Tắt sóng 2G sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2024

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nhà mạng thực hiện khóa máy điện thoại thuần (only) 2G, 3G từ tháng 12-2023 để người sử dụng chuyển sang điện thoại thế hệ cao hơn (4G và tiến tới là 5G).

Theo lộ trình, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu dừng công nghệ di động 2G chậm nhất đến tháng 9-2024. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, các nhà mạng đã cam kết sẽ thực hiện việc khóa các thiết bị 2G only từ tháng 12-2023. Thời gian qua, các nhà mạng đã triển khai phát triển giải pháp kỹ thuật để có thể loại các thiết bị thuần 2G, 3G ra khỏi mạng. Cục Viễn thông cũng yêu cầu các nhà mạng báo cáo số lượng thuê bao sử dụng máy thuần 2G trong tháng 9 này.

Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra nhập khẩu, phân phối, lưu thông máy 2G, 3G cũng sẽ được triển khai. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị kiểm tra các chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh mô hình chuỗi, các hộ kinh doanh đơn lẻ để đảm bảo không còn máy điện thoại di động 2G, 3G only lưu thông trên địa bàn; phải phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường, hải quan, công an, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán lưu thông thiết bị điện thoại 2G, 3G only vi phạm quy định; kết quả gửi về Bộ trước ngày 30-11-2023.

leftcenterrightdel
 Các nhà mạng đã tắt dần sóng 2G, 3G.

Khuyến khích người dân nâng cấp điện thoại lên 4G, 5G

Trên thực tế, từ năm 2020 - 2021, các nhà mạng đã tắt dần sóng 2G, 3G. Viettel cho biết, sau một năm, nhà mạng này đã tắt 32.000 trạm 3G tại 670 huyện ở 61/63 tỉnh, thành phố. Số trạm còn lại sẽ được tắt khi Viettel hoàn thành xây dựng các trạm BTS để bù vùng phủ tại các địa điểm đó.

MobiFone cũng thử nghiệm tắt sóng 2G từ năm 2020 tại một số khu vực ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và cấp SIM 4G miễn phí cho các thuê bao 2G. Bên cạnh đó, nhà mạng này đã ký kết đối tác chiến lược với hệ thống bán lẻ hàng công nghệ Di động Việt để thúc đẩy tiến trình tắt sóng 2G.

Tập đoàn VNPT đã chủ động kế hoạch tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu hóa việc vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng công nghệ 2G.

Đến nay, VNPT đã thực hiện tắt hàng ngàn trạm 2G và triển khai các chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bạc Liêu và Vĩnh Long. Đến cuối năm 2022, có khoảng 1,9 triệu thuê bao VNPT đã chuyển đổi từ 2G sang 3G/4G. VNPT cũng sẽ triển khai chương trình viễn thông công ích đã được Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện, cụ thể là trợ giá điện thoại thông minh 500.000 đồng/máy cho các thuê bao thuộc đối tượng viễn thông công ích.

Được phát triển từ năm 1993, mạng 2G hiện đã lạc hậu, tốc độ, tính năng kỹ thuật đều không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, đồng thời không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ.

Theo Cục Viễn thông, mục tiêu của việc tắt hoàn toàn sóng 2G là để tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Đồng thời sẽ khuyến khích người dân nâng cấp điện thoại lên 4G, 5G. Với tốc độ cao, độ trễ thấp và dung lượng lớn, 5G có thể thúc đẩy hàng loạt các ứng dụng. Người dùng 5G sẽ được có được nhiều trải nghiệm nhanh hơn, thú vị hơn như có thể tải xuống một bộ phim dài 2 giờ trong vòng chưa đầy 10 giây. Đối với các ngành công nghiệp lớn, mạng 5G sẽ thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ trong tương lai.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh (smartphone) đến người dân Việt Nam, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn. Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.

Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện việc tắt sóng 2G như Nhật Bản (năm 2011) Singapore, (năm 2017), Trung Quốc (năm 2021). Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GMSA), tính đến tháng 10-2022, có 142 nhà mạng ở 56 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có những kế hoạch hành động để triển khai việc tắt sóng 2G/3G, trong đó có 51 nhà mạng viễn thông đã tắt sóng 2G.

Bài, ảnh: VĂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.