Mới đây, nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm tại Tượng đài chiến thắng, gặp gỡ nhân chứng lịch sử và ôn lại truyền thống vẻ vang của quân, dân nơi đây.

Ngày 15-8-1966, máy bay giặc Mỹ đánh phá cầu Cầm. Các lực lượng phòng không của các xã: Hưng Đạo, Xuân Sơn của huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) cùng bộ đội từ các trận địa hai bên bờ sông Cầm và khu vực gần đó đã nhất loạt nổ súng tạo thành một lưới lửa dày đặc tầng cao, tầng thấp vây bọc máy bay giặc Mỹ. Một trong những người đã trực tiếp đối mặt với các cuộc oanh kích của máy bay Mỹ năm 1966 tại trận địa cầu Cầm là nữ dân quân Nguyễn Thị Len.

leftcenterrightdel

Cô và trò Trường THCS Xuân Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh) tham gia hoạt động trải nghiệm tại Tượng đài chiến thắng. 

Trong buổi trò chuyện với các em học sinh, bà Len tự hào chia sẻ: “Trực chiến hôm đó tại trận địa súng máy 12,7mm ở đầu cầu Cầm là tiểu đội dân quân; có ông Vẹn là Tiểu đội trưởng, ông Lẻ, ông Hậu, ông Họp, bà Tắc và tôi. Khi mọi người đang thực hiện nhiệm vụ thì máy bay Mỹ ào ào bay vào từ sau dãy núi ở phía tỉnh Bắc Giang. Ông Vẹn chỉ huy tiểu đội vào vị trí chiến đấu, hướng nòng súng về phía Tây Bắc, vị trí mà máy bay Mỹ đang bay tới.

Khi máy bay sà xuống ném bom đánh phá cầu Cầm ở tầm thấp, tiểu đội đã nhả những loạt đạn chính xác vào đội hình máy bay Mỹ. Một chiếc máy bay trong đội hình trúng đạn, bốc cháy giữa tiếng reo hò vang dậy của quân và dân trên các trận địa của lực lượng phòng không dọc cầu Cầm. Chiến công này đã được Bác Hồ gửi thư khen, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất...”.  Đặc biệt, đoàn đại biểu quân đội Cuba đã về xã Xuân Sơn tham quan, học tập kinh nghiệm bắn máy bay giặc Mỹ bằng súng bộ binh. Nữ dân quân Nguyễn Thị Len thay mặt anh chị em trong phân đội được vinh dự sang thăm đất nước Cuba anh em.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Sơn chia sẻ: “Để các em hiểu và thêm yêu bộ môn Lịch sử, nhà trường đã tổ chức những buổi hoạt động ngoại khóa nhằm khơi dậy ý thức tự hào, lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước. Công trình Tượng đài chiến thắng không chỉ là niềm tự hào của người dân quê hương đệ tứ chiến khu Đông Triều mà còn là "địa chỉ đỏ" góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng cho các thế hệ mai sau”.

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh Lớp 8A thổ lộ: “Chúng em tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên quê hương gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ. Được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với nhân chứng lịch sử giúp chúng em hiểu hơn về chặng đường xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành của tỉnh Quảng Ninh”.

Qua hoạt động ngoại khóa, các em hình thành những thói quen tốt, tư duy sáng tạo, khả năng tập trung, khơi dậy niềm đam mê học tập. Bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian tới, các trường trên địa bàn thị xã Đông Triều tiếp tục triển khai những hoạt động phù hợp, đồng thời đổi mới hoạt động ngoại khóa cho học sinh, tạo môi trường tốt để các em không chỉ học tập mà còn được vui chơi, rèn luyện, khám phá, tích lũy vốn sống.

Bài và ảnh: TRẦN THANH HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.