Đây là giải báo chí thường niên tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc viết về sự nghiệp giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Qua đó nhấn mạnh giá trị, nâng cao tầm quan trọng của ngành giáo dục đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Tổ chức Hoàng Minh Sơn chủ trì buổi họp báo công bố giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”.

Giải dành cho các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình phát hành trong và ngoài nước, từ ngày 5-9-2023 đến hết ngày 5-9-2024. Mỗi tác phẩm là một hoặc loạt bài (không quá 5 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện cùng một thể loại báo chí.

Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động đến hết ngày 30-9-2024. Ban tổ chức trao 1 giải đặc biệt (60 triệu đồng) và mỗi loại hình trao 1 giải nhất (30 triệu đồng), 2 giải nhì (mỗi giải 15 triệu đồng), 3 giải ba (mỗi giải 10 triệu đồng) và một số giải khuyến khích (mỗi giải 5 triệu đồng). Ngoài ra còn có giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (2 nhân vật) trị giá 10 triệu đồng. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến vào ngày 16-11-2024.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu phát động giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ghi nhận, báo chí luôn đồng hành, chia sẻ với ngành Giáo dục. Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là sân chơi để phóng viên, nhà báo có thêm động lực, giao lưu. Qua mỗi năm, Ban tổ chức rút kinh nghiệm để Giải ngày càng có ý nghĩa, mang lại giá trị lớn và lan tỏa những giá trị tích cực đến xã hội.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, bên cạnh phản ánh những vấn đề “nóng”, những tấm gương, mô hình, ngành giáo dục mong muốn các tác phẩm dự thi sẽ đề cập đến những vấn đề có tính hệ thống, tác động lâu dài như: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng trân trọng ghi nhận qua 6 lần tổ chức giải, đã có nhiều tác phẩm có tầm nhìn, với những dự báo để ngành giáo dục có thêm cơ sở hoàn thiện chính sách; đồng thời tin tưởng các phóng viên, nhà báo sẽ lựa chọn được chủ đề hay, đề tài sắc sảo để đầu tư chuyên sâu tham gia dự Giải. Hy vọng, tất cả các phóng viên, nhà báo tham dự đều đoạt giải trong năm nay.

Khẳng định Ban tổ chức luôn trân trọng những tác phẩm dự thi và không phân biệt nội dung phản ánh tích cực, hay tiêu cực, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Ban tổ chức nhấn mạnh, tất cả các tác phẩm báo chí có tác động tích cực đến ngành giáo dục đều được chào đón. Ban tổ chức khuyến khích tác phẩm nêu vấn đề, phát hiện vấn đề, những mâu thuẫn và những yếu tố dẫn tới cản trở làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục. Tuy nhiên, khi viết về tiêu cực cần có động cơ thúc đẩy phát triển giáo dục, phải phân tích hệ thống nguyên nhân, giải pháp đi kèm, chứ không nêu vấn đề hoặc “vạch lá tìm sâu”. “Chúng tôi sẽ xem xét sự dấn thân, giá trị đạo đức của nhà báo. Một tác phẩm được Giải phải mang đến những giá trị cho ngành giáo dục, tạo ra sự chuyển biến tốt trong thực tiễn” - bà Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh và khuyến khích cả báo Trung ương, địa phương cùng hưởng ứng tham gia tích cực.

Tin, ảnh: KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.