Giải đặc biệt được trao cho tác phẩm “Học sinh miền Nam - Một thời để nhớ” của nhóm tác giả Võ Thị Ánh Tuyết, Bùi Đình Dương, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Doãn Lưu, Nguyễn Trần Dũng, Lê Bật Hiệu, Nguyễn Trần Kim Tiền, đến từ Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trao giải Đặc biệt.

 

Bốn giải nhất được trao cho tác phẩm “Học sử để thêm yêu lịch sử nước nhà” (báo in), nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thu Hoài, nơi xuất bản: Báo Đại Đoàn Kết; “Xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn lớp 10: Hài hòa lợi ích” (báo điện tử), nhóm tác giả: Nguyễn Thị Nhung, Hà Ánh Ngọc, Hoàng Công Chương, Trương Trường Tiến, Nguyễn Quốc Ngữ, Ngô Sỹ Điền, nơi xuất bản: Báo Giáo dục và Thời đại; Loạt bài “Tự chủ Đại học: Gánh nặng tăng học phí" (phát thanh), tác giả Lê Thị Thu, nơi xuất bản: Ban Thời sự (VOV1) - Đài Tiếng nói Việt Nam; “Người gieo chữ kiên cường (truyền hình), nhóm tác giả Nguyễn Văn Ba, Trương Tuấn Nghĩa, Nguyễn Trung Toàn, Nguyễn Minh Ngọc, Hồ Nữ Thị, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Hoài Hương, Nguyễn Việt Anh, nơi xuất bản: Ban Khoa giáo (VTV2), Đài Truyền hình Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm và ông Rick Benett - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc Việt Nam trao giải cho các tác giả đạt giải Nhất.

 

Ban tổ chức cũng trao 8 giải nhì, 12 giải ba, 28 giải khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải. Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) trong tác phẩm Chuyện “Vỹ khùng”, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam và em Hoàng Thị Mũ, nhân vật trong tác phẩm “Không gục ngã”, Ban Dân tộc (VOV4) - Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.

Thầy Vỹ là tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác Hồ với 22 năm gắn bó với giáo dục miền núi Nam Trà My. Nhiều năm nay, sau những tiết dạy học, thầy Nguyễn Trần Vỹ đã rong ruổi khắp các ngọn núi để cùng xây trường, dựng lớp, kết nối yêu thương, sẻ chia khó khăn với bà con vùng cao. Em Hoàng Thị Mũ là người dân tộc Mông ở Bảo Lâm, Cao Bằng. Năm 2010, mất mẹ do lũ cuốn, khi đó em mới 7 tuổi, em đã thay mẹ nuôi 2 em còn nhỏ. 10 tuổi cha mất, em lại thay cha làm trụ cột gia đình. Em là học sinh giỏi nhiều năm và được nhận học bổng của Học viện Quảng Tây, Trung Quốc. Hiện em đã lo cho 2 em trưởng thành. Em thực sự là tấm gương vượt khó vươn lên.

Trao giải Nhì cho các tác giả đoạt giải. 

 

Trao giải Ba cho các tác giả đoạt giải. 

Với tác phẩm “Học sinh miền Nam - một thời để nhớ”, đại diện nhóm tác giả, đạo diễn - Nhà báo Bùi Đình Dương chia sẻ: Theo dõi về các tác phẩm truyền hình tham gia Giải, nhiều tác phẩm của đồng nghiệp đã để lại ấn tượng sâu sắc và dấu ấn trong lòng khán giả. Những tác phẩm đã đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của Ngành Giáo dục hiện nay; những câu chuyện cảm động của thầy cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc; những em học sinh vượt khó để học cái chữ... Các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành và mang đậm hơi thở cuộc sống. Qua đó cho thấy sức hút của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”.

Năm 2022, số lượng tác phẩm cả 4 loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình) gửi về Ban Tổ chức là hơn 800 với với sự tham gia đông đảo cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương. Đáng chú ý, số lượng tác phẩm đoạt giải của các địa phương cũng đã tăng nhiều so với các năm trước.

Trao giải Nhân vật tiêu biểu.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.

Tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” đã có sức hút mạnh mẽ với các nhà báo. Số đơn vị tham gia năm nay cũng rất đa dạng, ở nhiều tỉnh/thành phố. Như vậy, so với các mùa Giải trước, số lượng tỉnh/thành phố tham gia đã phong phú, trải dài từ Bắc đến Nam. Chất lượng tác phẩm của các địa phương cũng đã được nâng cao, vì vậy số lượng tác phẩm đoạt giải của các địa phương cũng đã tăng nhiều so với các năm trước”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tổng kết Giải thưởng và phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023. 

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã phát động Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” lần thứ 6 với hy vọng nhận được sự đóng góp của đông đảo phóng viên, nhà báo… để tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp trồng người; đồng hành cùng ngành giáo dục vượt qua khó khăn thách thức.

Tin, ảnh: KHÁNH HÀ