừng hực của quần chúng, quân Nhật đành phải khoanh tay đứng nhìn để nhân dân ta giành và lập chính quyền...”.
Tinh thần của Cách mạng Tháng Tám đã được Đảng bộ và quân dân Hưng Nguyên phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Tháng 8-2015, chúng tôi đến Ban CHQS huyện Hưng Nguyên để tìm hiểu hoạt động của LLVT nhân dân địa phương và được biết: Trong nhiều năm qua, Ban CHQS huyện Hưng Nguyên đã duy trì tốt công tác SSCĐ, trực chỉ huy, trực chiến đấu, trực phòng không bảo vệ các dịp lễ, Tết; đảm bảo giữ vững tình hình ổn định trên địa bàn. Hưng Nguyên là địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai như lũ lụt, cháy rừng. LLVT huyện luôn là nòng cốt trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Năm 2014 và 7 tháng đầu năm 2015, Hưng Nguyên đã xảy ra 12 vụ cháy rừng lớn, nhỏ. Ban CHQS huyện đã kịp thời điều động hơn 500 lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc LLVT huyện tham gia chữa cháy rừng...
Để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, Ban CHQS huyện đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Trong năm 2014, Ban CHQS huyện Hưng Nguyên đã tổ chức động viên, thăm hỏi các đối tượng chính sách, hộ nghèo, trẻ em nghèo hiếu học với số tiền 100 triệu đồng. Ban CHQS huyện đã cử hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ thường trực cùng lực lượng DQTV giúp đỡ các thôn, xã nạo vét kênh mương nội đồng, cứu hộ, cứu nạn, lao động giúp các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. LLVT huyện cũng đã huy động 200 ngày công xây dựng 1 nhà tình nghĩa và mua 2 con bò tặng gia đình quân nhân dự bị, giáo dân gặp khó khăn.
Thượng tá Nguyễn Văn Quế, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hưng Nguyên nói với chúng tôi: “Chúng tôi xác định rất rõ, LLVT ở cơ sở thì phải gần dân, gắn bó với dân. Bài học huy động sức mạnh toàn dân để giành và giữ chính quyền từ mùa Thu năm 1945 ở Hưng Nguyên vẫn còn nguyên giá trị. Chúng tôi là đội ngũ cán bộ đi sau phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị mà cuộc cách mạng vĩ đại đã đem lại. Trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân cũng vậy, muốn đạt được chất lượng, hiệu quả thì phải huy động nhân dân tham gia. Đó là sự nghiệp của nhân dân, LLVT chỉ làm nòng cốt và tham mưu tổ chức thực hiện. Ở Hưng Nguyên hiện nay, việc làm đó đã trở thành nền nếp và đã đem lại những hiệu quả thiết thực...".
HOA LÊ