Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá và nhìn nhận lại các kết quả khoa học đạt được cũng như công tác tổ chức quản lý thực hiện các chương trình trong thời gian qua; những hạn chế cần khắc phục, đề xuất các kiến nghị để hoàn thiện công tác tổ chức thực hiện chương trình cho giai đoạn tới.  

Quang cảnh hội nghị. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, 257 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai bởi hơn 9700 cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành đến từ 155 đơn vị chủ trì, hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước phối hợp nghiên cứu với tổng kinh phí 2.145 tỷ đồng (trong đó từ ngân sách nhà nước là 1.533 tỷ đồng). Trong đó, nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn phục vụ cho ngành, địa phương, doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhiều kết quả có giá trị khoa học cao ngang tầm khu vực và quốc tế; góp phần tích cực cho đào tạo và phát triển nhân lực khoa học công nghệ cho đất nước.

Tại hội nghị, báo cáo tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, PGS, TS Trần Đỗ Đạt, Phó giám đốc phụ trách Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia có 7 chương trình bao gồm 6 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chương trình KC) và 1 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX.01/16-20). 

Sau 5 năm hoạt động, với sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan quản lý, đến nay 97% các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các chương trình đã được đánh giá nghiệm thu với 206 nhiệm vụ có kết quả đạt và 40 nhiệm vụ có kết quả xuất sắc. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị. 

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trình bày tham luận về một số định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đề xuất mô hình, cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ; trao đổi về những định hướng cho các chương trình giai đoạn tiếp theo về khía cạnh nội dung cũng như công tác quản lý.

Những tham luận này chính là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình trong giai đoạn tới; đồng thời, góp phần phục vụ xây dựng chiến lược về Khoa học và Công nghệ của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Tin, ảnh: TRẦN YẾN