Trước thực tế trên, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) dự kiến tắt hoàn toàn sóng 2G trên toàn quốc vào năm 2024 để tận dụng tài nguyên tần số cho những công nghệ viễn thông hiện đại hơn.

Mạng 2G chậm và lạc hậu

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có hơn 26,1 triệu thuê bao di động 2G, chiếm 20% trên tổng số 126 triệu thuê bao di động cả nước. Sau gần 30 năm, mạng 2G đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ viễn thông cũng như nhu cầu đại đa số người sử dụng. Người dùng điện thoại hiện nay không chỉ với mục đích nghe, gọi, nhắn tin mà còn để giải quyết các thủ tục hành chính, làm việc, kinh doanh, mua bán trên các sàn thương mại điện thử, đọc báo, xem phim, giải trí... Bên cạnh đó, mạng 2G đơn giản và sơ sài với nhiều lỗ hổng bảo mật thông tin đang bị các tổ chức tội phạm mạng tận dụng khai thác, gây phiền toái và tiềm ẩn rủi ro cho người dùng. Từ thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp thay thế mạng di động mới mạnh hơn, nhanh hơn, an toàn hơn.

leftcenterrightdel
Tăng cường nâng cao năng lực hạ tầng mạng viễn thông. Ảnh: TRẦN ĐỨC 

Đến nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, mạng di động đã tiến lên các thế hệ tốc độ cao như 4G, và mới nhất là thế hệ di động 5G với tốc độ gấp gần 10 lần 4G, cho phép truyền tải dữ liệu nhanh chóng, sử dụng các ứng dụng lưu trữ trên đám mây, ứng dụng điều khiển liền mạch không bị gián đoạn. Công nghệ di động với tốc độ cao cũng góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực xã hội, kết nối vạn vật nhanh hơn, an toàn hơn, góp phần thực hiện mục tiêu chung phổ cập điện thoại thông minh tới toàn dân. Tuy nhiên, để các nhà mạng tập trung nguồn lực phát triển những công nghệ tân tiến thì cần phải cắt giảm những công nghệ đã lỗi thời như 2G. Hơn nữa, tại Việt Nam, các mạng di động công nghệ 3G, 4G hiện đã phủ sóng rộng khắp tương đương vùng phủ của mạng 2G, cho nên việc tiếp tục duy trì công nghệ 2G là không cần thiết. Trên thế giới có nhiều quốc gia thực hiện tắt sóng 2G như Nhật Bản (năm 2011). Tại Singapore, các nhà mạng M1, Singtel và StarHup hoàn thành tắt sóng 2G trong năm 2017. Ở Trung Quốc, nhà mạng China Unicom tắt 2G năm 2021...

Bảo đảm quyền lợi khách hàng

Nhằm chuẩn bị cho việc tắt hoàn toàn sóng 2G tại Việt Nam, Bộ TT-TT định hướng các doanh nghiệp di động cần xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thuê bao sang sử dụng mạng di động 4G, 5G; phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G (tương đương khoảng 6 triệu thuê bao), tiến tới tắt hoàn toàn mạng 2G vào năm 2024. Bộ TT-TT cũng đã ban hành Thông tư 43 về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất-phần truy nhập vô tuyến” quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 7-2021 phải tích hợp công nghệ 4G.

Đồng thời, kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gây gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ này và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan. Đối với các đối tượng vùng sâu, vùng xa, đối tượng được sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, Bộ TT-TT cũng có phương án triển khai hỗ trợ, cụ thể hỗ trợ mỗi hộ gia đình một máy tính bảng cho 400.000 hộ, hoặc hỗ trợ một phần chi phí trang bị một điện thoại thông minh cho 400.000 hộ chưa được trang bị máy tính bảng.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành viễn thông cũng đã có những hành động cụ thể hướng tới việc dừng phủ sóng mạng 2G. Ngay từ năm 2021, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chủ động kế hoạch tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu công tác vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng hẳn công nghệ 2G. Kết quả từ năm 2021 đến nay, VNPT đã thực hiện tắt được gần 2.000 trạm 2G; hỗ trợ 1,9 triệu thuê bao chuyển đổi từ mạng 2G sang 3G, 4G. Trong thời gian tới, căn cứ định hướng của Bộ TT-TT với mục tiêu “Hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất vào tháng 9-2024”, VNPT đang xây dựng các kế hoạch thực hiện, tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và mạng lưới của VNPT (mức độ chuyển đổi đầu cuối thuê bao 2G; sự phối hợp, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện thoại, sự phối hợp từ phía khách hàng) để thúc đẩy chuyển đổi thuê bao 2G. Bên cạnh đó, VNPT cũng tích cực triển khai Chương trình Viễn thông công ích đã được Bộ TT-TT hướng dẫn thực hiện, cụ thể là trợ giá điện thoại thông minh 500.000 đồng/máy cho các thuê bao di động thuộc đối tượng viễn thông công ích theo quy định.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã triển khai tắt mạng 3G tại một số tỉnh, thành phố. Việc tắt các trạm 3G sẽ giúp Viettel giải phóng mạng lưới, tối ưu hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ mới, giảm chi phí vận hành và khai thác, bổ sung nguồn tài nguyên tần số cho mạng 4G để nâng cao chất lượng dịch vụ trong bối cảnh lưu lượng và thuê bao 4G ngày càng lớn (40,65 triệu thuê bao), chiếm 75% tổng số thuê bao toàn mạng. Bên cạnh đó, Viettel cũng đang đẩy mạnh triển khai thử nghiệm mạng 5G và tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng của mạng 4G trên toàn quốc.

HOÀNG CHUNG