Tháng 4 này, khắp mọi miền Tổ quốc đang rộn ràng không khí kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Hòa chung tinh thần ấy, Trường THPT Nhân Chính vừa phối hợp với Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên quận Thanh Xuân tổ chức chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng.
 |
Các đại biểu tại lễ chào cờ. |
Trong khuôn khổ chương trình, những lời kể chân thực và xúc động của các bác cựu chiến binh đã “làm sống lại” những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng anh dũng, về ý chí kiên cường và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chiến dịch quyết chiến chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, thông qua ký ức của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lục, nguyên Phi đội trưởng Phi đội Quyết Thắng của Quân chủng Phòng không - Không quân - người trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thầy, cô và các em học sinh Trường THPT Nhân Chính thêm hiểu về ý nghĩa trọng đại của Đại thắng mùa Xuân 1975. Đại tá Nguyễn Văn Lục chia sẻ về trận đánh có một không hai trong lịch sử Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam: Sử dụng máy bay địch tấn công địch tại sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
 |
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lục giao lưu tại chương trình. |
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lục, khi ấy Phi đội Quyết Thắng chỉ có thời gian rất ngắn để huấn luyện chuyển loại từ máy bay Liên Xô sản xuất sang máy bay Mỹ (A37) mà ta thu được của địch. Theo thông lệ, để chuyển loại máy bay, phi công cần khoảng 6 tháng, trong đó 2 tháng học lý thuyết, 4 tháng học thực hành bay (tương đương 60-80 giờ bay). Song do yêu cầu nhiệm vụ, 6 tháng ấy, cả phi đội gói gọn lại trong 3,5 ngày, gồm hơn 1 ngày học lý thuyết và 2,5 ngày thực hành. “Mỗi người chỉ được bay 3 chuyến, thời gian bay 1 giờ 30 phút”, Đại tá Nguyễn Văn Lục hồi tưởng.
 |
Các em học sinh chăm chú lắng nghe những chia sẻ về Đại thắng mùa Xuân 1975 từ các bác cựu chiến binh. |
Sau khi lựa chọn mục tiêu là sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 28-4-1975, phi đội gồm 5 chiếc A37 bay bằng mắt thường từ sân bay Thành Sơn, không radar, không dẫn đường. Tất cả đều chưa biết địa bàn Sài Gòn, chưa biết mục tiêu thế nào, trừ phi công Nguyễn Thành Trung và Trần Văn On. Chừng 40 phút, phi đội tiếp cận Sân bay Tân Sơn Nhất và tấn công bằng những quả bom đầu tiên, gây chấn động sân bay. Các thành viên phi đội lần lượt cắt bom làm rung chuyển cả Sài Gòn. Các phi công còn nghe rõ tiếng hỏi dồn dập, thất thanh của địch từ sở chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất: “A37 của phi đoàn nào, cho biết phiên hiệu?”. Trong trận này, Phi đội Quyết Thắng đã phá hủy 24 chiếc A37, tiêu diệt và làm bị thương hơn 300 quân ngụy; sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn. Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh coi tiếng bom Tân Sơn Nhất như hiệu lệnh để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
 |
Một số tiết mục văn nghệ do các em học sinh nhà trường dàn dựng, biểu diễn. |
Với thế hệ trẻ hiện nay, Đại tá Nguyễn Văn Lục mong rằng, nhìn về quá khứ hào hùng, các bạn càng phải hiểu rõ giá trị của hòa bình, tự nhắc mình sống xứng đáng với truyền thống anh hùng của cha ông. Nếu cha ông ta đã khẳng định vị thế dân tộc bằng tinh thần thép trong chiến tranh, thì hôm nay, thế hệ mới cần vươn ra thế giới bằng trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo, lao động cần cù và tinh thần yêu nước sâu sắc, từ đó cống hiến trí tuệ, góp phần xây dựng Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tại chương trình, các em học sinh khối lớp 10 và 11 của nhà trường biểu diễn các tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại, truyền thống Quân đội anh hùng.
 |
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lục nói chuyện về truyền thống cách mạng với các em học sinh lớp 11A9, Trường THPT Nhân Chính.
|
Xúc động khi tham gia chương trình, em Trịnh Quang Hiển, học sinh lớp 11A9 Trường THPT Nhân Chính, cho biết mong muốn được học hỏi và góp phần vào việc giữ gìn truyền thống lịch sử của dân tộc. Những câu chuyện của các bác cựu chiến binh chia sẻ tại chương trình giúp nuôi dưỡng khát vọng, trách nhiệm và bản lĩnh của thế hệ học sinh hôm nay - những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.
Thời gian qua, Trường THPT Nhân Chính đặc biệt coi trọng công tác giáo dục lịch sử quê hương qua những buổi sinh hoạt dưới cờ, giao lưu với nhân chứng lịch sử hay tham quan di tích lịch sử. Cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, những hoạt động bổ ích như vậy không chỉ tạo ra một môi trường học tập phong phú, mà còn hun đúc lòng tự hào dân tộc, truyền động lực để các em thi đua học tập, vượt khó vươn lên, trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Bài và ảnh: MINH ANH - LAM ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.