Đây là hoạt động có ý nghĩa chuyên môn thiết thực với mỗi cá nhân thầy, cô giáo và nhà trường trong tiến trình đổi mới, quyết liệt và toàn diện của ngành giáo dục nói chung, cụm Thanh Xuân-Cầu Giấy nói riêng; đồng thời mở màn cho chuỗi sự kiện chào mừng 25 năm thành lập Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, ông Phạm Sỹ Cường, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh: “Hội thảo giúp các giáo viên cùng trải nghiệm, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường; đề xuất các biện pháp thiết thực, có hiệu quả, có tính khả thi trong việc quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục học sinh; tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất cũng như tinh thần”.
 |
Các trường chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục học sinh. |
Hội thảo cũng đề xuất các biện pháp trong việc phối hợp hiệu quả giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Qua đó, giúp học sinh trở thành người học tích cực, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành công dân có trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân trong thời đại mới.
Mục tiêu của việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là xây dựng và tổ chức thực hiện giáo dục của nhà trường, bảo đảm yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương và cơ sở giáo dục. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chức chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động dạy học.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn hướng tới mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018; phát triển chương trình môn học theo hướng trải nghiệm liên môn; tổ chức dạy học STEM; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh… Đồng thời, đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả và giảm áp lực cho giáo viên; xây dựng bộ học liệu điện tử; xây dựng hệ thống tuyển sinh trực tuyến; thực hiện kiểm tra, đánh giá trên máy tính; triển khai đánh giá hành vi học sinh trực tuyến và phân tích dữ liệu lớn…
Tin, ảnh: KHÁNH HÀ